Nhạc kịch "Bầy chim thiên nga" gây ấn tượng với câu chuyện nhân văn về tình cảm gia đình

Thứ năm, 13/05/2021 - 08:58

Với phong cách nhạc kịch, kết hợp giữa thần thoại và hiện thực, vở “Bầy chim thiên nga” mang đến những góc nhìn mới mẻ trong nghệ thuật, đồng thời cũng trao cho các em những bài học cuộc sống ý nghĩa.

Dựa trên câu chuyện cổ tích cùng tên của nhà văn Andersen, Nhà hát Tuổi Trẻ đã dàn dịch vở nhạc kịch dành cho thiếu nhi “Bầy chim thiên nga”. Trước đó, chuyện cổ tích đã được chuyển thể ở nhiều lĩnh vực như vũ kịch ba lê, truyền hình, điện ảnh… nhưng với sự sáng tạo trong một vở nhạc kịch kết hợp được nhiều yếu tố, “Bầy chim thiên nga” của Nhà hát Tuổi Trẻ mang đến một góc nhìn mới mẻ. Đặc biệt hơn là mang đến cho các em thiếu nhi những bài học cuộc sống ý nghĩa.

Câu chuyện đầy tính nhân văn về tình cảm gia đình

“Bầy chim thiên nga” kể về nàng công chúa Li-dơ xinh đẹp nhưng tội nghiệp. Nàng đã phải chịu bao đớn đau về thể xác, bao đau khổ tinh thần để hóa giải lời nguyền của mụ phù thủy độc ác, giải thoát cho các hoàng tử - anh của nàng.

Câu truyện về “Bầy chim thiên nga” là bài học về tình yêu thương, lòng nhân ái, đề cao tình cảm anh em trong gia đình. Sức mạnh của tình yêu thương có thể chiến thắng điều ác, lan tỏa điều thiện tâm, làm cho cuộc sống của mỗi chúng ta thêm tươi đẹp và có ý nghĩa. Biết trân trọng giá trị của cuộc sống, chúng ta sẽ biết cách đối diện với những khó khăn, biến những thử thách thành sức mạnh để vượt qua thử thách, chông gai.

Dựa theo cốt truyện cổ, ekip đã làm mới “Bầy chim Thiên nga” bằng cách xây dựng thành một tác phẩm nghệ thuật mang phong cách nhạc kịch, kết hợp giữa thần thoại và hiện thực. Việc đưa nhiều yếu tố hiện đại, gần gũi vào vở kịch cũng giúp truyền tải thông điệp tốt hơn, mang lại nhiều điều thú vị hơn cho thiếu nhi với một câu truyện tưởng xưa cũ.


NSƯT - Đạo diễn Lê Ánh Tuyết cho biết: “Những truyện cổ của đại thi hào Andersen luôn là những giấc mơ cổ tích dành cho các em nhỏ. Trong đó, “Bầy chim thiên nga” là một câu chuyện cổ tích có tính nhân văn, gợi trí tưởng tượng phong phú cho khán giả và những bài học trong cuộc sống phù hợp với lứa tuổi các em nhỏ.

Trong vở có kẻ yếu, người mạnh, có người tốt lẫn kẻ xấu, đặc biệt có công chúa, hoàng tử, bà Tiên, phù thủy… là những nhân vật mà các em nhỏ rất thích. Khán giả nhí đến với Bầy chim thiên nga” không chỉ được đắm mình trong không gian cổ tích, được gặp những nhân vật mà mình yêu thích, mà còn được vui, buồn cùng nàng công chúa Li-dơ và các người anh của nàng”.

Nhà Lý luận phê bình, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến, người viết kịch bản cho vở kịch, chia sẻ: “Nội dung kịch bản dựa trên cốt truyện cổ tích, nhưng không quá lệ thuộc một cách máy móc, mà chúng tôi đã đưa vào đó những tình tiết khá thú vị mang hơi thở cuộc sống, mang thông điệp giáo dục, và rất gần gũi với các em, thông qua ngôn ngữ diễn xuất, âm nhạc và lời thoại. Từ những tình huống của câu chuyện, các em nhỏ sẽ biết phân biệt việc tốt, việc xấu, thêm yêu thương những người thân trong gia đình”.

Ekip thực hiện đã chọn hình thức sân khấu tổng hợp mang phong cách nhạc kịch để giúp các em tiệm cận gần hơn với nghệ thuật chuyên nghiệp tổng hợp các loại hình: diễn xuất, nhảy hiện đại, múa bale, hát…


Dàn dựng khéo léo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa diễn xuất và âm nhạc

Tận dụng lợi thế là một Nhà hát tổng hợp Ca - Múa - Nhạc - Kịch, cộng với tính văn học đậm đặc trong “Bầy chim thiên nga”, vở nhạc kịch là nơi để các nghệ sĩ thể hiện kỹ năng diễn xuất trong từng phân đoạn. Ngoài ra, vở kịch cũng phô diễn sự dàn dựng khéo léo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa diễn xuất và âm nhạc.

Trong 2 buổi công diễn tại Hà Nội, khán giả và đặc biệt là khán giả nhí đều bị cuốn hút bởi cách dàn dựng mang tiết tấu nhanh, nội dung không bị rườm rà, tạo hình nhân vật phong phú, nhiều màu sắc khiến người xem thấy mãn nhãn.


Đặc biệt, rất nhiều khán giả rơm rớm nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh công chúa Li-dơ trong những ngày tháng chịu đựng sự đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Dù bị những sợi tầm gai ma cuốn quanh khiến toàn thân bật máu nhưng nàng vẫn kiên trì chịu đựng cơn đau để đan áo, nhằm hóa giải lời nguyền để cứu các anh.

Ekip đã rất sâu sắc khi dùng múa hiện đại và đạo cụ là những sợi dây để thể hiện tính cách, tâm trạng của nhân vật trong phân cảnh này. Sợi dây như những mạch máu, gắn kết tình phụ tử, tình anh em trong một gia đình không thể chia cắt.

Âm nhạc cũng là một điểm nhấn không thể không nhắc đến. Ở “Bầy chim thiên nga”, ekip thực hiện quyết định chọn phong cách âm nhạc Free-style, kết hợp giữa âm nhạc cổ điển, âm nhạc đương đại mà ở đó là sự đan cài giữa thanh nhạc, khí nhạc.

Bên cạnh những bản nhạc quen thuộc như “Hồ thiên nga” là những sáng tác mới dành riêng cho các nhân vật như “Bài hát công chúa”, “Tâm sự của hoàng tử”, “Bà tiên vui tính”... Âm nhạc thể hiện rõ sắc thái tình cảm của từng nhân vật cũng như từng trường đoạn, đưa người xem vào mạch cảm xúc của các nhân vật trong vở diễn với những xúc cảm vui, buồn, hồn nhiên, trầm tư… và được đẩy lên cao trào khi công chúa bị đưa lên giàn hỏa thiêu. Cuối cùng cái thiện cũng thắng cái ác trong hoan ca bằng một lễ hội hoàng cung hoành tráng.

Dù tưởng như, nội dung vở kịch sẽ khá nặng nề với nhiều thông điệp nhân văn, nhưng thực tế ekip đã rất khéo léo lồng ghép nhiều tình tiết vui nhộn, hài hước để mang lại tiếng cười cho khán giả.

Điều khá đáng tiếc là, sau hai buổi công diễn với rất đông khán giả, Nhà hát Tuổi Trẻ đang phải tạm dừng biểu diễn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát, vở nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” chắc chắn sẽ mang khán giả, đặc biệt là khán giả nhí đến với sân khấu./.

Thanh Thanh/VOV