Giá tăng nhưng thanh khoản kém
Thị trường BĐS một số nơi đã xuất hiện tình trạng "lãi trên giấy", tức giá chào bán tăng cao nhưng lại khó tìm người mua. Ông N.T. T. Tín, một nhà đầu tư tại TP.HCM cho biết, căn nhà phố thương mại của ông tại một dự án trên khu vực Thạnh Mỹ Lợi theo giá thị trường hiện nay là khoảng 80 tỷ đồng. So với thời điểm mua vào năm 2018, tầm giá này đã tăng gần 50%, nghe thì thấy ham nhưng chào bán từ cuối năm 2021 đến giờ vẫn không tìm thấy khách.
“Nhiều khách xem nhà xong chê quá đắt, bán mãi mà không ra dù là đã bán thấp hơn giá thị trường. Bi đát nhất là căn nhà phố này cũng không cho thuê được. Dự án vắng khách vãng lai, cư dân không có thói quen mua sắm trong nội khu mà thích ra các cửa hàng hay TTTM bên ngoài nên buôn bán chẳng khấm khá, quanh quẩn chỉ có một vài quán café kinh doanh, thành thử khách thuê không mặn mà”, ông Tín cho hay.
Giá bán liên tục tăng cao gây ra tình trạng người mua ở thực không đủ tài chính mua nhà còn người đầu tư không ra được hàng như kỳ vọng. Ảnh minh họa
Tương tự, anh Đ.V. Tuấn nhà đầu tư có một căn nhà phố mặt tiền tại Tân An, Long An cho biết, năm 2018 anh mua căn này ở một dự án được quảng cáo là nằm gần trung tâm TP. Tân An. So với mức giá 15 triệu/m2 thời điểm mua vào, hiện tại giá nhà phố đang triển khai tại khu vực này vào khoảng 25-30 triệu/m2. Tuy nhiên anh Tuấn rao bán tầm giá 27 triệu/m2 từ cuối năm 2021 đến giờ vẫn không kiếm được khách.
“Khách quan mà nói thì dự án được bán hết cho người dân từ lâu, các hạng mục đường xá, cây xanh, công viên cảnh quan đều đã hoàn thiện nhưng khu vực này không gần trung tâm, xa khu dân cư hiện hữu, thiếu các dịch vụ giải trí, trường học, bệnh viện, siêu thị… đến giờ chỉ có vài gia đình chuyển về ở, số căn bỏ hoang nhiều hơn số dân hiện tại nên ở cũng chán mà kinh doanh cũng không xong. Dù giá đất khu này tăng cao nhưng sang nhượng theo giá thị trường thì không có người mua”, anh Tuấn cho biết.
Theo tìm hiểu của Batdongsan.com.vn, thị trường BĐS không thiếu dự án được quy hoạch phát triển lâu năm thiếu dân cư về sinh sống, nhà bỏ hoang cho cỏ mọc nhưng có giá rao bán thứ cấp lên đến cả tỷ đồng. Theo môi giới BĐS, người mua chủ yếu là dân đầu tư nên nhà thường bị bỏ hoang, không ai ở nhưng giá vẫn tăng vùn vụt theo biên độ tăng chung của thị trường. Nhiều chủ đầu tư sau khi bán xong thì chỉ triển khai một số tiện ích hạ tầng cơ bản rồi bỏ đó, nhà đầu tư không về ở nên cũng không quan tâm. Họ chỉ cần biết giá đất vẫn tăng đều đều là được nhưng để ra hàng các sản phẩm dạng này không phải là chuyện dễ dàng. Giá nhà đất chào bán cao nhưng không dễ bán đang làm khó chính các chủ đầu tư dự án dự định tung hàng trong năm nay. Thực tế, một số dự án liền kề, shophouse đã đưa ra mức giá bán tăng gần gấp đôi so với năm ngoái nhưng không dễ tìm người mua.
Áp lực lên người mua ở thực
Tình trạng "lãi trên giấy" đang gây áp lực lên các nhà đầu tư vay ngân hàng, hoặc cần tiền ngay, cũng khiến thị trường xuất hiện ngày càng nhiều thực trạng nhà xây xong bỏ phí. Trong khi những người đi mua nhà đất để ở thật đang rất khó khăn tìm được sản phẩm phù hợp với túi tiền, do giá liên tục bị đẩy tăng cao.
Chị Thúy An, chuyên viên tuyển dụng làm việc tại TP.HCM gần 10 năm cho biết, dù lương của chị hiện hơn 20 triệu/tháng nhưng vẫn không dám tính đường mua nhà. Chị từng thử về mấy khu vực giáp Bình Dương, Đồng Nai kiếm đất cất nhà nhưng đi khắp các ngõ ngách, dự án trên địa bàn mà vẫn không tìm được sản phẩm phù hợp với túi tiền.
Người mua thực mỏi mắt tìm kiếm các dự án nhà ở vừa túi tiền trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
“Những nền đất riêng lẻ, nằm trong khu dân cư có giá 3,5-5 tỷ đồng, căn hộ tầm 60m2 phù hợp cho gia đình mình thì giá toàn trên 2 tỷ đồng. Tiền tiết kiệm không đến 50% giá căn hộ, còn mua đất lại càng khó hơn, đi vay thì lo sợ không cán đáng được trong dài hạn. Giá nhà thì cứ mỗi năm mỗi tăng, đến cả những khu hoang vắng, không có mấy người ở mà giá đất cũng 30-40 triệu/m2, mua không nổi”, chị An chia sẻ.
Anh Đỗ Văn Hòa, một lao động nhập cư làm việc tại TP.HCM cho biết, với người mua để đầu tư và người dân có đất bán, việc giá đất trong xu hướng tăng là một tin mừng, nhưng với những người có nhu cầu mua đất ở thực như tôi lại là mối lo. Hạ tầng dịch vụ chưa đến đâu, nhiều khu vực chả mấy dân cư sinh sống mà đất bán vẫn cao đến mức vô lý. Anh từng tính đường an cư lâu dài ở Sài Gòn nhưng giờ phải tính chuyện tranh thủ về quê mua đất vì đến giá đất ở quê cũng đang tăng mạnh qua các năm.
Thị trường BĐS không chỉ TP.HCM mà tại nhiều địa phương cũng xuất hiện tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”, bởi đa phần các dự án khu đô thị, khu dân cư, đặc biệt là dự án đất nền, người mua chủ yếu là để đầu tư, đầu cơ kiếm lời. Đối với những khu đô thị lớn, đối tượng khách hàng mà các doanh nghiệp hướng tới cũng chủ yếu là các chuyên gia, người có thu nhập cao, chứ không phải lao động phổ thông, từ đó dễ dẫn đến lệch pha cung - cầu.
Để cải thiện tình trạng trên, HoREA từng kiến nghị Chính phủ tập trung sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về đầu tư, kinh doanh BĐS, trong đó cần đánh thuế cao đối với người sở hữu đất, nhà ở nhưng bỏ hoang không sử dụng để hạn chế tình trạng găm giữ, đầu cơ. Với các doanh nghiệp, khi triển khai dự án lên hướng đến thu hút cư dân về ở thực bằng cách chú trọng việc quy hoạch tiện ích, dịch vụ phục vụ nhu cầu ở thực.
Phương Uyên