Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức Khóa bồi dưỡng trực tuyến “Kiến thức chuyên sâu về sở hữu trí tuệ dành cho cán bộ quản lý khoa học, công nghệ, sở hữu trí tuệ của địa phương” từ ngày 24 - 26/11/2021
Mục tiêu và nội dung Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 (Chương trình) được ưu tiên hàng đầu nhằm là phù hợp với nhu cầu thực tiễn, năng lực triển khai của các doanh nghiệp, cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục phát huy những kết quả triển khai tích cực của Chương trình trong giai đoạn 2016 - 2020 về truyên truyền, đạo tạo về sở hữu trí tuệ; hỗ trợ bảo hộ và quản lý tàn sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù địa phương; hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế. Bên cạnh đó, tăng cường các giải pháp, khắc phục một số hạn chế của Chương trình trong giai đoạn 2016 - 2020 như hoạt động khai thác sáng chế; kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ; tăng cường và nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực bản quyền và quyền liên quan còn hạn chế…
Trên cơ sở các phân tích về sự cần thiết, quan điểm chỉ đạo nêu trên, Chương trình đặt ra các mục tiêu mang tính tổng quát mà Chương trình cần đạt được là: Triển khai hiệu quả Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và đưa sở hữu trí tuệ thành công cụ quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và góp phần tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng và doanh nghiệp.
Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại trường đại học, viện nghiên cứu” – Techfest Việt Nam 2021 tại điểm cầu Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh
Đặc biệt, Chương trình đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể liên quan đến công tác phát triển nhân lực chất lượng cao về sở hữu trí tuệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong nước và nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực địa phương, hỗ trợ quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp và tổ chức khoa học, công nghệ, gồm có:
Thứ nhất, đến năm 2025, có 100% các trường đại học, viện nghiên cứu được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; và đến năm 2030, số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 16 - 18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 - 14%.
Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất chỉ tiêu đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ cho khoảng 3.000 cá nhân, tập trung vào các trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức trung gian và các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.
Cơ sở để xây dựng mục tiêu đào tạo gồm có: Khung thời gian đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, nếu đào tạo tập trung, mỗi khóa đào tạo khoảng 6 tháng như các khóa đào tạo hiện nay đang được Cục sở hữu trí tuệ và các cơ sở đào tạo lớn tổ chức; Về nguồn lực giảng viên gồm có một số chuyên gia thuộc Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Bản quyền tác giả, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Hội Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, do đó, liên tục trong 10 năm, mỗi năm sẽ tổ chức 04 khóa đào tạo chuyên gia về sở hữu công nghiệp và 02 khóa đạo tạo chuyên gia về quyền tác giả và quyền liên quan cho 50 người/khóa sẽ hoàn thành mục tiêu về đào tạo của Chương trình đề ra.
Thứ hai, đến năm 2025 có tối thiểu 40% sản phẩm và đến năm 2030 có tối thiểu 60% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.
Thời gian qua, trong quá trình tổ chức triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận được nhiều đề xuất hỗ trợ bảo hộ cho các sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm chủ lực được phê duyệt của địa phương, tuy nhiên, do việc cân đối nguồn lực từ ngân sách nhà nước ở Trung ương và địa phương còn một số khó khăn, đến nay, chỉ có khoảng 20% trong tổng số sản phẩm này đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Dự kiến, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ bảo hộ cho các sản phẩm quốc gia, sản phẩm liên vùng, sản phẩm đáp ứng tiêu chí bảo hộ chỉ dẫn địa lý, các sản phẩm còn lại sẽ do các địa phương chủ động cân đối và huy động các nguồn lực khác từ xã hội để triển khai, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tư vấn, hỗ trợ về chuyên môn sở hữu trí tuệ.
Thứ ba, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trung bình 8 - 10%/năm.
Theo Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đồng thời đáp ứng hai điều kiện: Dấu hiệu sử dụng làm nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được, có thể là dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ảnh ba chiều hoặc kết hợp các yếu tố trên, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc; Dấu hiệu đó có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Nguyễn Văn Bảy cùng Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng Hà Đức Hùng tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hoạt động sở hữu trí tuệ
Nhãn hiệu phải đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Chủ sở hữu có toàn quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ.
Như vậy, với các mục tiêu cụ thể của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, đã tạo ra một cơ hội thuận lợi cho các bạn trẻ khu vực nông thôn tham gia khởi nghiệp, nhất là trong việc tham gia các khóa đào tạo về sở hữu trí tuệ và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.
Thanh Tú