Đối tượng sa vào tệ nạn ma túy đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa, đặc biệt trong lứa tuổi thanh, thiếu niên. Ngoài sự tò mò, hiếu kỳ, lối sống ăn chơi, buông thả, một bộ phận thanh, thiếu niên còn thiếu nhận thức về tác hại của các loại ma túy tổng hợp.
Cuộc chiến chống ma túy còn nhiều cam go, trong khi các đối tượng ngày càng hoạt động tinh vi, thủ đoạn, lực lượng công an mỏng, thanh thiếu niên thiếu tính kiên định, dễ sa ngã. Bởi thế vấn đề cốt lõi chính là sự quan tâm, phối hợp giữa gia đình và xã hội trong việc ngăn ngừa con em mình sử dụng ma túy.
Vậy chúng ta cần phải tìm hiểu nguyên nhân để từ đó có cách phòng chống và chung tay giúp giới trẻ không rơi vào tệ nạn ma túy. Cụ thể, nguyên nhân khiến giới trẻ sa vào tệ nạn ma túy có thể nguyên nhân từ phía gia đình, hoàn cảnh xã hội và chủ thể đối tượng.
Thứ nhất, nguyên nhân từ gia đình, không khí gia đình rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến quá trình tiếp cận và trở thành đối tượng nghiện của thanh thiếu niên. Những đứa trẻ mà cha mẹ có mối qua hệ phúc tạp như: ly thân, ly hôn... có xu hướng nghiện cao hơn.
Những gia đình điều kiện kinh tế khá giả mà nuông chiều thái quá để cho con em mình có điều kiện giao du, chơi bời quá trớn cũng rất dễ bị mắc nghiện. Sự buông lỏng quản lý, ít quan tâm đến con cái hay nuông chiều thái quá và không khí gia đình không bình thường 1à một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đứa trẻ tiếp cận với ma tuý và trở thành kẻ nghiện ma tuý.
Trong gia đình bố mẹ không quan tâm đến con cái hoặc nuông chiều thái quá dẫn đến sự quản lý con cái bị buông lỏng thì với sự nhạy cảm của thanh thiếu niên những tật xấu rất dễ xâm nhập. Đầu tiên là mải chơi, đua đòi, lười học, học kém, bỏ học dẫn đến bị lôi kéo nghiện ma tuý.
Thứ hai, nguyên nhân từ phía xã hội tác Đa số đối tượng thanh thiếu niên nghiện đều thất học, hoặc có trình độ học vấn thấp, phần lớn trong số họ mới có trình độ tiểu học, số ít đang học dở trung học cơ sở, hoặc đang học đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.
Với lớp trẻ đang học phổ thông cơ sở rất dễ bị lôi kéo vào con đường nghiện ma tuý. Lý do là các em không có "sân chơi" lành mạnh, nếu muốn giải trí các em phải tìm đến các địa điểm tự do mà ở đó vì lợi nhuận, hay đã có sẵn những kẻ xấu và một số kẻ không từ một thủ đoạn nào để lôi kéo các em sa ngã đi vào con đường nghiện ma tuý...
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục về tác hại hậu quả của ma túy nhằm tạo phong trào quần chúng rộng khắp trong phòng ngừa, lên án, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy chưa thường xuyên và đủ mạnh, chưa sâu, chưa đến được nhiều với từng gia đình, từng cộng đồng thôn xóm, làng, xã khu phố và đến tới từng công dân. Tuyên truyền nặng về hình thức mà chưa gắn với hoạt động thực tế. Do vậy, vẫn còn không ít người chưa nhận thức và hiểu biết được tác hại của ma túy.
Thứ ba, trong môi trường học đường dễ bị bạn bè rủ rê, lôi kéo. Các em tiếp xúc với nhóm bạn xấu, sẽ học từ bạn bè những hành vi không tốt, như thói vô trách nhiệm, đòi hỏi quá đáng và không chịu nghe lời. Kết quả điều tra cho thấy 100% số người nghiện có nhóm bạn cũng là người nghiện, hoặc có tiền án, tiền sự khác. Ông bà ta có câu nói, “gần mực thì đen gần đèn thì sáng” vì vậy, các em phải biết chọn bạn để chơi để cùng nhau học tập và phát triển.
Thứ tư, nguyên nhân từ chính chủ thể đối tượng nghiện. Do có lối sống đua đòi, một số thanh thiếu niên đã sử dụng ma túy để thể hiện sự ăn chơi, ngầu với bạn bè. Đồng thời, với suy nghĩ non nớt, nhận thức chưa đầy đủ hoặc sai lệch về tác hại của ma túy mà các em dễ sa chân vào sử dụng ma túy và nghiện ngập.
Ngoài ra, nhiều bộ phận giới trẻ sử dụng ma túy để giải sầu, muốn có cảm giác dễ chịu, muốn quên đi những rắc rối của mình và thư giãn. Chúng muốn vui vẻ, thỏa mãn trí tò mò, thích mạo hiểm, làm dịu bớt nỗi đau, cảm thấy mình là người lớn, tỏ ra độc lập, muốn thuộc về một nhóm nào đó, hay trông "hay hay" thì tham gia thử... Khi đã thử một vài lần sẽ mắc nghiện.
Ma túy không chỉ hủy hoại sức khỏe mà còn hủy hoại tương lai, hạnh phúc của người sử dụng. Chất gây nghiện nguy hiểm này không chỉ tấn công vào thanh niên mà nay đã và đang len lỏi, xâm nhập trường học, nhắm tới thiếu niên. Vì vậy, việc hiểu rõ nguyên nhân là tiền đề để có những hướng phòng chống và đẩy lùi ma túy trong môi trường học đường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những hành động cụ thể để giáo dục, hỗ trợ các em học sinh khi ngồi trên ghế nhà trường có được những kiến thức, kỹ năng bảo vệ chính mình và người xung quanh trước “cuồng quay” của ma túy.
PV