Nhà lãnh đạo tận tụy với 'bàn tay sạch'

Thứ hai, 22/02/2021 - 08:46

Trong ký ức của đồng chí, đồng đội, đồng chí Trương Vĩnh Trọng – Hai Nghĩa là tấm gương về phấn đấu rèn luyện đạo đức cách mạng, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương liêm chính, cần kiệm, sống cuộc sống của dân, bình dị, chỉ đạo xử lý những đại án bằng 'bàn tay sạch'...

Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tưới rau làm vườn khi nghỉ hưu (ảnh chụp tháng 12/2016). - Ảnh: TNO

“Anh Trương Vĩnh Trọng qua đời, đó là điều rất tiếc thương đối với anh em đồng chí, với nhân dân. Anh bị bệnh nhiều năm, con người lạc quan mới giữ được đến hôm nay ra đi” – TTXVN dẫn lời ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xúc động chia sẻ cảm nghĩ của mình khi hay tin đồng chí Trương Vĩnh Trọng từ trần vào rạng sáng 19/2, sau một thời gian lâm bệnh nặng.

Những năm 1960-1961, trong không khí sục sôi của những ngày Đồng khởi tại quê hương Bến Tre, người thanh niên Trương Vĩnh Trọng, còn được gọi với cái tên đậm chất Nam Bộ là Hai Nghĩa, khi đó mới chỉ 18 tuổi, đã hăng hái tham gia công tác vận động phong trào học sinh đấu tranh và các hoạt động kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau quãng thời gian bị địch bắt và tù đày, từ những năm 1962-1963, Hai Nghĩa thoát ly làm cách mạng và được kết nạp vào Đảng tháng 10/1964.

Người chiến sỹ cách mạng trẻ tuổi được tổ chức Đảng tin tưởng giao nắm giữ nhiều cương vị trong huyện, trong tỉnh của Bến Tre như cán bộ, ủy viên Tiểu ban Giáo dục tỉnh Bến Tre, Ủy viên Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Đảng ủy viên Khối Tuyên huấn giáo dục tỉnh...

Ông Phạm Thế Duyệt chia sẻ, dù ở cương vị công tác nào, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên cộng sản, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Nhắc đến mốc thời gian năm 2000, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt nhớ lại, thời điểm đó tỉnh Đồng Tháp gặp khó khăn trong công tác cán bộ lãnh đạo, Trung ương đã cử ông Trương Vĩnh Trọng làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Dưới sự lãnh đạo của ông, Đồng Tháp từ một tỉnh gặp khó khăn trong công tác bồi dưỡng, phát triển cán bộ kế cận đã xây dựng được nhiều lớp cán bộ mà như ông từng nói là phải “có tâm, có tầm”.

“Anh Trương Vĩnh Trọng là người hăng hái. Nhiều vấn đề, anh cũng rất thẳng thắn, chân chất, có điều gì thì nói rất đúng, rất chính xác. Đó là điều mà tôi luôn ghi nhớ và rất quý trọng tinh thần, hình ảnh của người đảng viên trưởng thành từ cơ sở; tinh thần của người lãnh đạo tham gia nhiều khóa làm công tác bảo vệ nội bộ đảng”, ông Phạm Thế Duyệt chia sẻ.

Tháng 10/2011, ông Trương Vĩnh Trọng được nghỉ hưu hưởng chế độ. Trở về an dưỡng tuổi già tại quê nhà xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, ông luôn nêu cao tính gương mẫu của một đảng viên lão thành, khoác áo nông dân hăng say lao động cải tạo vườn nhà trở thành một khu vườn cây ăn quả, dược liệu, rau xanh kiểu mẫu; qua đó góp phần tạo nên sự giàu đẹp của quê hương Bến Tre nghĩa tình.

“Tôi muốn nói rằng, tất cả thế hệ thanh niên, học sinh hãy nhìn vào con người bình dị ấy để suy nghĩ về việc phấn đấu rèn luyện đạo đức cách mạng, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương liêm chính, cần kiệm; sống cuộc sống của dân, bình dị. Đó là ấn tượng tôi có thể nói về anh Trương Vĩnh Trọng, hôm nay anh ra đi, tôi rất suy nghĩ và đánh giá rất cao về những điều đó. Chính những hình ảnh ấy là nguồn động viên chúng tôi phải phấn đấu cùng nhau tu dưỡng”, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt nói.

