Mẹ tôi ra đi đã gần hai tháng rồi. Thực tình, mẹ tôi chẳng có bệnh tật gì cả. Huyết áp cụ đo lúc nào cũng 120/80, còn ổn định hơn cả các con, các cháu. Có lẽ cụ khoẻ vì ít ăn thịt. Mâm cơm toàn màu xanh của rau quả vườn nhà. Những năm bao cấp, nhà tôi quanh năm đói. Sau này khá hơn, con cháu có của ăn của để, nhiều đứa đề huề, giàu có, về thăm, biếu cụ tiền, ít, dăm ba trăm thì cụ nhận, nhưng chẳng tiêu một đồng nào, cứ tích cóp lại, cho các cháu ở làng vay, rồi chuyển thành vàng, cho hết cháu chắt nội ngoại.
Mẹ nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Có lẽ cụ khoẻ, sống thọ, nhờ ăn uống khem khổ, lại ăn cũng chỉ vừa đủ, không có bữa nào cụ ăn đến no bụng. Cụ bảo: “Tao đói quen rồi. Ăn no khổ lắm. Bụng ấm ách khó chịu, đêm lại không ngủ được. Vật vã như giời đày”. Cụ vẫn sống như thời chị Dậu, anh Pha. Ai bất chợt ghé thăm gia đình tôi ở quê, chứng kiến mẹ tôi sống, sẽ kết tội tôi với ông anh cả tôi, nhà thơ Trần Nhuận Minh tệ bạc với mẹ. Các con đứa nào cũng nhà cao cửa rộng ở thành phố mà đoạ đầy mẹ như vậy. Trông bộ ấm chén uống nước hàng ngày cũng đã kinh. Sứt vòi, mẻ miệng, mỗi cái một kích cỡ. Cóc cáy, nhếch nhác. Bác Minh đã thay cho bà bộ ấm chén Nhật, bát đĩa gốm sứ Minh Long, cả cái mâm nhôm sáng loáng. Mâm bà dùng là mâm gỗ sứt seọ được chia từ hồi Cải cách ruộng đất. Bác Minh vứt hết ra bờ tre. Nhưng khi con cháu đi rồi, bà cất hết bát đũa, ấm chén, mâm chậu sắm mới vào tủ, rồi ra bờ tre nhặt lại những vật dụng cũ về dùng. Đối với bà, đấy không phải những vật dụng vô tri vô giác, chúng là bầu bạn thuỷ chung, gắn bó với bà từ thời đói khổ. Bây giờ khá giả rồi, thì lại “có mới nới cũ”, hất chúng ra ngoài bờ rào. Con người tệ bạc, bất nhẫn hơn cả đồ vật. Bà khóc. Rồi bà lụi cụi ra bờ tre, bờ rào đón hết chúng về.
Mẹ tôi thế đấy. Thoạt đầu, tôi tưởng mẹ tôi chỉ dạy tôi yêu thiên nhiên, cây cỏ đồ vật, con vật trong nhà. Nhưng không, bà yêu thương chúng thật. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn có một bài viết về bà. Rất nhiều người viết về bà, nhưng chị Nhàn hiểu bà nhất, viết đúng về bà nhất. Bà là người thất học. Bà chưa bao giờ được cắp sách đến trường.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa lúc nhỏ và mẹ.
Các cụ xưa có quan niệm con gái mà biết chữ thì chỉ có viết thư cho giai nên đã là con gái thì không được biết chữ. Tất cả các cụ bà ở làng tôi ở lứa tuổi bà đều không biết chữ. Nhưng bà lại thuộc làu Truyện Kiều, rồi chuyện Thạch Sanh, Hoàng Trìu, Phạm Tải Ngọc Hoa. Tống trân Cúc Hoa. Học truyền khẩu từ bà ngoại tôi cũng là một phụ nữ thất học.
Bà ngoại tôi lại học cụ tôi, là một bà đồng mù mắt bẩm sinh. Cụ mở Phủ tại nhà rồi làm thêm cả nghề xem bói. Cụ bói rất linh nên có tiếng trong vùng. Cụ cũng thuộc truyện Kiều và các chuyện Nôm khuyết danh từ nhỏ. Rồi sau này, khi có cuốn Kiều của con, bà lần theo từng câu thơ đã thuộc vẹt mà nhận ra mặt chữ. Rồi dần dần bà biết đọc. Đọc rộng ra các cuốn sách khác như thơ Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, thơ của hai cậu con trai.
