Các nhân tố thúc đẩy chấm dứt xung đột Nga - Ukraine
Nhân tố thứ nhất là cuộc đột kích của Ukraine vào Nga tại tỉnh Kursk. Về ngắn hạn, cuộc đột kích này có tác động rất mạnh, đưa chiến sự vào bên trong lãnh thổ Nga và cho thấy Nga có nguy cơ bị tấn công ngay tại chỗ. Bước phát triển này có thể tạo thêm áp lực bên trong chính trường Nga. Cuộc tiến công ít nhiều cũng khích lệ tinh thần binh sĩ Ukraine. Cuộc đột kích cũng làm chậm lại đà suy giảm trong sự ủng hộ chính trị của phương Tây cho Ukraine trong cuộc đối đầu quân sự với Nga. (Trước đó, vào nửa đầu năm 2024, Ukraine đã gặp muôn vàn khó khăn cả về mặt quân sự và kinh tế, khiến sự ủng hộ dành cho họ giảm dần).
Nếu Ukraine đủ sức giữ các vùng vừa chiếm được tại tỉnh Kursk của Nga, họ sẽ có một lá bài để mặc cả trong các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột vũ trang này.
Nhân tố thứ hai nằm ở chính mức độ rủi ro cao trong cuộc đột kích của Ukraine vào Nga. Ukraine đã rút khoảng 10.000 quân khỏi những vị trí phòng thủ quan trọng ở miền Đông Ukraine, từ đó vô hình trung tạo điều kiện cho Nga xốc tới ở khu vực này, đặc biệt là tỉnh Donetsk. Lối đánh của Nga ngày càng quyết đoán, khiến tổn thất của Ukraine gia tăng ở miền Đông và những nơi khác.
Bên cạnh đó, Nga còn tập trung đánh phá cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, đặc biệt là các trạm điện và nhà máy phát điện. Hậu quả là năng lực cấp điện của Ukraine chỉ còn 12 tiếng mỗi ngày, từ đó tạo gánh nặng cho cuộc sống của dân thường Ukraine và khiến người dân nước này giảm bớt sự ủng hộ dành cho nỗ lực của chính phủ Ukraine theo đuổi cuộc chiến.
Thứ ba , những sự lựa chọn dành cho cả Nga và Ukraine trong việc leo thang chiến sự đều rất giới hạn và rủi ro.
Ukraine mong muốn sở hữu số lượng lớn vũ khí tầm xa để đe dọa Nga. Họ cũng muốn có sự tham gia trực tiếp của khối quân sự NATO hoặc một số thành viên của NATO trong xung đột vũ trang với Nga. Tổng thống Ukraine Zelensky và đội ngũ của ông đánh giá rằng những bước đi này có thể lái cuộc xung đột theo hướng có lợi cho họ.
Tuy nhiên, triển vọng của 2 lựa chọn này đều không lớn do chúng có thể kéo theo nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Nga và phương Tây, như đánh giá của lãnh đạo Mỹ và phương Tây.
Về phần mình, Nga đã nhiều lần bóng gió về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, động thái này chứa đựng nguy cơ trên nhiều mặt trận và ít khả năng được Nga triển khai trừ phi trong những tình huống vô cùng đặc biệt.
Lựa chọn thực tế là các bên dàn xếp mâu thuẫn, có thể sớm hoặc lâu.
Thứ tư, xu hướng ở Mỹ và châu Âu không ủng hộ sự kéo dài vô thời hạn cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.
Mỹ đóng vai trò đặc biệt trong hỗ trợ Ukraine kháng cự cuộc tiến công của Nga. Châu Âu là nguồn ủng hộ quan trọng thứ 2 cho nỗ lực chiến đấu của Ukraine. Tuy nhiên, sau kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2024 tới đây, Mỹ có khả năng sẽ giảm dần sự ủng hộ quân sự dành cho Ukraine.
Nếu ứng viên Trump đắc cử tổng thống Mỹ, ông sẽ nhanh chóng tìm giải pháp ngoại giao để chấm dứt cuộc xung đột này. Nếu bà Harris đắc cử, bà sẽ gặp nhiều khó khăn trong duy trì sự ủng hộ dành cho Ukraine.
Xu hướng ở Đức, đặc biệt sau những cuộc bầu cử gần đây (trong đó có sự thắng thế của những nhóm phản đối việc ủng hộ chiến sự ở Ukraine) có khả năng sẽ dẫn tới việc Đức điều chỉnh đáng kể chính sách của mình.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công bố quyết tâm thúc đẩy một giải pháp hòa bình thông qua một hội nghị hòa bình mới có sự tham gia của Nga.
Thực lực Nga và Ukraine trên chiến trường
Chiến thắng hiện nay chưa quá rõ ràng với cả hai phe trong xung đột. Ukraine kiên quyết kháng cự nhưng phải trả giá là thương vong khổng lồ. Dân chúng Ukraine đã tỏ ra mệt mỏi vì cuộc xung đột này. Tổng thống Zelensky đối diện những thách thức đáng kể trong việc huy động tân binh cho cuộc đối đầu vũ trang với Nga. Hệ thống năng lượng, điện lực của Ukraine đều gặp vấn đề lớn sau những cuộc không kích của Nga. Mùa đông tới sẽ đặc biệt khắc nghiệt đối với Ukraine.
Mặt khác, Ukraine đạt một số thành công nhất định trong việc đánh chiếm lãnh thổ Nga . Ngoài ra, họ có thêm một số vũ khí mới, bao gồm những loại có thể dùng để tập kích sâu vào lãnh thổ Nga. Ukraine cũng nhận được “đèn xanh” của phương Tây để táo bạo hơn trong triển khai những vũ khí này. Chưa kể, Ukraine đã tự chế được một số vũ khí, giúp họ duy trì cuộc chiến trong thời gian tới.
Về phần mình, Nga có nhiều lợi thế quan trọng. Nhưng cuộc xung đột kéo dài cũng đẩy Nga vào một số bất lợi, như phải dựa nhiều hơn vào Trung Quốc, Triều Tiên và Iran.
Sáng kiến hòa bình trong tương lai giữa Nga và Ukraine sẽ phải giải quyết 4 vấn đề quan trọng là lãnh thổ của các bên, bảo đảm an ninh cho nước Nga và nước Ukraine, tái thiết Ukraine và thế đứng ngoại giao của Nga trong quan hệ tương lai với phương Tây.
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch
Nguồn: National Interest