Nhiều nước xét nghiệm Covid-19 diện rộng

Thứ sáu, 03/04/2020 - 07:45

Nhiều quốc gia đang chuyển hướng sang xét nghiệm Covid-19 diện rộng, với mong muốn nhanh chóng cách ly những người mang virus.

Điều này có thể ngăn chặn sự lây lan và dần cho phép các cửa hàng, công sở, nhà máy hoạt động trở lại.

Với những tổn hại kinh tế do lệnh phong toả gây ra và số lượng ca nhiễm chỉ giảm nhẹ, giới chức và nhà khoa học ở châu Âu đề xuất cách tiếp cận mới dựa trên kinh nghiệm của Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan.

Tại Mỹ, cách ly xã hội vẫn là phương án chủ đạo do năng lực xét nghiệm không đồng đều giữa các khu vực.

Ở Đức, dù số lượng người được xét nghiệm lên tới 500.000 người/tuần, cao nhất trong các quốc gia phương tây, nước này vẫn mong muốn nâng lên 200.000 xét nghiệm/ngày theo báo cáo gửi Thủ tướng Angela Merkel.

Anh cũng đã chuẩn bị 2,5 triệu kit cho chiến dịch xét nghiệm diện rộng và nhắm tới mục tiêu 25.000 xét nghiệm/ngày vào cuối tháng 4. Thuỵ Điển và Áo tăng lên 15.000 xét nghiệm/ngày. Lãnh đạo Đức và Thuỵ Điển thậm chí cân nhắc sử dụng các phòng thí nghiệm thú y để tăng cường hiệu quả.

Các chuyên gia lo ngại về các vấn đề liên quan từ việc thiếu tài nguyên kỹ thuật tới luật pháp, về yêu cầu cách ly trái nguyện vọng của người dân. Nhiều chuyên gia nói rằng cách tiếp cận này đã quá muộn với những khu vực mà virus đã lây lan rộng khắp như châu Âu và Mỹ.

Một dây chuyền sản xuất kit thử Covid-19 tại Hàn Quốc. Ảnh: AFP

Hầu hết các quốc gia vẫn hạn chế chỉ xét nghiệm các trường hợp bệnh nặng như Nhật Bản, Pháp và Ấn Độ.

Tính đến 31/3, Mỹ đã thực hiện tổng cộng 1,1 triệu xét nghiệm Covid-19, theo lời Phó tổng thống Mike Pence.

Tuy nhiên, năng lực xét nghiệm không đồng đều ở các địa phương. New York chỉ ưu tiên xét nghiệm các nhân viên y tế hoặc những người có nguy cơ tử vong cao. Giới chức các bang cũng phản ánh tình trạng thiếu thiết bị để xét nghiệm.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) nới lỏng các quy định hôm 29/2 để cấp phép cho một loạt các xét nghiệm mới. Trong đó có 15 xét nghiệm chẩn đoán và hàng chục xét nghiệm khác đang chờ được thông qua.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cũng cho rằng chỉ dựa vào lệnh phong toả mà không tích cực xét nghiệm sẽ không hiệu quả.

Hàn Quốc là một ví dụ điển hình cho tác động tích cực của xét nghiệm diện rộng. Nước này nhanh chóng kiểm soát được tốc độ tăng ca nhiễm mới. Singapore và Đài Loan sử dụng dữ liệu định vị để xác định những người có tiếp xúc với bệnh nhân và thực hiện xét nghiệm.

Các quốc gia nhỏ và tách biệt sẽ dễ dàng áp dụng biện pháp này hơn cả. Iceland đã xét nghiệm 360.000 người, tương đương 5% dân số và phát hiện ra một nửa số người mang virus không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng lây cho người khác.

Đức mặc dù dẫn đầu về số phòng thí nghiệm công và tư cũng đang vật lộn để tăng cường năng lực xét nghiệm. ‘Nút thắt cổ chai’ chủ yếu đến từ việc thiếu bộ kit xét nghiệm cũng như số lượng phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn thực hiện các quy trình phức tạp, theo lời giáo sư Christian Drosten, một chuyên gia về virus tại Berlin đã tham gia tư vấn cho chính phủ và đồng phát triển bộ xét nghiệm Covid-19 đầu tiên được sử dụng đại trà.

Việc người dân các nền dân chủ phương Tây có sẵn sàng cách ly hay không nếu bị nhiễm Covid-19 cũng là một vấn đề cần quan tâm. Chỉ khoảng 63% công dân Đức sẵn sàng tự cách ly nếu họ biểu hiện triệu chứng Covid-19 và khoảng 41% tin là căn bệnh này nguy hiểm, theo một điều tra thực hiện bởi Cơ quan Quản lý Dịch bệnh Đức.

Công nghệ cũng có thể góp phần tăng năng lực xét nghiệm. Roche Holding, một công ty dược phẩm Thuỵ Sĩ đã phát triển máy xét nghiệm hoàn toàn tự động. Robert Bosch GmbH, công ty sản xuất thiết bị điện tử Đức cũng đã chế tạo thiết bị có thể cho ra kết quả tương đối chính xác trong vòng 2 tiếng rưỡi.

Giới chức Anh cho rằng việc thiếu hoá chất cần thiết có thể làm quá trình xét nghiệm đại trà trở nên khó khăn hơn. Ảnh: Bloomberg

Trong khi đó, công ty Abbott Laboratories ABT của Mỹ có kế hoạch phân phối bộ xét nghiệm nhanh có khả năng phát hiện ra virus và cho kết quả dương tính trong vòng 5 phút, âm tính trong vòng 13 phút.

Các nước lớn có thể cân nhắc thực hiện chiến dịch xét nghiệm có hệ thống trên một quần thể dân cư đại diện để nghiên cứu tính hiệu quả của cách tiếp cận này. Áo, Đức, Anh và Thuỵ Điển đều đang tiến hành các nghiên cứu như vậy.

Hầu hết các chiến dịch đều tập trung vào xét nghiệm PCR để phát hiện vật chất di truyền của virus trong mẫu dịch nhầy từ bệnh nhân. Tuy nhiên xét nghiệm huyết thanh xác định kháng thể của những người đã nhiễm và bình phục đang trở thành vũ khí thứ hai để chống lại dịch bệnh.

Đức, Anh và các quốc gia khác đang chuẩn bị thực hiện xét nghiệm huyết thanh trên diện rộng. Đức dự kiến sẽ thử nghiệm trên 100.000 người bắt đầu từ tháng 4.

Tuy nhiên cũng có nhiều hoài nghi về tính chính xác của xét nghiệm này. Vẫn chưa rõ liệu những bệnh nhân hồi phục sau Covid-19 có xuất hiện miễn dịch với những lần lây nhiễm tiếp theo không. Miễn dịch với các chủng virus corona thường không kéo dài nhiều hơn vài tháng.

Nếu như bệnh nhân có được miễn dịch sau khi hồi phục, xét nghiệm huyết thanh có thể là yếu tố thay đổi tình thế, theo lời giáo sư Cecilia Söderberg-Nauclér từ Viện Karolinska ở Stockholm. Kết quả dương tính cho phép những bệnh nhân đã hồi phục trở lại làm việc và sinh hoạt bình thường, bứt ra khỏi những hạn chế của việc phong toả.

Linh Phan (Theo WSJ)/vnexpress