Tôi tiết lộ với chị Nhàn: Chính cụ Nguyễn Du dạy mẹ em biết chữ đấy. Nhưng bà chỉ biết chữ in thôi. Nếu em muốn thư cho mẹ thì phải viết chữ in. Viết chữ thường, bà không đọc được.
Thực tình, bà rất sợ, không muốn các con đi theo nghiệp chữ nghĩa, đã nghèo khổ lại còn hay chửi nhau và lại chửi trên báo chí, trên không gian mạng khiếp lắm.
Hôm nhà thơ Xuân Diệu về, ông về vào nửa đêm, lại mượn cây đèn, ra soi từng cây trầu, cây bưởi, cây na. “Thấy bác ấy kiểm tra, u sợ quá, suốt đêm không ngủ được. Thế có làm sao không hả con? Thôi có thế nào thì cứ nói như thế, đừng đặt điều thêm ra mà phải tội. Mà thôi, đừng có thơ phú gì nữa. U đã bảo rồi. Cứ đi cày như bố mày lại yên”. Bà không muốn con dính đến thơ phú, nhưng chính bà lại dẫn các con đến với thơ ca. Trong 4 con của bà thì có 3 người làm thơ: Bác Minh, tôi và Giang, con gái út của bà sinh năm 1962. Thực ra, lúc đầu, bà chỉ muốn các dạy con làm người tử tế. Bà dạy các con thuộc Truyện Kiều cũng chỉ muốn các con biết thương cô Kiều.
Khi bà ngoại mất, bà bảo tôi: “Bà chết rồi. Con có thấy cây cối nó buồn không. Con phải ra đeo tang cho cây đi. Không nó chết đấy”. Rồi bà xé nhỏ cái khăn tang ra thành hàng trăm mảnh để tôi - cậu bé 6 tuổi ra buộc từng miếng vải trắng lên những rảnh cây. Ngày bà ngoại mất, khu vườn nhà tôi trắng xóa màu tang. Rồi ngày Tết, bà lại bảo: “Ngày Tết, mình có áo mới thì cây cối nó cũng phải có áo mới chứ. Không có, nó buồn đấy”. Bà pha một thùng nước vôi loãng, buộc túm cái chổi lại rồi sai con ra vườn quét lên từng gốc cây. Hôm sau, nước vôi khô, cả khu vườn sáng rực một màu trắng đồng phục. Rồi có tối, bà ngoại (hồi bà chưa mất) sang chơi, bu lại bảo con ra vườn hái trầu cho bà. Bà bảo, con phải vặn to ngọn đèn lên, để cây trầu nó nhận ra chủ chứ không phải thằng ăn trộm, rồi con phải đọc mấy câu này đánh thức nó dậy đã rồi mới được hái: “Trẩu trẩu trầu trầu - Mày làm chúa tao - Tao làm chúa mày - Tao không hái ngày - Thì tao hái đêm - Thức dậy cho tao hái”. Bà không ngờ con trai bà lại có một bài thơ về đánh thức trầu, với những câu chữ khác “Đã ngủ rồi hả trầu - Tao đã đi ngủ đâu - Mà trầu mày đã ngủ - Bà tao vừa đến đó - Muốn xin mấy lá trầu - Tao không phải ai đâu - Đánh thức mày để hái - Trầu ơi hãy tỉnh lại - Mở mắt xanh ra nào - Lá nào muốn cho tao - Thì mày chìa ra nhé - Tay tao hái rất nhẹ - Không làm mày đau đâu - Đã dậy chưa hả trầu - Tao hái vài lá nhé - Cho bà và cho mẹ - Đừng lụi đi trầu ơi!”.
Bây giờ thì đến lượt cây cối trong vườn nhà để tang bà...
