Nhận định về đề thi minh họa môn Lịch sử – Địa lý kỳ thi tuyển sinh vào 10 THPT Hà Nội năm 2025-2026

Thứ sáu, 30/08/2024 - 09:40

Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 9 học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT 2018) thi chuyển cấp. Vì vậy, việc cung cấp sớm cấu trúc định dạng và đề thi minh họa sẽ giúp học sinh giải tỏa áp lực, có định hướng và chiến lược ôn tập cụ thể ngay từ đầu năm học mới để sẵn sàng với những thay đổi của đề thi tuyển sinh lớp 10.

Về cấu trúc đề thi

Đề thi minh họa môn Lịch sử - Địa lí cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội năm học 2025-2026 có 40 lệnh hỏi ứng với 34 câu hỏi và chia làm 2 phần tương ứng với hai dạng câu hỏi: trắc nghiệm nhiều lựa chọn và trắc nghiệm đúng/sai.

Ngoài dạng câu hỏi quen thuộc là trắc nghiệm nhiều lựa chọn, việc đưa dạng câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai, hoặc những câu hỏi có sử dụng tư liệu gốc vào đề thi thể hiện điểm mới trong cách ra đề nhằm từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học theo CT GDPT 2018.

Về nội dung kiến thức và độ khó

Nội dung kiến thức trong đề thi gồm ba mạch kiến thức thể hiện rất rõ ràng:

- Phần chủ đề chung của Lịch sử và Địa lí: gồm 4 câu hỏi được sắp xếp ở phần đầu tiên. Tuy số lượng câu hỏi chỉ chiếm 10% nhưng đảm bảo đủ phạm vi kiến thức của 3 chủ đề chung, đặc biệt phản ánh vấn đề mang tính thời sự. Các câu hỏi thuộc chủ đề chung thuộc cấp độ nhận biết, thông hiểu.

- Phần Lịch sử: gồm 15 câu trong đó phần I chiếm 14 câu, phần II chiếm 1 câu với 4 lệnh hỏi. Phần Lịch sử Việt Nam là chiếm 66,7% với 9 câu hỏi (câu hỏi đúng/sai với 4 lệnh hỏi thuộc phần này). Phần lịch sử thế giới chiếm hơn 30% với 6 câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Phần lớn các câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết, thông hiểu đánh giá năng lực tìm hiểu lịch sử; nhận thức và tư duy khoa học thông qua các dạng câu hỏi tái hiện sự kiện lịch sử; liệt kê; nêu biểu hiện của sự kiện lịch sử. Với các dạng câu hỏi này, học sinh dễ dàng đạt điểm với những kiến thức đã được trang bị trang sách giáo khoa. Những câu hỏi phân hóa học sinh thuộc cấp độ vận dụng sẽ kiểm tra năng lực nhận thức, tư duy khoa học và vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học. Các dạng bài thường gặp là so sánh, nêu nguyên nhân, nhận xét… Ngoài việc có kiến thức nền, học sinh cần có kĩ năng phân tích, hệ thống và liên hệ kiến thức để trả lời được những câu hỏi thuộc phần này.

- Phần Địa lí: gồm 15 câu trong đó phần I chiếm 14 câu, phần II chiếm 1 câu với 4 lệnh hỏi. Trong đó:

+ Địa lí dân cư: 1 câu

+ Địa lí các ngành kinh tế: 6 câu

+ Sự phân hóa lãnh thổ: 5 câu

+ Thực hành kĩ năng địa lí: 3 câu (trong đó câu trắc nghiệm đúng/sai gồm 4 lệnh hỏi thuộc phần này).

Phần lí thuyết với 12 câu hỏi chủ yếu thuộc cấp độ nhận biết, thông hiểu. Học sinh dễ dàng giải quyết được những câu hỏi tìm hiểu địa lí. Các dạng bài thường gặp là hỏi về đặc trưng của đối tượng địa lí. Cấp độ vận dụng ở phần này thường gặp ở các dạng bài đánh giá, nhận xét, thực trạng, hạn chế của đối tượng địa lí.

Phần thực hành chỉ xuất hiện dạng bài làm việc với bảng số liệu, không xuất hiện dạng bài làm việc với biểu đồ và Atlat Địa lí Việt Nam. Các dạng bài vận dụng yêu cầu học sinh sử dụng các công thức tính toán trong địa lí như công thức tính tỉ trọng, tính tốc độ tăng trưởng. Ngoài ra, nhận diện biểu đồ cũng là kĩ năng không thể thiếu khi làm phần Địa lí.

Kết luận: Cấu trúc đề thi minh họa năm 2025-2026 của Sở GD&ĐT Hà Nội thể hiện đúng yêu cầu đánh giá năng lực người học theo định hướng của CT GDPT 2018. Căn cứ trên cấu trúc, nội dung và phạm vi kiến thức của đề thi, học sinh cần xây dựng cho mình chiến lược học tập và ôn luyện một cách khoa học để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh vào 10.

Tổ KHXH HOCMAI