TNV - Ra đời cách đây 80 năm, Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 được ví như tuyên ngôn đầu tiên của Đảng về văn hóa và có ý nghĩa khai sáng, mở đường cho văn hóa Việt Nam phát triển. Đề cương đã đề cập tương đối toàn diện những vấn đề cơ bản về sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển văn hóa, trong đó xác định nguyên tắc Đảng lãnh đạo văn hóa là yếu tố quan trọng bậc nhất trong những thành công của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử 80 năm qua.
Trong Đề cương về văn hóa Việt Nam, khi xác định lực lượng lãnh đạo văn hóa, Đảng ta chỉ rõ: “Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”. Về tiến trình, “Cách mạng văn hóa có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công (cách mạng văn hóa phải đi sau cách mạng chính trị)”. Về tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam, “Văn hóa mới Việt Nam do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo chủ trương chưa phải là văn hóa xã hội chủ nghĩa hay văn hóa Xôviết (như văn hóa Liên Xô chẳng hạn”. Về phương pháp, “Phối hợp mật thiết phương pháp bí mật và công khai thống nhất mọi hoạt động văn hóa tiến bộ dưới quyền lãnh đạo của đảng vô sản Mác-xít”.
Từ những tư tưởng khởi thảo căn bản trong nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, trong suốt hơn 80 năm qua, tư tưởng chiến lược về xác định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa đã được quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả. Bước vào sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm đặc biệt và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa. Trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (tháng 7 - 1998) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Đảng xác định một trong năm quan điểm chỉ đạo cơ bản là: “Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo”. Sau 15 năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (tháng 7 - 2014) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Đảng ta tiếp tục khẳng định quan điểm này và nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa”. Mới đây nhất, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, một lần nữa Đảng ta nhấn mạnh quan điểm này và bổ sung thêm: “Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa”.
Văn hóa là một trong những lĩnh vực vô cùng quan trọng, nó tác động rất lớn đến các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước trong thời kỳ đổi mới đòi hỏi phải phát triển đồng bộ cả bốn lĩnh vực này và mỗi lĩnh vực đều có quan hệ hữu cơ với các lĩnh vực khác, tạo nên sự hợp lực bền vững của phát triển. Do vậy, sự nghiệp vĩ đại tạo nên sự gắn kết giữa các lĩnh vực, hướng tới xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thì vấn đề có tính nguyên tắc là phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa.
Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo nguyên tắc Đảng lãnh đạo văn hóa. Về nội dung , Đảng đã lãnh đạo lĩnh vực văn hóa một cách toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Về phương thức , Đảng lãnh đạo văn hóa thông qua các văn kiện, chủ trương, chính sách để chỉ đạo, quản lý văn hóa trong các lĩnh vực. Cùng với đó, Đảng lãnh đạo văn hóa thông qua việc lãnh đạo Nhà nước xây dựng và thực hiện các thể chế, thiết chế về văn hóa. Vấn đề có tính then chốt là Đảng lãnh đạo văn hóa thông qua công tác cán bộ tại các cơ quan trong ngành văn hóa, đặc biệt là việc đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ của Đảng trong các lĩnh vực văn hóa, rèn luyện cán bộ trong việc chấp hành đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa.Đồng thời, Đảng lãnh đạo thông qua hệ thống các tổ chức Đảng và sự gương mẫu của đội ngũ đảng viên, qua các tổ chức của Đảng trong các tổ chức chuyên môn, các cơ quan đoàn thể chính trị xã hội tác động vào đội ngũ văn nghệ sĩ, tác động vào đời sống văn hóa. Phải “coi trọng xây dựng văn hoá từ trong Đảng,... mà nội dung quan trọng là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đảng lãnh đạo văn hóa còn thông qua công tác kiểm tra, giám sát hoạt động văn hóa, thông qua đó nắm bắt tình hình, đánh giá chính xác mức độđi vào đời sống của các đường lối, quan điểm và đặc biệt là có thể chỉ đạo kịp thời, sắc bén và giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện xây dựng văn hóa.
Để phát huy và quán triệt tốt nguyên tắc Đảng lãnh đạo đối với văn hóa, cần quan tâm đến những vấn đề mới đang đặt ra trong lĩnh vực văn hóa, xác định những việc phải làm nhằm mục tiêu phát triển văn hóa trong thời kỳ đổi mới. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng vừa bảo đảm về văn hoá phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở mục đích đúng đắn. Kiên quyết khắc phục hai chiều hướng là buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng hoặc mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo văn hóa.
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện Đảng quan trọng đối với sự phát triển văn hóa của đất nước. Đây là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn, phức tạp, vì vậy, cần phải đặc biệt coi trọng nguyên tắc Đảng lãnh đạo đối với văn hóa. Trong sự nghiệp đổi mới, vấn đề giữ vững nguyên tắc và sáng tạo của Đảng lãnh đạo đối với văn hóa cần được tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần thiết thực vào những thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn.
Đại tá, TS. Nguyễn Văn Thủy, Thiếu tá Hơ Thò