Trong mắt con của bà, con gà, con chó, hay cây cối trong vườn cũng đều có tâm trạng, tình cảm như những con người. Bà và cả con cái không hề biết đó là phép nhân hóa trong nghệ thuật. Bà có biết gì về nghệ thuật đâu. Bà chỉ muốn dạy con làm một người tử tế. Mãi sau này, tôi mới hiểu được mẹ khi anh Minh có đứa con đầu lòng, bà dặn: Các con phải dạy trẻ con nó biết yêu thương cây cối và những con vật nuôi trong nhà. Một đứa trẻ bẻ một cây non mới trồng, dùng nỏ cao su bắn chết con chim đang bay hay vụt què chân con gà, con chó thì rồi sau này lớn lên, nó cũng sẽ làm điều ác độc với con người”. Bà còn bảo: “Chúng mày phải đặc biệt chú ý đến đứa con đầu. Đứa đầu mà giỏi, tử tế thì những đứa sau cũng sẽ tử tế. Đứa đầu mà hư hỏng thì rồi sẽ hư hỏng hết”. Tôi không biết mẹ tôi đã “đầu tư” cho đứa con cả của bà như thế nào. Nhưng bác Minh quả là tấm gương sáng. Một nghị lực phi thường. Nhà tôi ở hoàn cảnh đặc biệt nên rất khổ cực, tưởng không thể ngóc đầu lên được. May mà bác Minh có một nghị lực vượt khó phi thường. Bác thực sự là một tấm gương để các em noi theo, có động lực vượt qua những nỗi cay đắng tưởng như không bao giờ có thể vượt qua được. Tôi sẽ nói kỹ hơn chuyện ấy trong cuốn hồi ký mà tôi đang viết cho con.
Mẹ tôi chuyển bệnh từ ngày 23 Tết. Bà bảo “Vài hôm nữa, u sẽ đi đấy!”. Rồi bà chia hết tiền bà có cho các cháu. Xoá hết nợ cho những ai đã mượn bà. Có người nợ đến cả trăm triệu: “Họ chẳng có tiền trả đâu. Tiền mua rau ăn hàng ngày còn chả có. Đừng nhắc đến tiền nợ mà khổ cho họ”. Tôi xuế xoá: “U không chết được đâu. U phải sống 10 năm nữa”. “Không! Tao chỉ cố gắng để anh em chúng mày không mất Tết thôi. Đi ngày nào, u sẽ chọn…”.
Rồi ngay sau đó, mẹ tôi chuyển vào nằm trong gian xép, cái gian vừa hẹp vừa tối, vẫn dùng để chứa đồ cũ, nơi bố tôi trút hơi thở cuối cùng cách đó 8 năm, khi ông ở tuổi 93. Mẹ tôi còn dặn, khi u mất, các con đốt cái giường u nằm đi, giữ lại cái giường cũ cho u. Cái giường ấy nó “sống” với tao gần 70 năm rồi đấy. Rồi mẹ tôi còn dặn: "Khi u chết thì cứ lặng lẽ đưa u đi thôi. Cũng đừng có hoa hoét gì nhé. Nhiều hoa, dân làng người ta ghét cho đấy. Còn mọi người, ai biết thì đến, nếu có ai phúng thì các con ghi lại, chép ra làm mấy bản, mỗi đứa giữ một bản, rồi khi họ ốm đau, hiếu hỉ, mình đến trả nghĩa, nhớ phải cao hơn hoặc chí ít cũng bằng họ chứ không được thấp hơn tấm lòng họ đối với mình. Ấy là những ai biết, họ đến, còn các con đừng báo cho ai cả, đừng làm khó cho người ta. Nghe nói bây giờ đang có dịch hạch đấy".
Mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng vào 8h 43 phút ngày 13 tháng Giêng, thọ 102 tuổi đúng vào ngày giỗ họ, ngày hàng năm con cháu đều có mặt ở quê. Khi đó vẫn chưa bùng phát dịch Covid-19 mà mẹ tôi gọi là dịch hạch. Lúc đó chỉ có làng Sơn Lôi ở Vĩnh Phúc bị cách ly. Quê tôi đến giờ may mắn vẫn chưa có ca nào nhiễm. Một ngày sau 49 ngày giỗ mẹ tôi, chúng tôi đưa mẹ lên cúng ở chùa làng thì có lệnh “Cách ly xã hội”. Vợ tôi bảo: “Bà tính thế nào mà khéo thế! Chỉ chậm một ngày thì con cháu không về được ngày giỗ của bà”…/.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa/VOV