TNV - Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, chiều ngày 20/11 tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện “Người lái đò hạnh phúc” tiếp nhận hiện vật của nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thị Mỹ Dung.
Tại buổi lễ, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tiếp nhận gần 300 tài liệu bao gồm hình ảnh, hiện vật, một số ấn phẩm tiêu biểu và đặc biệt là bộ sưu tập hơn 200 lá thư chứa đựng tình cảm vợ chồng, tình cảm gia đình và tình thầy trò vô cùng trân quý.
Lãnh đạo Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận hiện vật của Nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung (giữa).
Nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung sinh năm 1939 ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp khoa Văn trường ĐH Sư phạm Vinh, bà về giảng dạy tại trường cấp III Hải Hậu (Nam Định); Nguyễn Trãi, Đoàn Kết (Hà Nội).
Với 32 năm trong nghề giáo, bằng tài năng và sự tận tâm của bà, biết bao thế hệ học trò đã trưởng thành, có nhiều cống hiến cho đất nước, nhiều người giữ những vị trí cao trong xã hội.
Là một giáo viên dạy Văn, trái tim luôn rung động trước nhiều đề tài của cuộc sống, vì vậy bà đam mê và khao khát viết. Ngoài những lúc giảng dạy, bà Mỹ Dung lại cầm bút viết, đặc biệt những năm tháng sau khi nghỉ hưu, bà thực sự được thỏa mãn đam mê. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của bà được ra đời trong thời gian này. Vì vậy, ngoài danh xưng nhà giáo, bà còn được biết đến với vai trò nhà báo, nhà văn, nhà thơ.
Ở mỗi vị trí, trên mỗi chặng đường của cuộc đời, bà Mỹ Dung đều tìm thấy niềm hạnh phúc cho riêng mình. Bà lưu giữ, gói ghém niềm hạnh phúc vào những kỷ vật. Mỗi một kỷ vật là một câu chuyện về tình yêu nghề, tình cảm gia đình gắn bó và đặc biệt là tình đồng nghiệp, nghĩa cô trò sâu sắc. Với sự tin tưởng và tình yêu quý, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), bà đã trao tặng những kỷ vật vô giá đó cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Chia sẻ tại sự kiện, nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thị Mỹ Dung cho biết: Tôi được hưởng nhiều lộc từ nghề nhà giáo. Cái duyên cầm bút đến với tôi là từ người học trò. Cũng nhờ những người học trò, tôi có điều kiện tiếp cận với những tên tuổi tiêu biểu để viết về chân dung những nhân vật nổi tiếng, góp nhiều công sức cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Đó là nhà ngoại giao lỗi lạc Nguyễn Cơ Thạch, NSND ca trù Quách Thị Hồ... Cũng nhờ những người học trò, tôi đã có một cuộc triển lãm mang tầm cỡ quốc gia đó là Triển lãm "Theo dấu chân Đại tướng" với 110 bài thơ, được dịch sang cả tiếng Anh và hàng trăm bức ảnh tư liệu. Triển lãm này đã được tổ chức tại nhiều nơi và sẽ được đưa đến nhiều nơi hơn nữa...
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - cho biết, bên cạnh những chủ đề về lịch sử, văn hóa, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn mong muốn mỗi hiện vật khi dừng chân tại Bảo tàng sẽ kể những câu chuyện thú vị và mang tới góc nhìn đa chiều về người phụ nữ. Hướng tiếp cận đến các bộ sưu tập gắn với cuộc sống gia đình, hoạt động xã hội của người phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây.
Những lá thư vợ chồng bà Nguyễn Thị Mỹ Dung viết cho nhau.
PV