Nhớ mãi nhà giáo Nguyễn Duy Khương

Thứ ba, 19/11/2019 - 08:39

TNV - Trong ký ức của đồng nghiệp, hình ảnh nhà giáo Nguyễn Duy Khương mãi vẹn nguyên là một người thầy, người cán bộ quản lý giáo dục trách nhiệm, nhiệt huyết và tận tâm với sự nghiệp trồng người.

Nhà giáo Nguyễn Duy Khương (người thứ 3 từ bên phải sang)

Sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội), cậu học trò Nguyễn Duy Khương may mắn hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa là được theo học tại Trường Hoàng Xá (nay là Thị trấn Quốc Oai). Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ, ông dời trường học, hòa mình vào cuộc kháng chiến .

Cách mạng tháng Tám thành công, đầu năm 1946, ông được chủ tịch Ủy ban hành chính xã Phượng Cách giới thiệu ra làm văn phòng ủy ban xã Phượng Cách, năm 1949 làm làm thư kí văn phòng xã đội liên xã Phượng Yên Sơn. Năm 1951, hưởng ứng phong trào xóa nạn mù chữ trong toàn dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, chàng thanh niên tuổi hai mươi Nguyễn Duy Khương tham gia dạy văn hóa cho thanh thiếu niên trong xã. Từ những lớp bình dân học vụ ấy đã nuôi niềm đam mê nhiệt huyết, gắn bó chàng thanh niên ấy với sự nghiêp cao quý – sự nghiệp trồng người.

Sức trẻ, kiến thức, nhiệt huyết cống hiến là tiền đề, động lực để Nguyễn Duy Khương tiếp tục công việc dạy học.Từ năm 1954-1956 mới chính thức được Ty giáo dục Sơn Tây chỉ định làm trưởng giáo, dạy học tại địa phương nhưng vẫn không được hưởng lương.

Ghi nhận những đóng góp của nhà giáo Nguyến Duy Khương, đến năm 1956, ông chính thức được ty giáo dục cử làm hiệu trưởng trường cấp 1 Phượng Cách. Từ khi đảm nhận cương vị mới, ông thấy trách nhiệm của mình càng cao hơn để đưa công tác dạy – học của nhà trường đi vào ổn định, phát triển. Sống, làm việc trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, ông cùng các đồng chí lãnh đạo, tập thể giáo viên, nhân viên đã có nhiều sáng kiến, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ông Bùi Văn Hiển, năm nay 83 tuổi, nguyên giáo viên Trường cấp 1 xã Phượng Cách những năm 1961 – 1964 hồi tưởng lại : “đồng chí Nguyễn Duy Khương luôn tìm tòi, phát huy sáng kiến trong chỉ đạo và gần gũi với giáo viên cũng như nhân dân nên được giáo viên và học sinh, phụ huynh quý mến, tin tưởng. Mặc dù trong những năm gian khổ của đất nước trong công cuộc xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Với lòng nhiệt tình “tất cả vì học sinh thân yêu” cả cuộc đời của đồng chí phấn đấu hy sinh, gian khổ của mình cho sự nghiệp giáo dục của xã”. Trong lời tâm sự của mình, ông Hiển gọi ông Khương là “anh cả”, nên có thơ Nhớ “anh Cả” như sau: Năm mươi tư năm, tình trọn vẹn/ Năm, tháng qua dần, nghĩa chẳng vơi / Nhớ người “anh Cả”, năm xưa ấy / Ghi vào tâm thức, mãi trong tôi.

Ông Đào Văn Phương, năm nay 79 tuổi, dạy học tại Trường cấp 1 xã Phượng Cách từ năm 1961 đến 1964 và từ 1975 đến khi nghỉ hưu năm 1987 cho biết: “Nói đến nhà giáo Nguyễn Duy Khương, ai cũng thán phục bởi tinh thần lãnh đạo và đạo đức của thầy. Một người Thầy giáo mẫu mực về phong cách, lối sống, rất gương mẫu, nguyên tắc nhưng không để mất lòng đồng chí, đồng nghiệp. Thời đó đời sống vô cùng thiếu thốn, khó khăn, chưa có kinh phí chi trả cho giáo viên, chúng tôi ăn cơm nhà nhưng tất cả anh em, nam nữ, già trẻ đều nhiệt tình công tác với ngành mình đã chọn. Sáng ra nhà trường yêu cầu mọi người dậy từ 5h đến tập trung tập thể dục, nghe đọc báo, buổi tối sinh hoạt để phân cấp chuyên môn còn ban ngày thì ai nấy lên lớp theo thời khóa biểu của từng người”.

