Nhiều đổi mới quan trọng trong luật BHYT năm 2024 và nghị định 188/2025/NĐ-CP: Tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế

Thứ tư, 23/07/2025 - 07:33

Ngày 27/6/2024, Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) số 51/2024/QH15 (gọi tắt là Luật BHYT năm 2024). Tiếp đó, ngày 5/7/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 188/2025/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Hai văn bản pháp lý quan trọng này đã đưa ra nhiều đổi mới đáng chú ý, đặc biệt là trong việc quản lý và sử dụng thẻ BHYT, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân trong quá trình khám chữa bệnh (KCB) và thụ hưởng quyền lợi.

Thẻ BHYT bản giấy và bản điện tử có giá trị pháp lý như nhau

Một trong những điểm mới nổi bật của Luật BHYT năm 2024 là quy định rõ: thẻ BHYT được cấp dưới hai hình thức gồm bản giấy và bản điện tử, có giá trị pháp lý tương đương nhau. Mỗi cá nhân tham gia BHYT được cấp một mã số BHYT duy nhất, đồng bộ với số căn cước công dân hoặc mã định danh cá nhân, giúp minh bạch hóa và cá thể hóa quyền lợi BHYT.

Nhiều đổi mới quan trọng trong luật BHYT năm 2024 và nghị định 188/2025/NĐ-CP: Tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế- Ảnh 1.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) là đơn vị duy nhất được giao trách nhiệm phát hành thẻ, thực hiện theo chức năng tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT và quản lý quỹ BHYT.

Thông tin chi tiết và đồng bộ trên thẻ BHYT

Dù là bản điện tử hay bản giấy, thẻ BHYT đều chứa các thông tin cơ bản, đầy đủ và cần thiết:

Thông tin cá nhân: Họ và tên, giới tính, ngày/tháng/năm sinh. Mức hưởng BHYT: Theo nhóm đối tượng cụ thể. Thời điểm có giá trị sử dụng: Xác định quyền lợi người tham gia. Nơi đăng ký KCB ban đầu. Thời gian đủ 5 năm liên tục tham gia BHYT (áp dụng cho nhóm cùng chi trả chi phí KCB).

Đặc biệt, dữ liệu của thẻ BHYT được đồng bộ hóa với mã số định danh, căn cước công dân, giúp người dân dễ dàng tra cứu, sử dụng dịch vụ KCB tại bất cứ nơi đâu mà không cần mang theo thẻ giấy.

Thủ tục cấp và điều chỉnh thẻ BHYT tinh gọn, ưu tiên bản điện tử

Theo quy định mới, thủ tục cấp mới, cấp lại, điều chỉnh thông tin trên thẻ BHYT được tinh gọn tối đa, tạo điều kiện cho người tham gia.

Nhiều đổi mới quan trọng trong luật BHYT năm 2024 và nghị định 188/2025/NĐ-CP: Tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế- Ảnh 2.

Các hình thức nộp hồ sơ:

Qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Qua ứng dụng của cơ quan BHXH (như VssID). Nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa. Gửi qua dịch vụ bưu chính công ích.

Cơ quan BHXH sẽ mặc định cấp bản điện tử, chỉ cấp thẻ giấy khi người dân có yêu cầu. Thẻ điện tử được gửi về email, ứng dụng VssID hoặc liên kết với tài khoản VNeID cấp độ 2. Thẻ giấy được chuyển trực tiếp đến người tham gia hoặc thông qua tổ chức quản lý.

Một số nhóm đối tượng đặc thù được hỗ trợ liên thông khi cấp thẻ:

Trẻ em dưới 6 tuổi: Cấp thẻ đồng thời với thủ tục khai sinh và đăng ký thường trú. Người hiến bộ phận cơ thể người: Căn cứ vào giấy ra viện do cơ sở KCB cấp.

Thời điểm thẻ BHYT có giá trị sử dụng – cụ thể, rõ ràng

Luật BHYT 2024 quy định chi tiết thời điểm bắt đầu giá trị sử dụng của thẻ:

Thông thường: Từ ngày người tham gia đóng BHYT. Tự đóng/gián đoạn > 90 ngày: Có hiệu lực sau 30 ngày từ ngày đóng. Hưởng trợ cấp thất nghiệp: Từ ngày bắt đầu nhận trợ cấp. Trẻ dưới 6 tuổi: Từ ngày sinh. Người hiến bộ phận cơ thể: Ngay sau khi thực hiện hiến tặng. Học sinh, sinh viên: Lớp 1: Từ ngày 01/10 năm đầu cấp học. Lớp 12: Từ 01/01 đến hết 30/9 (khuyến khích đến 31/12). Sinh viên năm 1: Từ ngày nhập học hoặc từ khi thẻ cũ hết hạn. Sinh viên năm cuối: Từ 01/01 đến hết tháng kết thúc khóa học (khuyến khích đến 31/12).

