“Hàng ki lô mét toàn rác thải nhựa, tìm thấy cát còn khó hơn tìm thấy rác”- đó là chia sẻ của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng hay còn gọi là Hùng Lekima trong chuyến đi xuyên Việt “đặc biệt” của anh. Chuyến đi để chụp những bức ảnh về “rác thải nhựa” trên khắp dải đất hình chữ S.
Với hành trang là xe máy, chiếc máy ảnh và hơn cả sự thôi thúc
phải làm một điều gì đó cho môi trường, Hùng Lekima đã có một chuyến đi đầy ý nghĩa.
PV: Xin chào anh Nguyễn Việt Hùng. Không biết xuất phát từ ý tưởng nào mà anh quyết định chuyến xuyên Việt bằng xe máy để chụp rác thải nhựa như vậy? Và anh đã ấp ủ ý tưởng đó trong bao lâu trước khi bắt đầu từ tháng 8 năm ngoái?
Tôi có nhiều nguyên nhân để thực hiện hành trình này. Đầu tiên là vì tôi biết Việt Nam đứng thứ 4 trong việc xả rác thải nhựa ra đại dương mà 5 nước đầu tiên chiếm khoảng 60%, tức là cực kì lớn, là một con số đáng báo động. Thứ hai, rác thải nhựa hiện nay là một mối nguy hại toàn cầu, nó không khác gì hiệu ứng nhà kính, đến mức rất nhiều nước trên thế giới đã cấm túi ni-lông, hay cấm sản phẩm có hạt vi nhựa. Cuối cùng, một nguyên nhân rất lớn là vì tôi cũng là nhiếp ảnh gia và tôi cũng yêu thích về nhiếp ảnh, tôi cũng hiểu ra rằng, những bức ảnh có thể làm cho con người ta thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi về hành vi. Bởi vì những bức ảnh chân thực đó có thể tác động vào cảm xúc của người xem thay vì những câu khẩu hiệu tuyên truyền mãi. Đó là lý do chính tôi quyết định lên đường.
nhiep anh gia nguyen viet hung: di doc bo bien chi de chup rac hinh 2
Biển Bình Thuận (Ảnh: NVH)
PV: Theo một nghiên cứu của Trung tâm phát triển Đà Nẵng thì trung bình mỗi người Việt Nam xả ra 1.2kg rác. Thực tế đi qua 28 tỉnh thành phố ven biển, chứng kiến cảnh rác thải nhựa ở Việt Nam, điều gì anh muốn chia sẻ?
Tôi đi dọc bờ biển Việt Nam, những nơi mà tôi đi qua thì mọi người quăng xuống biển rất nhiều thứ và việc xử lý ở các địa phương chủ yếu là chôn lấp và đun. Tôi nghĩ rằng, trước thực trạng này thì chúng ta cũng cần phải có những hành động rất mạnh mẽ, từ việc làm sao hạn chế, giảm thiểu chất thải đại dương, thu gom xử lý chứ không phải chôn, đó là một biện pháp rất là cổ xưa.
PV: Trong hành trình chụp rác thải nhựa gần 2 tháng đó, có ấn tượng nào gây sốc hay là ám ảnh cho anh đến tận bây giờ không?
Thực sự là có rất nhiều câu chuyện mà tôi đã gặp nhưng ấn tượng hơn cả là bãi biển Tuy Phong - Bình Thuận, nơi mà những cái kênh không nhìn thấy nước đâu, chỉ nhìn thấy toàn rác thải nhựa nổi lềnh phềnh trên đó, trẻ con chơi đùa ở đó.
Những nơi có bãi biển kéo dài cả ki lô mét toàn rác thải không nhìn thấy cát đâu cả và mọi người còn đi vệ sinh ở trên đó. Tôi cũng vô cùng sốc và bàng hoàng khi đến Bình Châu có cảng Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn.Người ta quăng rác cứ như thể tập thể dục buổi sáng và họ thường xuyên quăng xuống biển như thế. Và ở đó tôi cũng nghe được câu nói của người dân và sau đó rất nhiều người dân nói với tôi là: Ở đây không có thùng rác! Tôi thấy xót xa khi đến nơi danh lam thắng cảnh là Hòn Phụ Tử rất đẹp ở Kiên Giang- một bãi tắm hiếm hoi ở đó, vậy mà mọi người lại đổ rác ngay tại bãi cát rồi đốt. Rồi tôi nhìn thấy cây thốt nốt hay là cây dừa rất lâu năm bị đốt cháy chết. Thậm chí gốc vẫn còn đen ở ngay khu soát vé của di tích lịch sử thì thật sự, đấy là những cái mà tôi cảm thấy xót xa. Tôi tự hỏi ở những nơi trung tâm như vậy mà còn thế thì những nơi vùng sâu vùng xa thì không biết thế nào.
PV: Có một thực trạng về rác thải nhựa như vậy thì theo anh, lý do vì sao? Do ý thức người dân chưa tốt hay do chính các cơ quan chức năng địa phương chưa ráo riết trong việc bảo vệ môi trường ?
Có nhiều nguyên nhân nhưng đầu tiên tôi nghĩ xuất phát từ nhận thức, ý thức của người dân địa phương vì bản thân đó là môi trường sống của chúng ta. Nhưng ở đây nguy hiểm hơn là rác thải nhựa mọi người quăng xuống biển là mọi người nghĩ nó trôi đi đâu đó nhưng thực chất là nó lại vào thức ăn của chính họ. Chắc chắn là phải từ ý thức của người dân rồi, tôi nghĩ đấy là nguyên nhân rất lớn. Nhưng để một địa phương mà nhiều rác như vậy thì tôi nghĩ nó cũng phải từ chính quyền. Một phần nữa sâu xa hơn tôi, nghĩ chúng ta cũng phải để ý tới trách nhiệm của đơn vị kinh doanh sản xuất liên quan đến đồ nhựa tại địa phương, đó là trách nhiệm của họ ở trong đó.
PV: Hành trình chụp ảnh rác thải nhựa của anh còn tiếp tục trong năm 2019 ?
Dự định của tôi trong thời gian ngắn hạn 2019, tôi sẽ đến các hòn đảo ở Việt Nam và chụp về chủ đề này. Năm 2019 cũng là năm mà tôi dự kiến ra triển lãm ảnh nhân ngày Môi trường quốc tế vào ngày 5/6/2019. Đó là những dự định tiếp theo, còn những kế hoạch xa hơn liên quan đến những dự án bền vững lâu dài để có thể xử lý rác thải nhựa thì vẫn còn nằm trong bản thảo.
PV: Cảm ơn anh đã tham gia buổi trò chuyện hôm nay. Chúc anh sẽ thành công với những dự đinh trong năm 2019 này.
Vâng xin cảm ơn!
Bảo Ngọc/VOV