Nhận định trên được đưa ra trong một báo cáo thường niên vừa được công ty dịch vụ tài chính State Street có trụ sở tại Mỹ công bố vào ngày 29/04, sau khi khảo sát 120 nhà đầu tư tổ chức có trụ sở tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC).
Theo đó, 58% nhà đầu tư dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong khu vực, trong khi 65% cho rằng chi phí vay tăng cao có liên quan đến lạm phát cao có thể đặt ra “thách thức chính” đối với việc thu hồi vốn đầu tư vào thị trường tư nhân có sử dụng đòn bẩy.
Tuy nhiên bất chấp những trở ngại vĩ mô này, các tổ chức tài chính trong khu vực vẫn lạc quan về thị trường tư nhân và cho biết họ đang lên kế hoạch tăng phân bổ vốn trong ngắn hạn và trung hạn, trong đó nợ tư nhân sẽ là loại tài sản hấp dẫn nhất.
Eric Chng, người đứng đầu toàn cầu về lĩnh vực thương mại phòng hộ tại State Street, cho biết: “Nợ tư nhân là [loại tài sản] hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư APAC, với 78% dự định tăng phân bổ vốn trong ngắn hạn”.
Cuộc khảo sát cho thấy chỉ có dưới một nửa số nhà đầu tư tổ chức tại APAC đang phân bổ hơn 30% danh mục đầu tư vào thị trường tư nhân. Khoảng 60% nói rằng họ sẽ tăng mức phân bổ trong 3 năm tới.
Chng cho biết: “Tài sản tư nhân đã và sẽ trở nên quan trọng hơn trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư tổ chức. Việc luân chuyển vốn lớn từ tài sản công sang tài sản tư nhân trong danh mục đầu tư dự kiến sẽ tiếp tục trong những năm tới”.
Bất chấp những thách thức và sắc thái kinh tế vĩ mô giữa các khu vực và lĩnh vực, điểm mấu chốt cho sự chuyển đổi từ đầu tư tài sản công sang tài sản tư nhân là nhờ sự hỗ trợ về mặt pháp lý.
Báo cáo từ cuộc khảo sát cho biết: “Các tổ chức có khả năng giảm phân bổ thị trường công để đầu tư vào thị trường tư nhân, được dự báo sẽ chiếm gần một nửa danh mục đầu tư trung bình vào năm 2028”.
Bất động sản, một danh mục phụ lớn khác thuộc tài sản tư nhân, cũng đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư APAC, với 64% kỳ vọng sẽ tăng lượng nắm giữ trong trung hạn. Báo cáo cho biết điều này có thể được thúc đẩy bởi kỳ vọng rằng thị trường bất động sản Trung Quốc, vốn đang phải chịu sự thu hẹp liên quan đến chính sách và các vấn đề về thanh khoản, sẽ “tăng trưởng trở lại” theo thời gian.
Cổ phiếu bất động sản của Trung Quốc, đặc biệt là của các nhà phát triển đang đối mặt với vấn đề thanh khoản, đã tăng trung bình 20% trong ngày 29/04 nhờ các động thái của chính quyền thành phố nhằm nới lỏng hơn nữa các hạn chế mua nhà, cùng suy đoán trên mạng xã hội rằng các nhà hoạch định chính sách có thể thúc đẩy việc mua các dự án đã hoàn thiện thông qua các phương tiện tài trợ vốn của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại CGS International Securities đã đặt câu hỏi về tính bền vững của xu hướng tăng này, cho rằng kích thích từ phía cầu không thể giải quyết các vấn đề của ngành một cách “toàn diện”; trong khi kế hoạch giải cứu của chính quyền địa phương sẽ buộc các ngân hàng chính sách phải bơm ít nhất 1.000 tỷ Nhân dân tệ (138 tỷ USD) đến 2.000 tỷ Nhân dân tệ “để có tác động mạnh mẽ hơn”.
Sự lạc quan đối với bất động sản ở APAC trái ngược với các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là Bắc Mỹ, nơi hầu hết các nhà đầu tư dự kiến sẽ thoái vốn khỏi loại tài sản này trong dài hạn.
Lam Vy (SCMP)