‘Có nghị quyết rồi phải hành động cụ thể’

Chia sẻ với báo chí, đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Ban Nội chính Trung ương bày tỏ, nhận tin bác Hai Nghĩa qua đời, cán bộ, công chức Ban Nội chính Trung ương vô cùng tiếc thương và xúc động nhớ lại lần được gặp bác Hai cách đây không lâu, vào tháng 6/2020.

“Khi ấy bác tham dự Đại hội Đảng bộ cơ quan Ban Nội chính Trung ương với trách nhiệm một đảng viên và nhận huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Chúng tôi không chỉ cảm nhận rất rõ ở bác toát lên nhân cách của một người lãnh đạo giản dị, liêm khiết, quyết liệt đầy chất Nam Bộ mà còn học được nhiều điều bổ ích trong cuộc sống và công tác”.

Mời bác ra dự đại hội nhưng mọi người không nghĩ bác ra được vì biết lúc này sức khỏe bác yếu lắm rồi. Vậy mà bác lại cố gắng ra với cơ quan cũ, với anh em, đồng chí một thời gắn bó đầy nghĩa tình. Bác tâm sự rất chân thành: "... tôi cố gắng hết mình để đi vì biết kỳ này gặp các đồng chí, kỳ sau có còn được gặp hay không...".

Một trong những câu chuyện rất "thấm" ngày hôm ấy là bác Hai đề xuất muốn ra được nghị quyết phải vào ngủ trong trại giam để hiểu hiện trạng đầy đủ. Từ đó, một trong những dấu ấn quan trọng khi nhắc đến bác Hai Nghĩa ai cũng đề cập đến là sự chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng, tham mưu Bộ Chính trị ban hành nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 "về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới".

Ngày nay cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp tuy vẫn còn khó khăn nhưng đã đỡ hơn trước đây rất nhiều, nghe những lời phát biểu, tâm sự của bác Hai, thế hệ cán bộ chúng tôi hôm nay mới thấm thía bài học muốn làm tốt công tác tham mưu phải luôn trăn trở, sâu sát thực tiễn, tìm hiểu đến tận "ngọn nguồn" vấn đề, nhất là những vấn đề "thời sự, nóng bỏng", đồng chí Nguyễn Thái Học chia sẻ.

Cùng với việc tham mưu ban hành nghị quyết, bác Hai Nghĩa cũng đặc biệt quan tâm đến việc triển khai thực hiện, nếu không thì nghị quyết dù hay đến mấy cũng chỉ là "nửa vời". Sau khi tham mưu Bộ Chính trị ban hành nghị quyết, bác Hai đã "thức hằng đêm trời để soạn giáo án" và trực tiếp truyền đạt, triển khai thực hiện.

Bác Hai nói rằng việc "đóng góp, sửa văn bản này kia hay lên là cần thiết", nhưng "sửa văn bản không là chưa được, mà phải có những hành động cụ thể, phải xắn tay áo vô, không phải đứng ở ngoài".

Làm tốt những điều như bác Hai trăn trở chắc chắn sẽ giải quyết được vấn đề mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiện nay đã nhiều lần nhấn mạnh: thể chế, chính sách, pháp luật không thiếu, vấn đề còn lại là phải quyết liệt hành động.

Theo bác Hai Nghĩa, "ai cũng ghét tham nhũng" nên phải biết dựa vào điểm này để huy động lực lượng, sự tham gia của cán bộ, đảng viên, nhân dân, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phòng chống tham nhũng. Cùng với đó phải tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội lành mạnh để "tham nhũng bớt đi".

Đặc biệt là phải coi trọng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý và các lĩnh vực của đời sống xã hội để phòng ngừa, giảm tiêu cực, tham nhũng.

Người chỉ đạo xử lý những đại án bằng 'bàn tay sạch'

Theo đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nhân dân sinh ra, vì nhân dân mà chiến đấu, đồng chí Trương Vĩnh Trọng - Hai Nghĩa từng bước trưởng thành, từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, trước khi được "rút" ra Trung ương làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương (từ năm 2001), rồi vào Bộ Chính trị, làm Phó Thủ tướng từ năm 2006.

