Nhận định đề thi tốt nghiệp THPT 2023 môn Toán, Văn, Anh của Hệ thống giáo dục HOCMAI kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

Thứ tư, 01/03/2023 - 14:35

MÔN TOÁN

Năm 2023 là năm đầu tiên việc tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT được trở lại bình thường sau thời gian dài gián đoạn vì đại dịch Covid. Đây cũng là một năm đầy biến động với các em học sinh lớp 12 đang đứng trước ngưỡng của của một mùa tuyển sinh đại học mới bởi nhiều trường đại học bắt đầu giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và sự nở rộ của các phương thức tuyển sinh riêng.

Nhìn chung, cấu trúc đề thi tham khảo Tốt nghiệp THPT môn Toán giữ được tính ổn định, gần như không có sự thay đổi so với đề thi chính thức năm 2022. Điều này là hoàn toàn hợp lí bởi không gây ra sự xáo trộn trong việc ôn tập của thí sinh, phù hợp với mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp.Tuy nhiên, trong đề vẫn có một số câu hỏi ở dạng mới, cách cho dữ kiện đề bài mới lạ mang tính thử thách dành cho những thí sinh muốn lấy điểm tuyệt đối.

Về nội dung kiến thức: Đề thi bám sát cấu trúc và dạng thức của đề thi Tốt nghiệp THPT những năm gần đây, tuân thủ đúng cấu trúc mà Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố bao gồm 50 câu hỏi với thời gian làm bài 90 phút. Trong đó, 90% câu hỏi (45 câu) thuộc chương trình của lớp 12 và 10% số câu hỏi (5 câu) thuộc chương trình lớp 11.

Về độ khó của đề thi : Khoảng 45 câu hỏi trong đề (90%) là các dạng bài quen thuộc, học sinh đã được làm quen trong quá trình ôn tập. Trong đó, 39 câu đầu là các câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết – thông hiểu, chỉ cần nắm vững nền tảng kiến thức là có thể dễ dàng giải quyết. Trong đề có 5 câu hỏi mang tính phân loại và nằm ở phần kiến thức lớp 12 thuộc các chủ đề Số phức, hàm số, mũ – logarit, hình Oxyz và tích phân (tương tự đề thi Tốt nghiệp năm 2022). Các câu hỏi vận dụng cao hầu hết là các dạng bài quen thuộc đã từng xuất hiện trong các đề thi trước đây (như tính đơn điệu của hàm chứa dấu giá trị tuyệt đối, diện tích hình phẳng, min – max môđun số phức…). Ngoài ra, đề thi xuất hiện dạng câu hỏi mới liên quan đến min – max và quỹ tích điểm thỏa mãn điều kiện cho trước (câu 49) và mang tính phân loại cao. Để giải quyết câu hỏi này, học sinh cần kết hợp nhiều kiến thức về hình học Oxyz như góc trong không gian; cách tính khoảng cách…

Đề thi tham khảo kì thi Tốt nghiệp THPT 2023 có cấu trúc và độ khó tương đương với đề thi chính thức năm 2022. Ma trận Đề thi tham khảo kì thi TNTHPT môn Toán năm 2023 như sau:

Lớp

Chuyên đề

Nhận biết –

Thông hiểu

Vận dụng

Vận dụng cao

Tổng

Tỉ lệ %

Lớp 11

Tổ hợp - Xác suất

2

0

0

2

10%

Cấp số cộng - Cấp số nhân

1

0

0

1

Hình không gian
(khoảng cách - góc)

2

0

0

2

Lớp 12

Hàm số

8

1

1

10

90%

Mũ - Logarit

6

1

1

8

Hình không gian
(bài toán thể tích)

2

1

0

3

Khối tròn xoay

2

1

0

3

Nguyên Hàm - Tích phân

5

1

1

7

Số phức

4

1

1

6

Hình học Oxyz

7

0

1

8

Tổng

39

6

5

50

100%

MÔN NGỮ VĂN

Đề thi tham khảo môn Ngữ văn kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2022 - 023, về cơ bản vẫn giữ đúng cấu trúc và kiểu dạng câu hỏi như đề tham khảo năm 2022 và đề thi chính thức môn Ngữ văn kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2021 – 2022.