Khi nhắc đến nhà giáo Nguyễn Duy Khương, ông Đỗ Như Tuệ năm nay 78 tuổi là Chủ tịch ủy ban hành chính xã Phượng Cách trong những năm 1964 – 1968, xúc động nói: “nhớ nhất là nhân cách của thầy, trong lời nói hay việc làm. Ông là người thẳng thắn lời nói đi đôi với việc làm, ông nói gì thì sẽ thực hiện đạt kết quả cao. Từ năm 1965 – 1968 là thời kỳ chúng ta gặp nhiều khó khăn, nhà trường phải đi sơ tán vùng rừng núi, làm được trường rồi nhưng phải có hầm hào sơ tán. Ông giáo Khương là người có trách nhiệm, động viên nhân dân cùng tham gia làm lớp học tạm, đào hào, đắp hầm trú ẩn tại nơi sơ tán đủ chỗ cho 6 – 7 lớp, đảm bảo điều kiện học tập, an toàn cho giáo viên, học sinh.

Trao đổi với chúng tôi, nhà giáo Đào Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phượng Cách cho biết: Trong truyền thống của nhà trường, tôi nhớ nhất hai vấn đề liên quan đến cố nhà giáo Nguyễn Duy Khương là trước khi thành lập trường, trong những năm 1954, 1955, ông là 1 trong 3 người dạy học không công trong làng và Liên tục từ 1961-1962 đến 1970-1971trường cấp 1 Phượng Cách liên tục là trường tiên tiến và đặc biệt từ 1964-1965 đến 1970-1971 trường cấp 1 Phượng Cách được UBHC tỉnh công nhận là đơn vị Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa. Tiếp nối những truyền thống đó, các thế hệ thầy và trò nhà trường luôn thi đua dạy tốt – học tốt, trong giai đoạn gần đây, từ năm 2010 đến nay nhà trường liên tục được công nhận là tập thể lao động xuất sắc cấp thành phố.

Nhà giáo Đào Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phượng Cách đại diện lãnh đạo
nhà trường nơi Nhà giáo Nguyễn Duy Khương từng công tác trao đổi, thông tin với phóng viên.

Ngoài nhiệm vụ chính là quản lý, dạy học tại trường, nhà giáo Nguyễn Duy Khương còn được tín nhiệm cử tham các nhiệm vụ khác như: tham gia Hội đồng nhân dân xã, Hội thẩm nhân dân huyện từ năm 1960 – 1963, năm 1963 tham gia Ban chấp hành công đoàn giáo dục huyện Quốc Oai. Từ năm 1964 đến 1967 tham gia làm Chánh thư kí công đoàn giáo dục huyện Quốc Oai. Trong thời gian này, ông đã cùng ban chấp hành công đoàn huyện phát động phong trào thi đua dạy tốt học tốt trong giáo viên cấp 1, 2 và 3. Phong trào thi đua phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi; phong trào phấn đấu trở thành trường tiên tiến và tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa; phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng: bóng đá, bóng chuyền, hội diễn văn nghệ…

Những thành tích nổi bật trong lãnh đạo, dạy học và tham gia các nhiệm vụ khác của ông cùng nhà trường đã được các cấp, ngành giáo dục khen thưởng như: từ năm 1958 - 1960 được Ty giáo dục và UBHC tỉnh Sơn Tây cấp bằng khen và huy chương về thành tích giảng dạy và công tác.Từ năm học 1961-1962 đến năm học năm học 1972 – 1973, ông được UBHC tỉnh Sơn Tây, tỉnh Hà Tây liên tục công nhận là Chiến sĩ thi đua của ngành giáo dục.

Trong dòng hồi tưởng của những “nhân chứng sống”, nhà giáo Nguyễn Duy Khương, luôn ngời sáng nhân cách cao đẹp của một người thầy tâm huyết, mẫu mực, dành trọn cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo.

Tiếp nối tấm gương mẫu mực của Người cha, những người con của ông hiện nay là những giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục hoặc công tác liên quan đến ngành giáo dục luôn giữ ngọn lửa truyền thống gia đình mà nhà giáo Nguyễn Duy Khương đã dày công gây dựng.

Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 đang tới gần, những tấm gương như nhà giáo Nguyễn Duy Khương vẫn sẽ mãi được nhắc nhớ về nhân cách, sự tận tâm, những cống hiến cả đời vì sự nghiệp giáo dục, là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Tô An  – Quang Văn