TNV - Vào buổi tối đêm trăng rằm tháng 8, trẻ em dìu dắt nhau từng đàn từng lũ rước đèn, đánh trống, thậm chí dùng cả xoong nồi đánh vang cả đường phố, đường làng... là những kí ức không thể nào quên của nhiều người.
Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ.
Theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.
Tết Trung Thu có nguồn gốc văn minh nông nghiệp của dân tộc Việt. Thời điểm này khí trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch, người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi.
Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, ban ngày làm cỗ gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm đủ các màu sắc, sặc sỡ, xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành hình các bông hoa, nặn bột làm con tôm, con cá ...
Đồ trẻ con chơi trong Tết này toàn là các thứ bồi bằng giấy như là: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm cá, bươm bướm, bọ ngựa, cành hoa, giàn mướp, đèn cù, ông nghè đất, con thiềm thừ,... những năm gần đây còn có nhiều đồ chơi bằng nhựa, bằng sắt...
Trẻ em tối đêm rằm dìu dắt nhau từng đàn từng lũ, đám thì nhảy ô, đám thì kéo co, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh vang cả đường phố, đường làng...
Vào dịp Tết Trung Thu, cha mẹ bày cỗ cho các con để mừng Trung Thu, mua và làm nhiều loại lồng đèn thắp bằng nến, treo trong nhà và hoặc tổ chức cho trẻ em rước đèn.
Cũng trong dịp này, mọi người mua bánh Trung Thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác.
Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người dân ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.
Tết Trung thu là tết thiếu nhi nhưng cũng là dịp dành cho người lớn nhớ về tuổi thơ của mình. Tôi nhớ tết trung thu những năm tuổi thơ ở mảnh đất biết bao kỷ niệm luôn hào hứng tự làm lấy những lồng đèn hình ngôi sao, những đứa bạn trạc tuổi xách đèn dạo quanh xóm làm rực sáng cả những ngóc ngách.
Tôi nhớ tết trung thu những năm 1986, mỗi khi được nhận một chiếc bánh giống bánh trung thu hôm nay nhưng kích cỡ rất nhỏ, vài cái bóng bay, ít cục kẹo… mấy anh em vui lắm, chia nhau rồi giữ lại để ngày hôm sau khoe với bạn bè.
Tết trung thu bây giờ nhiều lồng đèn các loại, nhiều bánh trung thu sang trọng, nhiều món ngon hơn nhưng không rõ tại sao trong tôi chỉ luôn nhớ về trung thu của những ngày còn nhỏ. Vẫn có cảm giác thích tự làm lấy lồng đèn để các con được vui, có dịp hồi tưởng về những năm tuổi thơ.
Trong những ngày này, kỷ niệm về tuổi thơ trong tôi ùa về, hình ảnh mái trường tranh tiểu học, gia đình, cả niềm vui bên những đứa bạn cùng tuổi tay xách lồng đèn, cùng tiếng nói, tiếng cười rộn cả đường làng.
Trung thu của ngày xưa ấy tôi cất ở một góc nhỏ trong trái tim để thi thoảng bỏ ra lau chùi và nhìn lại.
Nguyễn Ngọc