Người xây Đền Trúc

Thứ sáu, 15/07/2016 - 08:35

Đền Trúc nằm tách biệt khu dân cư, giữa ba bề bốn bên mênh mông cánh đồng lúa. Hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", vừa là để bà con ra vào đền thuận lợi, đồng thầy Trần Hòa đã bỏ ra toàn bộ kinh phí để đào đắp nâng cấp con đường đất nhỏ dài 730m, rộng 1m thành con đường to rộng 4m; ngoài ra, đồng thầy còn tổ chức thi công xây dựng cứng hóa 1.216 m mương cấp nước tưới tiêu cho những thửa ruộng xung quanh với tổng trị giá 324 triệu đồng.

Đền Trúc nằm giữa ba bề bốn bên là những cánh đồng lúa.

Đền Trúc nằm giữa ba bề bốn bên là những cánh đồng lúa.

Sự tích linh thiêng

Theo Thư mục Thần tích, Thần sắc Việt Nam do Viện thông tin khoa học xã hội Việt Nam biên soạn và công bố thì vào thời vua Lê Duy Mục bọn nội gián can dự vào chính sự, khiến cho hàng triệu thường dân bị khốn khổ, tông thất và trung thần bị giết hại. Tháng 11 năm Kỷ Tỵ 1509, Đức vua lánh nạn vào Tây Đô dấy nghĩa, khôi phục cơ nghiệp Vua Cao Tổ, cứu với ức triệu dân lành.

Bấy giờ có các vị thân thuộc của trường Lạc Điện (chỉ vợ vua Lê Thánh Tông) hiệp mưu, đồng lòng thờ vua, tập hợp người tài giỏi, huy động tân binh đem cờ búa hoàng kim cứu dân chúng khỏi lầm than. Khi đi đến đây, thấy rừng rậm rạp một dải mênh mông. Có một ngôi đền mái lợp tranh, trong đền có tảng đá dựng chữ: "Cao Sơn đại vương". Mọi người lấy làm kinh dị bèn khẩn cầu: "Đoan Khánh tàn ngược, dân không sống nổi. Mệnh trời và lòng người đều hướng về kẻ có đức. Thánh thượng hiện nay là cháu của Thánh Tông, nghĩ tới gian lao của tổ tiên dựng nghiệp, thương triệu dân bị khốn cực, nên phải mưu việc xã tắc, dấy đạo quân trừ khử bạo tàn. Bọn chúng tôi cùng giúp vua thánh minh đem lại bình an cho thiên hạ. Nếu thần linh thiêng, xin phù hộ từ cõi âm ngầm giúp hoàn thành nghiệp lớn. Đến ngày thành công, chúng tôi sẽ xin triều đình suy tôn rạng rỡ để tỏ dõ công ơn của thần".

Khấn xong, ổn định đội ngũ chỉnh tề kéo đi. Bề tôi và dân chúng bốn phương không hẹn nhau mà hội tụ lại đem thức ăn tới khao đón quân vua. Quân sĩ không phải gian lao máu dây mũi dao, dân chúng được thỏa lòng mong ước như nắng hạn gặp mưa rào. Quét sạch bọn hung đồ, xua tan bóng giặc nơi cung cấm. Chuông đỉnh muôn thủa càng dài lâu, uy linh miếu vững bền mãi mãi. Nghiệp vua vận nước nhờ đó mà bình yên trở lại.

Năm đó vào ngày 2 tháng 12, vua lên ngôi báu vỗ về chăm sóc mọi nơi và lệnh cho làng Tang Giá, tổng Tang Giá (nay là huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) đôn đốc quân đội dựng miếu, sai bộ công làm văn bia để lưu truyền. 

Những mầm trúc tưởng rằng đã biến mất từ hàng chục năm trước bỗng nhiên le lói mọc lên xanh tươi như có phép màu nhiệm.

Những mầm trúc tưởng rằng đã biến mất từ hàng chục năm trước bỗng nhiên le lói mọc lên xanh tươi như có phép màu nhiệm.

Còn theo người dân địa phương kể lại: ngày xửa ngày xưa Đức thánh Tản Viên sau khi đánh đuổi giặc tan, một tay giữ đầu đã lìa khỏi cổ phi ngựa trở về đến đây thì gặp một bà bán hàng nước, bèn hỏi: Đầu lìa khỏi cổ liệu có sống được không? Bà hàng nước trả lời: Không sống được!

