Nhân dịp khai giảng năm học mới - Nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu

Thứ ba, 03/09/2019 - 16:07

TNV - Cùng với độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cơm áo cho dân… thì giáo dục là lĩnh vực được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, nhất là công tác giáo dục thế hệ trẻ nói chung, công tác dạy học nói riêng. Người đã dạy rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có con người xã hội chủ nghĩa”.

Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày những nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết ngay. Trong đó, vấn đề thứ hai là “nạn dốt”. Nạn mù chữ của nhân dân ta được Người coi là một thứ giặc nguy hại không kém gì giặc ngoại xâm. Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.

Con người mà Bác mong muốn đào tạo không chỉ có lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng, có lí tưởng cách mạng, phẩm chất, đạo đức mà còn phải có tri thức khoa học, kĩ năng lao động sản xuất… Có như vậy thì dân tộc ta mới có sức mạnh tinh thần và thể chất để vượt bao khó khăn, gian khổ trong chinh phục thiên nhiên, chiến thắng giặc ngoại xâm, đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc, văn minh, tiến bộ, thích ứng về với thời đại, xã hội mới. Chính vì vậy, Người đã chỉ ra rằng nền giáo dục mới và nhà trường mới phải thực hiện hoạt động dạy và học theo mục tiêu: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ; học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại; học để sửa chữa tư tưởng; học để tu dưỡng đạo đức cách mạng; học để tin tưởng và học để hành”.

Sự nhất quán trong công tác dạy học, người thầy giáo chẳng những phải cung cấp tri thức, phát triển năng lực nhận thức, mở mang trí tuệ cho người học, mà còn phải hết sức chú ý bồi dưỡng, giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức cho họ, tức là giáo dục toàn diện. Ngày 21/10/1964, khi đến thăm trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Dạy cũng như học phải chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”.

Trong Di chúc, ngay sau trước hết nói về Đảng, chủ thể thứ hai là Đoàn viên thanh niên, Người khẳng định: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Vừa “hồng” vừa “chuyên” thật ra đó chính là “Đức” và “Tài”, vì tầm quan trọng của đạo đức bao giờ cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu, đạo đức chính là sự tu dưỡng, rèn luyện trong suốt cuộc đời của mỗi con người và là gốc của người cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng đạo đức “vừa hồng”, nhưng Người cũng rất quan tâm đến tài năng, trí tuệ “vừa chuyên” và luôn tạo điều kiện để cho mỗi người rèn luyện tài năng, đem tài năng cống hiến cho xã hội, vì đạo đức là nền tảng cho tài năng phát huy và tài năng là thể hiện cụ thể của đạo đức trong hiệu quả hành động. Đây chính là những nội dung giáo dục hết sức cơ bản, gắn bó chặt chẽ với nhau, làm nền tảng cho sự phát triển con người Việt Nam.

Trong bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”, kí tên TL, đăng trên báo Nhân dân số 5526, ngày 1/6/1969, đây là bài báo cuối Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên nhắc nhở đến công tác giáo dục: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên, nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực.

Trước hết các gia đình (tức là ông bà, cha mẹ, anh chị) phải làm thật tốt công việc ấy. Các đảng uỷ đường phố và hợp tác xã phải phụ trách chỉ đạo thiết thực và thường xuyên. Uỷ ban thiếu niên, nhi đồng, Đoàn Thanh niên, ngành giáo dục và các ngành, các đoàn thể cần phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc, giáo dục các cháu càng ngày càng khoẻ mạnh và tiến bộ. Các tỉnh uỷ, thành uỷ cần phải phụ trách đôn đốc việc này cho có kết quả tốt.

Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.

Sự quan tâm đến công tác giáo dục thế hệ trẻ nói chung, công tác dạy học nói riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành đường lối, chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước ta. Từ Ðại hội lần thứ VI (1986) đến Ðại hội lần thứ XII (2016) của Ðảng, cũng như  trong các văn kiện quan trọng của Ðảng và Nhà nước, giáo dục và đào tạo và luôn luôn được khẳng định là "quốc sách hàng đầu", là "động lực của sự phát triển đất nước" và thực hiện “đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo” chú trọng phát triển nguồn nhân lực để hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Phát triển giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ đủ sức gánh vác sứ mệnh đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu, đó là khát vọng cao đẹp của Nhân dân, đất nước ta, là ham muốn cuối đời của Bác Hồ kính yêu: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Ths Nguyễn Ngọc