Nhiệm vụ khó khăn của Tổng thống Mỹ Biden trong chuyến công du châu Âu

Thứ năm, 10/06/2021 - 08:34

Mục đích chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Biden không phải là để hồi tưởng về một liên minh đã chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh đầu tiên, mà là để tập hợp lại liên minh cho cuộc chiến tranh lạnh thứ 2.

Ngày 10/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến công du bên kia bờ Đại Tây Dương với rất nhiều thiện chí. Sau nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Donald Trump, các nhà lãnh đạo châu Âu giờ đây cảm thấy dễ chịu hơn chỉ với một thực tế đơn thuần là Mỹ đã có một vị tổng thống mới tin vào nền dân chủ và hiểu biết về ngoại giao.

Ngày 10/6, Tổng thống Mỹ Biden bắt đầu chuyến công du các nước châu Âu. Ảnh: Getty

Khẳng định cam kết xuyên Đại Tây Dương

Ông Trump không có khái niệm về liên minh lịch sử, đối tác chiến lược hay các bên cùng có lợi. Ông xem các thể chế đa phương như thuyết âm mưu nhằm chống lại sức mạnh của Mỹ. Ông cói những gì châu Âu nói về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ giống như tiếng than vãn của kẻ yếu.

Mục đích chuyến công du của ông Biden tới châu Âu lần này lại chính là để thúc đẩy trật tự đó. Trong một bài viết trên Washington Post trước thềm chuyến thăm, Tổng thống Biden đã nói về cam kết “kiên định” và “được làm mới lại” đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương dựa trên “những giá trị dân chủ chung”.

Hành trình của ông Biden tại châu Âu sẽ bắt đầu ở Cornwall với cuộc họp thượng đỉnh cùng các nhà lãnh đạo nhóm G7. Tiếp sau đó, ông sẽ tới Brussels dự cuộc họp thượng đỉnh NATO, gặp gỡ các nhà lãnh đạo EU và EC. Ông Biden có ý định dựng lên một làn sóng đoàn kết phương Tây một cách hài hòa trước chặng dừng chân cuối cùng ở Geneva, Thụy Sỹ và có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 16/6.

Một nội dung trọng tâm trong chuyến thăm châu Âu của ông Biden là Trung Quốc. Ông Biden và các lãnh đạo nhóm G7 sẽ công bố chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển, một chương trình được xem như cạnh tranh trực tiếp với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Hiện nay, Mỹ coi Nga là một thế lực đang thoái trào chứ không phải là một siêu cường và ông Putin là được xem như một nhân vật “khó chịu” chứ không phải là một đối thủ. Tuy nhiên quan điểm về Trung Quốc lại hoàn toàn trái ngược. Trung Quốc là một siêu cường thực sự và là điểm cực đông mà Tổng thống Biden nghĩ đến khi ông nói về việc hồi sinh một liên minh các nền dân chủ phương Tây.

Mục đích chuyến công du của ông Biden là để nói với châu Âu hãy cùng hành động trong cuộc đua sắp tới với Trung Quốc để giành vị thế hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, không phải mọi quốc gia châu Âu đều xem Trung Quốc là một mối đe dọa như Mỹ. EU tránh lên tiếng một cách mạnh mẽ về vấn đề Hong Kong, vấn đề Tân Cương như chính quyền Biden vẫn làm. Nhưng có những dấu hiệu cho thấy châu Âu sẵn sàng cứng rắn với Bắc Kinh hơn trước đây.

Các quốc gia châu Âu cũng không thực sự phải cân nhắc quá lâu trước lựa chọn liên kết với Washington hay Bắc Kinh. Không khó để ông Biden tập hợp được sự ủng hộ của các đồng minh châu Âu để đối phó với một Trung Quốc ngày càng bành trướng và đe dọa các nền dân chủ.

Nếu Trung Quốc là một quốc gia nghèo hơn, sứ mệnh của ông Biden sẽ dễ dàng hơn. Nhưng khoảng cách kinh tế giữa Mỹ - một siêu cường thực tế và Trung Quốc - kẻ thách thức, đang ngày càng thu hẹp. Tính theo GDP bình quân đầu người, người Mỹ vẫn giàu hơn Trung Quốc, nhưng Trung Quốc có thể vượt Mỹ về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối thập kỷ này.

Tập hợp lại liên minh cho cuộc chiến tranh lạnh thứ 2?

Thời Chiến tranh Lạnh, Kremlin đã duy trì thế đối đầu quân sự đáng gờm với phương Tây nhưng lại không phải là một đối thủ cạnh tranh về kinh tế suốt một thời gian dài. Sự sụp đổ của mô hình liên bang Xô viết dường như đã chứng minh rằng tự do chính trị và thịnh vượng đi đôi với nhau. Không thể có các doanh nghiệp mà không có các thị trường, không có thị trường nào không có các quy tắc công bằng, và cũng không có các quy tắc khả thi nào mà không có dân chủ. Mô hình của Trung Quốc có vẻ như đã bác bỏ giả thuyết này.

Khi G7 hình thành vào những năm 1970, khối 7 thành viên gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản, chiếm phần lớn tỷ trọng tài sản toàn cầu. Có một sự liên kết tự nhiên giữa các thể chế dân chủ tự do và thành công kinh tế. Ngày nay, GDP của 7 quốc gia này đã giảm xuống còn 40% tổng GDP của thế giới. Phương Tây vẫn giàu có, nhưng không còn là siêu liên minh đáng ghen tị của thế giới.

Ngày nay, Trung Quốc có tầm quan trọng nhất định ở châu Âu. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức. Các nước nhỏ hơn trong EU đã hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp, mặc dù tâm lý e ngại về bẫy an ninh, chính trị vẫn đang gia tăng.

Tuy nhiên, chính phủ các nước EU chỉ đơn giản là không cảm thấy mức độ khẩn thiết trong việc kiềm chế Trung Quốc giống như Mỹ. Địa lý là một yếu tố - Mỹ có bờ biển Thái Bình Dương và các cam kết chiến lược đối với Đài Loan, còn châu Âu chỉ giống như một “khán giả”.

Cũng có một sự khác biệt về khái niệm. Như một nhà ngoại giao từng nói, châu Âu không thích những gì Trung Quốc làm, nhưng Mỹ không thích vai trò mà Trung Quốc đang trở thành. Ý tưởng về việc Mỹ bị [Trung Quốc] thay thế vai trò một cường quốc toàn cầu trong thế kỷ hiện tại là điều kinh hoàng đối với Washington.

Tổng thống Mỹ kêu gọi các nhà lãnh đạo phương Tây thể hiện sức mạnh đoàn kết vì viễn cảnh chia rẽ, hao mòn và mất uy tín của nền dân chủ là hiện hữu hơn bất cứ lúc nào trong sự nghiệp kéo dài 5 thập kỷ của ông ở Washington.

Trong suốt thời gian đó, ông Biden đã thành công nhờ sự kiên nhẫn, ngoại giao và những phát ngôn nhẹ nhàng. Phong cách đó giúp ông có được một lượng “khán giả” dễ chịu ở châu Âu. Nhưng sự “ôn hòa” của ông là có mục đích, và mục đích đó là để phát đi một thông điệp cứng rắn.

Cây bút Rafael Behr của Guardian cho rằng, ông Biden không bay qua Đại Tây Dương chỉ để hồi tưởng lại một liên minh đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh lạnh đầu tiên. Mục đích của ông trong chuyến công du lần này là tập hợp lại liên minh cho cuộc chiến tranh lạnh thứ 2./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)The Guardian, AP