Vẫn trong thời lượng 120 phút, đề thi giữ nguyên hai phần như cấu trúc đề thi THPT Quốc gia từ năm 2017 tới nay: phần Đọc hiểu (3,0 điểm), phần Làm văn hai câu, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm. Đó là cấu trúc quen thuộc, phù hợp với tâm lí, nhận thức của học trò.

Phần Đọc hiểu gồm ngữ liệu đọc hiểu là một đoạn thơ, nằm ngoài chương trình sách giáo khoa phổ thông, sau đó là 4 câu hỏi đọc hiểu, được phân loại theo các cấp độ nhận thức đã được giảm tải. Cụ thể, từ 4 mức độ của nhận thức (nhận biết – thông hiểu – vận dụng – vận dụng cao), đề tham khảo mấy năm gần đây thường chỉ còn lại 3 mức độ, trong đó, mức độ nhận biết thường sẽ là 2 câu hỏi đầu, giảm áp lực tới mức tối đa cho thí sinh, nhưng cũng là giảm sự huy động năng lực tư duy, giảm hứng thú khi với câu hỏi nhận biết về nội dung, thí sinh hầu như chỉ cần xác định đúng và chép lại vài câu/đoạn phù hợp trong ngữ liệu đọc hiểu vào phần trả lời là đạt điểm tối đa. Câu hỏi đọc hiểu trong đề thi tham khảo môn Ngữ văn kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2022 – 2023 cũng không ngoại lệ khi câu 1 hỏi về một yếu tố thuộc hình thức văn bản (thể thơ), câu 2 hỏi một chi tiết nội dung: “Chỉ ra những từ ngữ diễn tả đời sống nghèo khó, vất vả của người mẹ” trong đoạn thơ 5 câu.

Câu hỏi 3 mới chạm vào mức độ thông hiểu khi yêu cầu “Nêu nội dung của hai dòng thơ”, tuy nhiên, câu hỏi khá chung chung trừu tượng, có thể khiến thí sinh mong lung khi trả lời. (Hoàn toàn có thể kết hợp hai mức độ thông hiểu và vận dụng nếu yêu cầu thí sinh xác định và phân tích hiệu quả biểu đạt, biểu cảm của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ, từ đó, các em vẫn tìm ra nội dung, nhưng có vấn đề cụ thể để suy ngẫm và câu trả lời có thể đem tới sự hứng thú, chất lượng hơn là cách trả lời chung chung.)

Câu 4 là câu hỏi vận dụng cao khi yêu cầu “Nhận xét về hình ảnh dân tộc Việt Nam trong đoạn trích” – tính chất khái quát phù hợp với mức độ vận dụng cao, nhưng có thể khó tránh khả năng xuất hiện những câu trả lời “như mẫu”!

Phần Làm văn, câu nghị luận xã hội vẫn không thay đổi với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận vẫn là một khía cạnh của vấn đề có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nội dung ngữ liệu của phần Đọc hiểu trước đó, và đó cũng là những kĩ năng đã quá quen thuộc với học trò trong quá trình ôn luyện của cả cấp học THPT. “Tinh thần vượt khó” cũng là vấn đề quen thuộc tới xưa cũ với học trò!

Câu nghị luận văn học chiếm quĩ điểm cao nhất, 5 điểm, cũng là dạng bài mang tính truyền thống, được thầy trò cấp THPT đầu tư rất nhiều tâm huyết, thời gian… Theo đề tham khảo năm nay, vấn đề xác định phạm vi kiến thức và kĩ năng trong câu nghị luận văn học khá rành mạch khi đặt ra yêu cầu trong hai ý của câu lệnh: Phân tích đoạn thơ tứ bình trong Việt Bắc và nhận xét về lẽ sống ân nghĩa được thể hiện trong đoạn trích. Cả hai yêu cầu trong câu lệnh đều là những nội dung kiến thức cơ bản của đoạn trích Việt Bắc, câu nghị luận văn học theo hướng này sẽ không hề làm khó thí sinh.

