TNV - Hướng tới ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế) phối hợp khai mạc không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn – Ký ức một triều đại” vào ngày 17/11 tại Toà nhà triển lãm, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số 5 Vũ Phạm Hàm, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội.
Châu bản năm Minh Mạng 19 (1838) cho biết từ đây quốc hiệu nước ta là Đại Nam, nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Triều Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam đã để lại cho hậu thế nhiều di sản quý giá, trong đó có Châu bản. Đây là tài liệu hành chính gốc duy nhất ở Việt Nam và thuộc số ít trên thế giới còn lưu được bút tích phê duyệt trực tiếp của các hoàng đế trên văn bản. Với những giá trị đặc biệt về nội dung và hình thức, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới.
Châu bản triều Nguyễn cho thấy nỗi niềm trăn trở của vua Tự Đức đối với các tướng sĩ nơi chiến trường, văn bản năm Tự Đức 12 (1859), nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Trải qua 143 năm tồn tại (1802 - 1945), triều Nguyễn đã lưu dấu ấn trong lịch sử về thống nhất giang sơn, xác lập chủ quyền, quan hệ bang giao, kiến thiết kinh đô, văn hóa giáo dục, đời sống xã hội, thiết chế hành chính, chế định luật pháp, khoa cử thư tịch…, tất cả đều được phản ánh rõ nét qua Châu bản triều Nguyễn.
Kỵ binh triều Nguyễn, ảnh sưu tầm
Châu bản triều Nguyễn là hệ thống văn bản hành chính được sản sinh trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền triều Nguyễn, bao gồm văn bản do các Hoàng đế ban hành và văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực màu son đỏ. Hệ thống văn bản này được giao cho Nội các triều Nguyễn tập hợp và quản lý thống nhất thành một khối văn thư của triều đình.
Trường thi dưới triều Nguyễn, ảnh sưu tầm
Châu bản triều Nguyễn còn lại hiện nay gồm hơn 86.000 văn bản gốc của 11 triều vua nhà Nguyễn là Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. Trong đó có 10 vị vua để lại bút tích phê duyệt bằng mực son trên văn bản. Hai triều vua không có Châu bản là Dục Đức và Hiệp Hòa.
Đây là khối tài liệu gốc quý giá với thông tin có độ tin cậy cao, nội dung phản ánh hầu như mọi mặt xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn.Năm 2014, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.Năm 2017, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới.
Đại Nam nhất thống toàn đồ vẽ năm 1838, đời Minh Mạng, ảnh sưu tầm
Từ những nội dung trên, trưng bày giới thiệu đến công chúng hàng trăm trang tài liệu đặc sắc được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giớivà nhiều hiện vật tiêu biểu. Trong đó, nhiều văn bản quan trọng lần đầu tiên được công bố.
Một trong những điểm đáng chú ý của trưng bày lần này là không gian thiết kế ấn tượng kết hợp công nghệ trình chiếu, nghệ thuật sắp đặt, làm tôn lên giá trị của tài liệu, hiện vật trưng bày, hứa hẹn đem đến cho người xem những trải nghiệm sống động.Bên cạnh đó, khách tham quan còn được trực tiếp tương tác để tìm hiểu, khám phá thêm nhiều thông tin lịch sử bổ ích, thú vị từ Châu bản.
Khu vực trưng bày đặc biệt thích hợp với học sinh, sinh viên, đem đến cho các bạn trẻ những bài học lịch sử bổ ích nhìn từ Châu bản, từ đó,có thể bổ trợ và làm phong phú thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa trong nhà trường.
Một góc không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn – Ký ức một triều đại”,
Hải Hà
Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I