Con ngựa theo đà chạy thêm được mấy thửa ruộng thì gục xuống chết, còn Đức thánh thì ngã xuống và hóa cách đó không xa. Cũng khi đó người ta thấy cửa sông ở làng bên nằm về phía Tây Bắc nơi ngài hóa nổi lên 18 đầu rồng, sau làng được gọi là làng Rồng, thuộc xã Quỳnh Bảo; ở phía Đông trên bầu trời xuất hiện 18 Quận công (đàn ngựa hồng 18 con), nên người dân gọi là làng Phượng Công nay thuộc xã Quỳnh Hội.

Nơi ngựa ngã xuống sau này nổi lên gò đất hình đầu ngựa được dân làng gọi là Đống Cổ Ngựa, nơi Đức thánh hóa thì nổi lên núi đất khá cao gọi là Đống Chiềng, trên đó người dân trong làng bảo nhau lập đền thờ.

Từ ngày có đền, trên núi đất bỗng dưng một loại trúc thân nhỏ cành lá rậm rạp đua nhau mọc lên thành rừng, do vậy đền có tên gọi là Đền Trúc từ ngày ấy.

Người xây Đền Trúc

Theo các cụ trong làng kể lại, Rừng Trúc, Đền Trúc là nơi che giấu cán bộ Việt Minh và bộ đội trong những năm tháng đánh đuổi thực dân Pháp, do vậy đã bị đạn pháo của giặc cày nát và phá sập. Trải qua biến thiên thăng trầm của lịch sử, thời gian và bị chiến tranh tàn phá, vào những năm 70 và 80 của thế kỷ XX, Đền Trúc chỉ còn là phế tích, hoang tàn và Rừng Trúc cũng không còn nữa.

Năm 1998, nhân dân trong làng bảo nhau gom góp tiền của công sức xây xong cung thờ Đức thánh Tản Viên thì kiệt lực. Thấy chàng thanh niên Trần Đăng Hóa là người có căn quả, lại hết lòng chăm lo việc tâm linh cùng dân làng, nên mọi người bàn nhau giao ngôi đền cho anh coi sóc; số nợ xây đền gần 15 triệu đồng (gần 4 cây vàng) cũng được anh tự trang trải không nỡ để bà con trong làng phải lo xoay sở, đóng góp.

Đến năm 2003, đang từ một phó chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp có triển vọng, ông chủ của một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp ăn lên làm ra, ở tuổi 30 tràn đầy sung sức, đồng thầy Trần Hòa (pháp danh của Trần Đăng Hóa) đột nhiên xin nghỉ mọi công việc ở chính quyền xã – chuyển hẳn sang chú tâm vào con đường Phật pháp, dốc tiền của nhờ kinh doanh bấy lâu vào xây tiếp cung Phật (năm 2006), nhà tiền đường (năm 2012) và trước đó là cung Tứ phủ (năm 2001). 

Người xây Đền Trúc- Ảnh 3.

Đồng thầy Trần Hòa và hệ thống mương dẫn nước do mình tổ chức thi công.

Đền Trúc thờ Đức thánh Tản Viên thuộc thôn Tân Dân, xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ - Thái Bình) ngày nay đã trở nên khang trang, ấm cúng là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của bà con trong vùng. Điều kỳ lạ là từ khi ngôi đền được xây cất khang trang trở lại, thì vài năm nay những mầm trúc tưởng rằng đã biến mất từ hàng chục năm trước bỗng nhiên le lói mọc lên xanh tươi như có phép màu nhiệm.

Vừa coi sóc việc đền, đồng thầy vừa dốc tâm làm việc thiện, quy bảo được nhiều thanh niên lỗi lầm mắc vào nghiện ma túy, thanh niên có tính khí bất thường,.. trở lại với cuộc sống đời thường ấm yên, vui vẻ. Trong số 171 người nhận làm con của đồng thầy thì có 08 người từng dính líu vào ma túy, còn lại đa số là những người từng có tiền sử về tâm thần. Tiêu biểu như anh Đặng Đình Hồng, ở ngõ 266 đường Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) được đồng thầy nuỗi dưỡng giáo hóa hơn 8 tháng đã đoạn tuyệt với ma túy, gia đình đoàn tụ trở lại. Đặc biệt, 4 năm trước thấy hoàn cảnh chàng thanh niên gầy gò Chu Đức Lợi ở ngõ 82, đường Mê Linh (Hải Phòng) bỗng dưng rơi vào khó khăn, bế tắc. Đồng thầy đã đưa Lợi về nhà nuôi dạy và cho học hết Cao đẳng y Thái Bình,..

