Phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học ngày càng được mở rộng ra nhiều lĩnh vực, có thể kể đến như: Công nghệ hóa, dược; Công nghệ sinh – y sinh; Công nghệ thông tin; Công nghệ thực phẩm; Giáo dục; Kinh tế; Kỹ thuật; Nông lâm ngư nghiệp; Pháp lý; Quy hoạch, Kiến trúc và xây dựng; Tài nguyên và môi trường; Xã hội và nhân văn.
Lễ Tổng kết và trao giải các đề tài tham gia Giải thưởng Euréka năm 2013
Nhìn chung, các giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học đã cơ bản đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng về một sân chơi khoa học cho sinh viên cả nước. Các giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học đã động viên, khuyến khích năng lực nghiên cứu khoa học trong sinh viên, tạo điều kiện, môi trường học tập, rèn luyện tích cực, từ đó, phát hiện, sản sinh nên những nhà khoa học trẻ, đóng góp tích cực trong hoạt động nghiên cứu khoa học của nước nhà.
Một số đề tài điển hình tham gia dự thi giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn áp dụng thành công vào thực tiễn, có thể kể đến như:
Một là, Đề tài sản xuất đông trùng hạ thảo quy mô phòng thí nghiệm của nhóm sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh. Bằng nhiều phương pháp, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá năng suất và chất lượng thông qua các chỉ tiêu về tỷ lệ sinh khối quá thể, hàm lượng adenosine, lipid, đạm, tro tổng số, khả năng kháng oxy hóa. Kết quả đã sản xuất thành công đông trùng hạ thảo trong phòng thí nghiệm, mở ra một xu hướng mới cho việc khởi nghiệp thành công của các bạn trẻ từ việc nuôi cấy giống dược liệu quý này, như chị Phạm Thị Thư phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu; hay anh Ngô Minh Đạt xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình); hoặc anh Lê Thế Anh, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Mộc Châu)… là những ví dụ điển hình.
Mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị Phạm Thị Thư, Tổ dân phố số 5, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu
Hai là, Đề tài nghiên cứu xử lý bã bùn của hệ thống xử lý nước thải từ nhà máy chế biến thủy sản bằng phương pháp nuôi trùn quế của thí sinh Nguyễn Kim Khanh đến từ Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh. Dự án đã sử dụng bã bùn để làm thức ăn nuôi trùn quế. Kết quả thu được cho thấy trùn quế có khả năng xử lý bã bùn và cho ra phân trùn. Sử dụng phân trùn 9 tấn/ha để bón cho cây cải ngọt đạt năng suất hơn 15 tấn/ha. Ý tưởng này ngoài việc xử lý được bã bùn cho hệ thống xử lý nước thải, còn giúp cho nhiều thanh niên làm giàu nhờ nuôi trùn quế, như anh Nguyễn Văn Thành, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) có doanh thu nửa tỷ đồng một năm, hay anh Nguyễn Công Vinh, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) thực hiện mô hình nuôi trùn quế kết hợp trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản, mỗi tháng Công ty của anh thu lợi nhuận trên 500 triệu đồng…
Mô hình nuôi trùn quế mang lại thu nhập cao cho gia đình anh Nguyễn Văn Thành, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam). Ảnh: Đắc Thành
Ba là, Đề tài các yếu tố ảnh hưởng đến sự hợp tác trong hoạt động Logistics của các doanh nghiệp Logistics tại TP Hồ Chí Minh của Nhóm tác giả Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Nhóm tác giả đã đưa ra các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động Logistics tại thành phố như: sự giao tiếp, mức độ thuần thục, sự linh hoạt, quyền lực, sự tương hợp, sự thấu hiểu, tín nhiệm, sự công bằng, cam kết… Từ đó, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực Logistics có điều kiện để tham khảo, nghiên cứu, nhằm không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ của ngành tương đối mới mẻ trong thời điểm đó. Dần dà, quan điểm về việc tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển các ngành dịch vụ logistics lần đầu tiên được đề cập đậm trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 trong nhiệm vụ phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học & công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động.
Có thể thấy, dù rằng, các đề tài tham gia các giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học dù chưa được bảo hộ đầy đủ về quyền sở hữu trí tuệ, nhưng đã mang lại giá trị thiết thực từ việc khởi nghiệp, làm giàu của thanh niên, cho đến trở thành những chính sách lớn của Đảng bộ và Chính quyền các địa phương, góp phần phát triển nền kinh tế lành mạnh, sáng tạo, hiện đại và tri thức trong thời kỳ hội nhập.
Lê Thanh