Ông về đảm nhiệm chức vụ cao nhất của Đảng bộ Đồng Tháp ngay bắt đầu mùa lũ lịch sử năm 2000. Ông Hai thực sự đã chèo lái con thuyền Đồng Tháp trước sóng to, lũ lớn ngoài thiên nhiên và từ trong nội bộ. “Tuy không được gần gũi nhiều nhưng tôi vẫn cảm nhận được một nhân cách lớn từ một người lãnh đạo luôn gần gũi, bình dị, vừa nghiêm khắc bên ngoài nhưng bên trong vẫn đầy tình yêu thương những người xung quanh mà không phân biệt tuổi tác, chức vụ. Ông niềm nở, chân tình từ những cán bộ lãnh đạo về hưu cho đến những người phục vụ hằng ngày”, đồng chí Lê Minh Hoan chia sẻ với trang tin điện tử Ban Nội chính Trung ương.

Ông thường nhắc nhở cán bộ, phải làm cho "đâu vào đấy" chứ không phải làm rồi "đâu vẫn đấy". Ông còn căn dặn, đừng phát biểu kiểu đao to búa lớn mà hãy bắt đầu làm cho tốt từng việc nhỏ. Những lời chỉ bảo gần gũi, đời thường, nhẹ nhàng đúng phong cách một người Nam Bộ, người của quê hương Đồng Khởi, đã theo lớp cán bộ kế thừa suốt hành trình tạo dựng hình ảnh Đất Sen hồng Đồng Tháp. Và chính ông là người đã đắp nền, vun bồi cho mảnh đất và con người Đất Sen hồng hôm nay!

"Tôi nhớ tới anh trước hết là nhớ tới một thủ trưởng gần gũi, nghĩa tình, một người lãnh đạo với tính cách Nam Bộ thứ thiệt; nhớ những tháng ngày làm việc say sưa, vô tư vì cái chung, vì sự nghiệp đổi mới và hội nhập của đất nước trong một thời điểm đặc biệt" - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Trần Đại Hưng, xúc động tâm sự.

"Điểm nổi bật của anh Hai Nghĩa là một con người biết lắng nghe. Khi đương chức, anh luôn lưu ý chúng tôi rằng không được bỏ sót một ý kiến nào của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của nhân dân đối với công việc của đơn vị mình, của ngành mình" - ông Hưng nhớ lại.

Theo ông Nguyễn Thế Bình, nguyên Vụ trưởng, Ban Nội chính Trung ương, những người quan tâm đến sự nghiệp cải cách tư pháp đều biết đến nghị quyết số 08 năm 2002 "Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới" và nghị quyết số 49 năm 2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị. Cả hai nghị quyết quan trọng này đều có vai trò tham mưu của Ban Nội chính Trung ương do đồng chí Trương Vĩnh Trọng đứng đầu.

Với các vụ án lớn cũng vậy, nhắc tới nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng là nhắc tới người trực tiếp theo dõi, chỉ đạo giải quyết những đại án "nổi đình nổi đám" thời đó như vụ án Năm Cam, vụ Minh Phụng - EPCO, vụ Tân Trường Sanh, vụ Vũ Xuân Trường, vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ PMU18, vụ tham ô tại Công ty Cho thuê tài chính II (hay còn gọi là vụ Vũ Quốc Hảo)...

"Đó là những vụ lớn và rất phức tạp. Tôi nhớ như vụ Công ty Cho thuê tài chính II, lúc ấy có ý kiến nói rằng thôi trước Đại hội Đảng tạm gác lại vì sợ ảnh hưởng đến chính trị, đến dư luận, anh Hai Nghĩa nói rằng càng gần đại hội lại càng phải xử lý công bằng, kiên quyết, làm trong sạch bộ máy" - ông Bình hồi tưởng.

Các cộng sự của ông Hai Nghĩa đều chung nhận xét rằng sở dĩ ông được tôn trọng, nể phục, bởi trước hết ông là người có "bàn tay sạch". Ông là tấm gương về sự liêm khiết, trong sáng, hết lòng vì công việc.

BT (tổng hợp)/Chinhphu