Hàng năm vào các dịp lễ tết, đồng thầy cùng với một số thiện nam tín nữ thường tổ chức đi tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam, đồng bào và trẻ em nghèo; tổ chức lễ cầu siêu các Anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Điên Biên, ngã ba Đồng Lộc. Gần đây, vào tháng 6/2015, đồng thầy đã tổ chức tới thăm tặng quà trẻ em làng trẻ S.O.S ở quận Hải An, Hải Phòng; tặng 14 suất quà cho Hội người mù huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), tặng đồng bào khó khăn vùng sâu vùng xa xã Quyết Thắng (Quản Bạ - Hà Giang) 110 suất quà nhân dịp đón tết Bính Thân 2016.

Gắn việc tâm linh với xây dựng nông thôn mới

Đền Trúc nằm tách biệt khu dân cư, giữa ba bề bốn bên mênh mông cánh đồng lúa. Hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", vừa là để bà con ra vào đền thuận lợi, đồng thầy Trần Hòa đã bỏ ra toàn bộ kinh phí đào đắp nâng cấp con đường đất nhỏ dài 730m có chiều rộng 1m thành con đường to rộng 4m; ngoài ra, đồng thầy còn tổ chức thi công xây dựng cứng hóa 1.216m mương cấp nước tưới tiêu cho những thửa ruộng xung quanh với tổng trị giá 324 triệu đồng.

Biết đời sống người dân quê hương còn nghèo khó, thầy không mảy may kêu gọi bà con đóng góp, mà toàn bộ kinh phí xây đền, làm mương, đắp đường đều do thầy và hàng trăm con nhang đệ tử của thầy ở Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng,.. phát tâm công đức.

Để chăm lo đời sống văn hóa tâm linh cho nhân dân địa phương, thầy đã thành lập Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa tâm linh của đền. Ngay từ khi mới thành lập, Câu lạc bộ đã thu hút đông đảo bà con trong xã và các xã lân cận ở độ tuổi trung niên và cao niên phấn khởi tham gia. 

Người xây Đền Trúc- Ảnh 4.

Hàng ngày bà con ra đền tập luyện và sinh hoạt văn nghệ.

Người xây Đền Trúc- Ảnh 5.

Các bạn nhỏ có thêm điểm vui chơi xem các bà luyện tập, làm đẹp thêm những năm tháng tuổi thơ.

Câu lạc bộ đã hướng dẫn các hội viên học tế nam, tế nữ theo lối cổ; học hát văn, hầu đồng, học hát chèo, xẩm và quan họ. Nhờ vậy mà đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong vùng được yên vui, phong phú, tệ nạn tiêu cực bị đẩy lùi, sản xuất làm ăn phát triển.

Cụ ông Nguyễn Văn Quýt 77 tuổi phụ trách ban nhạc của đền, ngày hai buổi đều đặn ra đền từ sáng sớm cho đến trưa và từ đầu giờ chiều cho đến tối để vận hành loa máy cho đội tế tập luyện. Và cụ cũng là người đánh trống tế trong mỗi dịp tế của đền.

Bà Vũ Thị Lâm ở xã bên (xã Quỳnh Mỹ) cho biết, tham gia Câu lạc bộ thấy tinh thần vui ra, khỏe ra. Dịp tháng 5 vừa qua, mặc dù bận rộn với công tác tuyên truyền bầu cử bởi bà còn là đội trưởng đội văn nghệ xã Quỳnh Mỹ, nhưng hàng ngày bà vẫn sắp xếp thời gian ra đền tập luyện diễn xướng hát văn hầu đồng giá ông Hoàng Mười, giá Cô Bơ, Cô Bé,...

Vào mỗi buổi chiều sau khi dọn dẹp xong nhà cửa, nhiều tốp trẻ ở làng trong đó có Loan, Linh và Trang là ba bạn thân học chung lớp 6B trường THCS Bảo Hưng mới được nghỉ hè cũng rủ nhau ra xem các ông các bà tập luyện, làm đẹp thêm những năm tháng tuổi thơ của các em.

Không chỉ với các cháu thiếu niên nhi đồng, mà đối với đông đảo các tầng lớp nhân dân trong vùng như cụ Quýt, bà Lâm,... từ ngày được đồng thầy đứng ra chăm nom, xây cất lại - Đền Trúc đã là chốn tâm linh để bà con trong vùng tụ họp, gắn kết, và lưu giữ những cảm xúc tốt đẹp về quê hương, về tình làng nghĩa xóm.

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh