Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc các cây bút trẻ, nhà văn trẻ với sự năng động sáng tạo sẽ sáng tác ra những tác phẩm thật hay, có giá trị - Ảnh: VGP/Thế Phong
Sáng 18/6, tại Đà Nẵng, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X với thông điệp "Vì sao chúng ta viết".
Tham dự Hội nghị còn có ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, địa phương, các hội văn học nghệ thuật; các nhà văn, nhà thơ lão thành và hơn 138 nhà văn trẻ đại diện cho hàng ngàn những người viết trẻ toàn quốc…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, những nhà văn trẻ Việt Nam có nhiều cơ hội, nhiều điều kiện cho sáng tạo và công bố tác phẩm của mình hơn các thế hệ nhà văn trước đó. Tương lai của nền văn học Việt Nam phụ thuộc vào sự dấn thân của các nhà văn trẻ trên con đường sáng tạo của mình.
Nhà thơ Hữu Việt, Trưởng Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) cho biết, hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X năm 2022 có 138 đại biểu được lựa chọn từ hàng trăm đề cử. Đây là số lượng đại biểu có mặt nhiều nhất nếu so sánh với hai hội nghị liền kề trong 10 năm gần đây. Đông nhất là chuyên ngành thơ và văn xuôi; tiếp đến là lý luận, phê bình văn học và cuối cùng là dịch thuật. Các đại biểu đến từ nhiều địa phương, ngành nghề, công việc khác nhau cho thấy sự đa dạng trong đội ngũ những người viết trẻ.
Nữ đại biểu trẻ nhất, em Trần Phú Minh Anh, sinh năm 2007, là một học sinh trường quốc tế ở TPHCM.
Có những cây bút trẻ là những người đang viết đều, viết khỏe như: Vũ Đức Anh (28 tuổi) đã có 4 tiểu thuyết; Huỳnh Lê Triều Phú (25 tuổi) xuất bản 9 đầu sách gồm thơ, truyện ngắn, tùy bút, khảo cứu; Phạm Minh Quân (28 tuổi), có 5 đầu sách dịch; Phát Dương (26 tuổi), có 3 tập truyện ngắn in riêng, 3 tập truyện ngắn in chung; Trác Diễm (33 tuổi), đã xuất bản 3 tiểu thuyết và 3 tập truyện ngắn; Vũ Thị Huyền Trang (35 tuổi), đã xuất bản 11 tập truyện ngắn, tùy bút…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện, động viên PTTg động viên các cây bút trẻ Vũ Nguyên (người ngồi xe lăn) và Trần Phú Minh Anh (15 tuổi) - Ảnh: VGP/Thế Phong
Đặc biệt phải kể đến Nguyễn Bình (20 tuổi), sinh viên đang học Thiên văn học ở Mỹ đã dịch kiệt tác Truyện Kiều sang tiếng Anh và được những nhà văn, dịch giả tên tuổi của Mỹ đánh giá cao; hay Trang Nguyễn (21 tuổi) viết tác phẩm "Chang hoang dã - gấu" được NXB Pan Macmillan của Anh mua bản quyền toàn cầu và sau đó họ đã bán bản quyền cuốn sách này sang Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ấn tượng trước những tham luận, phát biểu tâm huyết, sâu sắc của các nhà văn trẻ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Đảng, Nhà nước luôn hết sức quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật, tầm quan trọng, cũng như đặt nhiều mong muốn, kỳ vọng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức trẻ nói chung, các nhà văn trẻ nói riêng.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cá nhân Phó Thủ tướng mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà văn trẻ để Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan hữu quan cùng bàn bạc, phối hợp chặt chẽ với Hội Nhà văn, các hội văn hóa nghệ thuật khác, để tiếp tục phát triển tốt hơn nữa nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Nhấn mạnh sự quan tâm hết sức sâu sắc của Đảng, Nhà nước tới văn hóa, văn học nghệ thuật, đặc biệt là những văn nghệ sĩ trẻ, Phó Thủ tướng nhắc lại câu nói "tất cả mọi thứ rồi sẽ qua đi còn lại cuối cùng là văn hóa", quan điểm "văn hóa còn thì dân tộc còn". Trong hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam không chỉ anh hùng trong chống lại thiên tai, địch họa, kiên cường trong lao động, mà cũng rất văn hoa với những áng văn chương sống mãi.
Vì vậy, Đảng, Nhà nước luôn rất quan tâm đến bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, trong đó có rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
"Chúng ta bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa của cha ông, đồng thời phải có trách nhiệm làm 'giàu có', phong phú thêm bằng các giá trị của thời đại, của ngày nay. Đó là sự thôi thúc trong những người làm công tác quản lý văn hóa nghệ thuật, những người trực tiếp làm văn hóa, nghệ thuật, trong đó có các nhà văn trẻ", Phó Thủ tướng nói.
Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X năm 2022 có 138 đại biểu tham dự - Ảnh: VGP/Thế Phong
Ông chia sẻ suy nghĩ: Làm sao để cái đẹp được tôn vinh, ngự trị trong từng người, ra đến gia đình, cộng đồng, quê hương, đất nước cho đến toàn nhân loại trên thế giới. Con người sống với nhau tốt hơn, không còn hận thù, xa cách, cùng hướng tới Chân - Thiện - Mỹ.
Phó Thủ tướng nhắn gửi tới các văn nghệ sĩ, trong đó có các nhà văn trẻ, luôn là một phần của dân tộc. Mỗi người đều có đóng góp để làm cuộc sống tốt đẹp hơn và cũng có phần trách nhiệm với những gì còn chưa tốt đẹp. Công việc của các nhà văn, người làm văn hóa nghệ thuật luôn thầm lặng, kết quả chưa thể nhìn thấy ngay lập tức mà có thể sau nhiều năm những gì có giá trị mới được nhiều người biết đến.
Nhắc lại kỷ niệm vô cùng xúc động khi chứng kiến lần đầu tiên Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, Phó Thủ tướng mong muốn có ngày càng nhiều tác phẩm văn học Việt Nam, trong đó có tác phẩm của các nhà văn trẻ, vươn ra thế giới.
Bên cạnh đó, các hội văn học, nghệ thuật cần có sự phối hợp chặt chẽ, tốt hơn nữa để một tiểu thuyết, một bản nhạc, một bài thơ hay tiếp tục được nâng tầm, mang thêm những giá trị mới khi chuyển thể sang các loại hình nghệ thuật khác.
Phó Thủ tướng khẳng định Đảng và Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện cần thiết để các văn nghệ sĩ tự do sáng tạo, sáng tác nghệ thuật có trách nhiệm với đất nước, dân tộc. Đối với các nhà văn trẻ, quá trình trải nghiệm, thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo là rất cần thiết, để từ đó có sự điều chỉnh, định hình phong cách, tạo ra không chỉ tác phẩm hay mà còn cả những xu hướng, trường phái mới.
Trả lời một số câu hỏi, ý kiến xung quanh hoạt động sáng tác, chính sách, chương trình đào tạo các cây bút trẻ, nhà văn trẻ, Phó Thủ tướng chúc các cây bút trẻ, nhà văn trẻ với sự năng động sáng tạo sẽ sáng tác ra những tác phẩm thật hay, có giá trị.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, những cơ qua, đơn vị, cá nhân làm công tác quản lý văn hóa sẽ tiếp tục đồng hành với Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam để trả lời câu hỏi "vì sao chúng ta viết, và viết để làm gì" nhằm hướng tới các tác phẩm có giá trị, có chất lượng, đáp ứng mong đợi và yêu cầu thực tiễn hiện nay; tiếp tục phối hợp với Hội Nhà văn duy trì, mở rộng quy mô các trại sáng tác; xây dựng Giải thưởng văn học quốc gia để đánh giá, ghi nhận, tôn vinh, qua đó phát hiện, tìm kiếm nhân tài để đào tạo; thực hiện đề án nâng cao năng lực sáng tác tác phẩm văn học, phê bình văn học giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn đến 2050".
Thế Phong – Đình Nam/Chinhphu