Nhiều nước công bố giải pháp giải cứu nền kinh tế trước dịch Covid-19

Thứ năm, 28/05/2020 - 14:10

Để khôi phục nền kinh tế hậu Covid-19, nhiều quốc gia tiếp tục đưa ra các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động...

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã và đang tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội thế giới, từ y tế, sức khỏe, giáo dục đến kinh tế. Khôi phục nền kinh tế hậu Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động tiếp tục là một trong những trọng tâm được Chính phủ nhiều nước chú trọng vào lúc này. Đáng chú ý là một số gói hỗ trợ vừa được một số Chính phủ như Australia, Nhật, Pháp và Anh công bố trong 24 giờ qua.

Nhằm hỗ trợ người lao động, Thủ tướng Australia - Scott Morrison, ngày 26/5, đã công bố một danh sách dài các ưu tiên trong chương trình tạo việc làm mới có tên là “Xây dựng Việc làm” (JobMaker), bao gồm cải cách giáo dục và đào tạo kỹ năng, giảm bớt các quy định, tập trung phát triển năng lượng và tài nguyên.

Theo Thủ tướng Scott Morrison, đại dịch Covid-19 đã tạo ra “môi trường kinh tế trong nước và toàn cầu đầy thách thức nhất kể từ thời chiến tranh”, nhưng Australia sẽ không rơi vào vòng xoáy của chủ nghĩa bảo hộ.


(Ảnh minh họa: THX/TTXVN)

“Chúng ta cần một kế hoạch “Xây dựng việc làm” nhằm mang lại thành công cho nên kinh tế. Khi chúng ta cài đặt lại sự tăng trưởng, kế hoạch Xây dựng việc làm sẽ đảm bảo tương lai của đất nước và đặt con người làm trung tâm.

Chúng ta vẫn sẽ là một đất nước Australia cởi mở, hướng ngoại, có chủ quyền và tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta sẽ không rơi vào vòng xoáy bảo hộ"- Thủ tướng Scott Morrison nhấn mạnh.

Với mong muốn khởi động lại nền kinh tế vốn chịu tác động nặng nề sau khi thuế tiêu dùng tăng hồi năm ngoái và tiếp theo là đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động kinh doanh đều bị ngừng trệ, Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định khôi phục ngành du lịch, xem đây là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế.

Theo sáng kiến "Đi du lịch' (Go To Travel), Chính phủ Nhật Bản sẽ trợ cấp tới 20.000 yen, tương đương 185 USD/ngày cho người dân đi du lịch. Sáng kiến này dự kiến bắt đầu được triển khai vào cuối tháng 7 tới, áp dụng đối với người dân đặt tour du lịch qua các công ty du lịch Nhật Bản hoặc đặt trực tiếp với khách sạn hay các nhà trọ truyền thống ở nước này.

8 tỷ euro là số tiền mà Chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẵn sàng chi ra để nhanh chóng vực dậy ngành công nghiệp ô tô của nước này, đưa Pháp trở thành quốc gia dẫn đầu châu Âu trong lĩnh vực xe điện.

Phát biểu khi đến thăm một nhà máy chế tạo ô tô ở Ê-ta-plơ, miền Bắc Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Đây là bước đi đầu tiên hỗ trợ yêu cầu từ phía doanh nghiệp và cũng là bước đi chưa hề có tiền lệ. Hiện chưa có một quốc gia nào có hệ thống hỗ trợ đầy tham vọng từ phía nhà nước cho lĩnh vực xe ô tô điện và xe hybrid như ở Pháp".

Bộ Tài chính Anh hôm 27/5 cũng cho biết, chính phủ nước này sẵn sàng hỗ trợ các công ty bị ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, tuy nhiên nhấn mạnh sự hỗ trợ này sẽ chỉ được cung cấp như “giải pháp cuối cùng”.

Theo đó, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp mang tên "Dự án Cây Bạch Dương" (Project Birch) này sẽ chỉ được áp dụng khi một công ty đã cạn kiệt các nguồn tài trợ khác, như các nhà đầu tư hay sự hỗ trợ từ ngân hàng. Với 310 phiếu thuận, 228 phiếu chống và 1 phiếu trắng, Hạ viện Italia tối qua cũng đã chính thức thông qua sắc lệnh Hỗ trợ doanh nghiệp của chính phủ có kinh phí lên tới 750 tỷ euro, tương đương khoảng 822 tỷ USD.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, với số người chết và người lây nhiễm vẫn tăng cao trên thế giới, mọi sự hỗ trợ dù ít, dù nhiều vào lúc này đều vô cùng có giá trị đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây được xem là những liều vaccine hiệu quả giúp doanh nghiệp và các nền kinh tế ứng phó tốt trước những “giông bão” khó lường như đại dịch Covid-19./.

Hồng Nhung/VOV