Nhìn chung, đề tham khảo môn Ngữ văn kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2022 – 2023 không có thay đổi đột biến nào so với mô hình đề thi mấy năm nay, đó sẽ là những định hướng đem lại sự yên tâm, cảm giác an toàn cho thầy và trò các trường phổ thông trong thời gian ôn luyện sắp tới, dù phần đông giáo viên và học sinh vẫn mong đợi nhiều hơn những sự mới mẻ, mong đề thi chính thức một mặt vừa sức, có khả năng phân hóa, mặt khác có vấn đề để suy ngẫm, có thể dung nạp những suy ngẫm, phản biện trái chiều, tạo hứng thú cho thí sinh khi làm bài. Bởi bản chất của ĐỀ là phải có VẤN ĐỀ.

MÔN TIẾNG ANH

Nhận định chung: Đề thi mang tính ổn định so với những năm gần đây gồm 50 câu hỏi với thời gian làm bài 60 phút, các đơn vị kiến thức được kiểm tra và độ khó tương tự với đề thi chính thức kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022. Các đơn vị kiến thức được hỏi chủ yếu nằm trong chương trình Tiếng Anh lớp 12, số lượng câu trong mỗi phần không thay đổi, không xuất hiện dạng câu hỏi mới, lạ, câu hỏi cực khó.

Về nội dung đề thi: Đề thi kiểm tra các kiến thức về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, chức năng giao tiếp, kỹ năng viết, kỹ năng đọc. Cụ thể:

  • Ngữ âm: nguyên âm, phụ âm, trọng âm

  • Ngữ pháp: thì động từ, câu hỏi đuôi, câu bị động, câu so sánh, giới từ, mệnh đề trạng ngữ chỉ thời gian, rút gọn mệnh đề, động từ nguyên thể

  • Chức năng giao tiếp: tình huống giao tiếp hàng ngày

  • Từ vựng: cấu tạo từ, cụm từ cố định, thành ngữ, chọn từ phù hợp với ngữ cảnh, xác định nghĩa của từ trong ngữ cảnh

  • Kỹ năng đọc: Câu hỏi tổng quát (xác định ý chính bài đọc); Câu hỏi chi tiết (xác định các thông tin cụ thể hay các chi tiết có trong bài, xác định nghĩa của từ trong văn cảnh); câu hỏi suy luận (suy luận về thông tin không nêu trực tiếp trong bài đọc, suy luận kết quả/ hành động tiếp theo hay rút ra kết luận về bài đọc... thông qua việc phân tích ngữ liệu và giọng văn của tác giả trong bài).

  • Kỹ năng viết: Các lỗi sai về thì động từ, đại từ; cách sử dụng từ tránh gây nhầm lẫn; tìm câu đồng nghĩa; kết hợp câu.

Về độ khó của đề thi: Khoảng 84% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, độ phân hóa đề thi vẫn tập trung vào các câu hỏi từ vựng và suy luận của bài đọc hiểu nhưng độ phân hóa không cao. Số lượng câu ở mức độ vận dụng cao giảm, số câu ở mức độ vận dụng tăng so với đề thi chính thức năm 2022. Các câu hỏi ngữ pháp, từ vựng, tìm lỗi sai… là các kiến thức quen thuộc,  xuất hiện nhiều trong chương trình học THPT lớp 12, tuy nhiên câu hỏi về thành ngữ vẫn là câu hỏi để lấy điểm cao (câu 14), yêu cầu học sinh cần có vốn từ phong phú.

Bài đọc hiểu với chủ đề về Technology (Công nghệ) như: Sự phổ biến của việc không sử dụng tiền mặt, Công nghệ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình . Các câu hỏi yêu cầu tư duy cao vẫn là câu hỏi về tiêu đề của đoạn văn (câu 39), câu hỏi suy luận (câu 50). Mặc dù vậy nhưng các câu hỏi này không phải là các câu hỏi yêu cầu tư duy suy luận quá khó, học sinh có thể dựa vào thông tin trong bài đọc kết hợp sử dụng các phương pháp loại trừ vẫn có thể chọn được phương án có khả năng đúng.

Cấu trúc đề thi tham khảo kì thi TNTHPT năm 2023 giữ được tính ổn định, không có sự thay đổi nhiều so với đề thi chính thức năm 2022 về độ khó và các dạng câu hỏi.Với đề thi này, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản và chăm chỉ luyện tập là có thể đạt điểm cao.

Tổ Toán - Văn - Anh