Quy định sử dụng thẻ BHYT khi khám chữa bệnh

Người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh cần xuất trình thông tin thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân theo các hình thức sau:

Căn cước công dân hoặc tài khoản VNeID cấp độ 2 có tích hợp thông tin BHYT. Thẻ BHYT điện tử hoặc giấy. Nếu thẻ không có ảnh hoặc mã số BHYT, cần thêm giấy tờ tùy thân (Căn cước công dân, hộ chiếu, VNeID, VssID…).

Nhiều đổi mới quan trọng trong luật BHYT năm 2024 và nghị định 188/2025/NĐ-CP: Tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế- Ảnh 3.

Đối với trẻ dưới 6 tuổi: chỉ cần thẻ BHYT hoặc mã số; chưa có thẻ thì dùng giấy chứng sinh.

Người hiến bộ phận cơ thể: xuất trình thẻ hoặc giấy ra viện cùng giấy tờ tùy thân.

Trường hợp cấp cứu: Người bệnh được cấp cứu trước, xuất trình giấy tờ sau.

Lưu ý trong quá trình khám chữa bệnh bằng BHYT

Xuất trình trễ: Quỹ BHYT chỉ thanh toán từ thời điểm xuất trình (trừ cấp cứu). Các chi phí trước đó được thanh toán trực tiếp theo quy định. Lỗi hệ thống: Nếu không tra cứu được mã số BHYT qua Internet, cơ sở KCB vẫn tiếp nhận người bệnh, phối hợp BHXH xác minh sau. Không thêm thủ tục: Cơ sở KCB và BHXH không được yêu cầu thêm giấy tờ, không được bắt người bệnh sao chụp hoặc trả chi phí photocopy. Tham gia đủ 5 năm liên tục: Được miễn cùng chi trả nếu chi phí KCB vượt 6 tháng lương cơ sở trong năm.

Các trường hợp thẻ BHYT bị thu hồi, tạm khóa

Luật BHYT 2024 bổ sung quy định quản lý chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo công bằng và minh bạch:

Thu hồi thẻ: Nếu phát hiện gian lận trong khai báo, mức hưởng. Tạm giữ/tạm khóa thẻ: Nếu người tham gia cho mượn hoặc mượn thẻ BHYT để sử dụng sai mục đích.

Sau khi người vi phạm nộp phạt và khắc phục hậu quả, thẻ sẽ được trả lại hoặc mở khóa. Cơ quan BHXH có trách nhiệm thông báo rõ ràng đến người tham gia.

Trách nhiệm người sử dụng lao động và quyền lợi người lao động

Một điểm quan trọng được làm rõ là trách nhiệm của người sử dụng lao động:

Nếu chậm hoặc trốn đóng BHYT, doanh nghiệp phải hoàn trả toàn bộ chi phí KCB mà người lao động đã bỏ ra do không có thẻ BHYT. Mức phạt: Ngoài việc đóng đủ số tiền còn thiếu, phải nộp lãi chậm nộp 0,03%/ngày trên số tiền và số ngày trốn đóng. Trường hợp bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh, khẩn cấp) được cơ quan có thẩm quyền

Luật BHYT năm 2024 và Nghị định 188/2025/NĐ-CP là bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong lĩnh vực bảo hiểm y tế. Những đổi mới về hình thức thẻ, thủ tục cấp, cách sử dụng, trách nhiệm và quyền lợi đã và đang tạo nền tảng pháp lý đồng bộ, rõ ràng, minh bạch; góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là nhóm yếu thế trong xã hội.

Việc đẩy mạnh số hóa, đơn giản hóa thủ tục, minh bạch hóa thông tin và tăng cường quản lý là những tiền đề quan trọng để hướng đến một nền BHYT toàn dân công bằng, bền vững và hiện đại trong thời kỳ chuyển đổi số quốc gia.

Tấn Tài