Nhạc sĩ Văn Ký qua đời sáng 26/10, hưởng thọ 92 tuổi. Là tên tuổi lớn của nền âm nhạc cách mạng, đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đến thời bình, nhạc sĩ vẫn sáng tác không ngừng nghỉ. "Tôi vẫn yêu cuộc sống, vẫn muốn mọi người hát lên những âm điệu tươi trẻ", ông nói trong chương trình truyền hình Cuộc sống vẫn tiếp diễn, phát sóng hồi tháng 5. Lúc này, ông mới phổ nhạc bài thơ Covid phải lùi xa của tác giả Lê Chín. Bài hát có giai điệu vui tươi, nói về niềm tin dập tắt đại dịch.
Nhà thơ Lê Chín nhớ lại hồi tháng 4, khi nghe mọi người tâm sự về những khó khăn của giãn cách xã hội, bà sáng tác Covid phải lùi xa. Viết xong, bà gọi điện cho nhạc sĩ Văn Ký để khoe. Ông háo hức nói: "Anh sẽ phổ nhạc bài này! Chúng ta cần chung tay góp sức với cả nước!". Nhạc sĩ mắc nhiều bệnh tuổi già từ cuối năm ngoái, sợ ông làm việc mệt, nhà thơ Lê Chín nói: "Em đọc để anh nghe cho vui thôi. Thời gian này anh cần phải tập trung giữ sức khỏe". Tuy nhiên, ông quyết tâm sáng tác. Nhà thơ đọc từng câu cho ông chép qua điện thoại, đến 11h tối mới xong. Sáng hôm sau, ông khoe đã phổ xong nhạc và gửi cho NSƯT Minh Quang hát.
Hơn một tháng trước, ông nhập viện. Khi Lê Chín vào thăm, bóp chân tay cho ông, ông nói đủ thứ chuyện rồi cùng bà bình thơ. Ông còn muốn phổ nhạc bài Phố thu của bà, nhưng bà ngăn cản, dặn ông nghỉ ngơi. Lúc đó, ông đăm chiêu nói hay thấy mệt hơn nhưng rồi lại tếu táo: "Anh còn phải sống hơn 20 năm nữa".
Nhà thơ cho biết: "Anh còn hai tác phẩm phổ thơ tôi, đang gửi dự thi sáng tác âm nhạc về tỉnh Quảng Ngãi, thế mà chưa nhận kết quả anh đã đi rồi". Trong ba năm quen biết nhau, nhạc sĩ Văn Ký phổ nhạc tám bài thơ của Lê Chín về các tỉnh, thành.
Nhạc sĩ Văn Ký qua đời vì ung thư. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Trong ký ức của NSƯT Minh Quang, nhạc sĩ Văn Ký "hiền như bụt", không bao giờ cáu giận ai. Ở tuổi 92, dù mắc nhiều bệnh tuổi già, ông vẫn tập yoga, luyện võ để rèn sức khỏe. Vợ đã mất nhiều năm trước, ông sống một mình trong căn hộ gần nhà con trai, tự chăm lo cuộc sống hàng ngày. Năm 2018, ông cùng nhà thơ Lê Chín, NSƯT Minh Quang đi công tác ở Đà Lạt. Khi làm thủ tục lên máy bay, nhân viên hàng không tỏ ý ái ngại nhạc sĩ cao tuổi, ông cười ha hả nói: "Tớ không có tuổi", "Tớ khỏe lắm, lúc nào cũng là thanh niên". Trong chuyến đi ấy, ông xúc động vì được gặp con gái cố ca sĩ Khánh Vân - người đầu tiên thể hiện Bài ca hy vọng của ông. Từ Đà Lạt, ông còn cùng bạn bè đi xe ôtô rong ruổi vào Sài Gòn, về miền Tây chơi.
Nhạc sĩ Phú Ân nhớ Văn Ký luôn giản dị, ân cần với đàn em. Những năm 1960, cố nhạc sĩ được cử đi nhiều nước để học nhạc. Khi trở về, ông dành nhiều thời gian chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức với đồng nghiệp.
Các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ký tràn ngập cảm hứng lãng mạn, tươi mới, chất chứa hy vọng về ngày mai tươi sáng. Tuyển tập Những ca khúc Văn Ký 1946-2015 gồm 140 ca khúc, trong số đó có gần 100 bài do tác giả viết lời. Nhà thơ Lê Chín nhận xét ca từ của ông đầy chất thơ, sâu lắng, dễ đi vào lòng người. Sinh thời, ông tâm đắc hai câu thơ trong bài Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn". Vì thế, ông luôn dành tình cảm trìu mến khi viết về các tỉnh, thành như các ca khúc: Trời Hà Nội xanh, Nha Trang mùa thu lại về, Nam Định yêu thương, Vũng Tàu bến vui, Nhớ Đồng Nai, Tôi yêu Ban Mê, Nụ cười Sài Gòn... "Nhạc của Văn Ký luôn mang bản sắc riêng, có hơi thở của đất trời nơi anh đã sống hay đã từng đi qua", nhà thơ Lê Chín nói.
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận xét sáng tác của ông không nặng tính giáo điều, tình yêu đôi lứa gắn với tình yêu quê hương đất nước một cách tự nhiên, mượt mà - thể hiện rõ trong tác phẩm để đời Bài ca hy vọng. Khi viết ca khúc, ông mới 30 tuổi, trái tim trong sáng, giàu nhiệt huyết.
Ông từng kể: "Mùa xuân năm 1958, từng ca từ của Bài ca hy vọng được bật ra trong tôi một cách tự nhiên. Tình hình đất nước khi đó nhiều khó khăn. Dù vậy, tôi cũng như nhiều người cùng thời có một niềm tin mãnh liệt, chắc chắn vào ngày mai tốt đẹp, tương lai đón chờ. Thậm chí tôi muốn bay lên cùng đàn chim đi về tương lai, nên tôi viết: Về tương lai! Ngày quê hương màu xanh áo mới, chứa chan niềm tin/ Đường ta đi xanh thắm mộng đời/Về tương lai! Đàn chim ơi! cùng ta cất cánh".
Hình ảnh "từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng" gieo niềm tin vào nhiều thế hệ trong cả thời chiến và thời bình. Mỗi lần trình diễn ca khúc, ca sĩ Tùng Dương luôn cảm thấy tinh thần hào sảng, niềm tự hào dâng lên trong lòng. Bản viết tay Bài ca hy vọng hiện được trưng bày trong Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Nhiều người từng nhầm lẫn nhạc sĩ Văn Ký với nhạc sĩ Văn Tý - tác giả ca khúc Dư âm. Nhạc sĩ Văn Ký không bao giờ cáu giận, tự ái, ông chỉ nói rằng: "Không sao, các bạn quên tôi nhưng nhớ tác phẩm của tôi là được rồi".
Hà Thu/vnexpress