Nhiều năm qua, các cấp chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực giúp người dân thoát nghèo. Tuy nhiên, do đặc thù địa lí hiểm trở nên cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn…
Nhóm thiện nguyện bàn giao công trình đến thầy, trò trường Tiểu học Phục Quốc
Hăm hở đến với các em học sinh thân yêu nơi đây, chúng tôi đã khởi hành từ lúc 4h30 phút sáng. Sau hơn 8 tiếng đồng hồ trên xe ô tô với những con đèo cao cua gấp khúc, sau đó tăng bo bằng xe máy và chạy bộ qua nhiều đoạn dốc thẳng đứng, chỉ vừa một người đi, nhóm thiện nguyện đã đến được Trường Tiểu học Phục Quốc.
Nhóm trải qua chặng đường vất vả là vậy, nhưng việc đó cũng quá đỗi bình thường so với sự gian khó của các học sinh nơi đây. Để tìm đến với “con chữ”, mỗi sáng, các em học sinh phải vượt qua hành trình hết sức gian khổ, khi nhà cách xa điểm trường được tính bằng quả đồi, hành trang đi học là những túi cơm được đựng bằng lá chuối và túi nilon cũ. Hôm nào đi học không may túi bục hay lá rách, các em phải nhịn đói. Quanh năm thức ăn chỉ là “mèn mén”( Ngô trộn cơm nhão). Con em đồng bào ở đây hầu hết là người dân tộc Mông và Dao. Phần lớn người dân nơi đây đều thuộc hộ nghèo, thiếu thốn cả ăn lẫn mặc.
Niềm vui của học sinh và người dân khi được nhóm bàn giao công trình và tặng những món quà ý nghĩa
Trước đó, khi nhóm đi tiền trạm tìm địa điểm trao tặng, trao đổi với chúng tôi, thầy Hoàng Văn Liêm quyền Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường học được xây dựng năm 2015 nhưng chưa có nhà vệ sinh. Bất kể mùa nắng hay mưa, thầy và trò muốn đi vệ sinh phải “đào hố” đi tạm, sau này thì “quây bạt” xung quanh để làm nhà vệ sinh. Mùa mưa thì có nước để dùng, mùa khô phải gánh nước cách vài ki lô mét mang về. Trường mong muốn có một nhà vệ sinh để cho thầy trò đỡ khổ.
Mong muốn của thầy đã tiếp thêm động lực cho nhóm thiện nguyện, lần này chúng tôi lên đây để bàn giao và đưa vào sử dụng công trình thiết thực với cuộc sống tới toàn thể nhà trường.
Với mục tiêu dự án mang tính lâu dài, thiết thực trong cải thiện cuộc sống đến trẻ em vùng cao, nơi có địa hình hiểm trở, cách xa khu trung tâm, điều kiện đường xá đi lại đặc biệt khó khăn là tất cả tâm nguyện của nhóm thiện nguyện khi hành trình đến với huyện Thông Nông.
Chính vì vậy, công trình tuy nhỏ bé nhưng là cả tấm lòng nhóm thiện nguyện muốn mang đến nhà trường, một món quà ý nghĩa với thầy, cô và các em học sinh. Công trình gồm 2 phòng vệ sinh riêng cho nam và nữ, 1 phòng tắm và 1 phòng vệ sinh có bệ đứng cho học sinh nam.
“Trong dự án lần này nhóm đã nhận được sự hỗ trợ của tất cả mọi người trong và ngoài công ty. Đây cũng là một trong các công trình nằm trong hoạt động vì cộng đồng mà nhóm muốn gửi tới bà con vùng cao nhằm góp phần vào sự nghiệp trồng người tại địa phương. Từ nay tập thể nhà trường phần nào sẽ giảm thiểu được rủi ro về sức khỏe vào mùa đông; đồng thời tập thói quen vệ sinh sạch sẽ cho các em học sinh” - Anh Trần Ngọc Anh, trưởng nhóm chia sẻ tại lễ bàn giao.
Công trình tuy nhỏ bé nhưng sẽ là món quà ý nghĩa đối với thầy, trò trường Tiểu học Phục Quốc
Trao đổi về sự khó khăn của huyện, ông Vương Văn Thuận - Phó Chủ tịch huyện Thông Nông cho biết: Thông Nông có tổng diện tích tự nhiên là 356,7km². Dân số toàn huyện trên 24 nghìn người, là nơi cư ngụ của 5 dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh. Kinh tế của huyện còn khó khăn, đang phải thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 30/A/2008/NQ-CP của Chính phủ. Những năm qua, huyện đã có nhiều nỗ lực tập trung vào phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần người dân. Tuy nhiên, do đặc thù, đặc điểm, vị trí địa lý cũng như ít lợi thế nên kinh tế xã hội phát triển chậm. Hạ tầng phục vụ phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu. Năm học này, toàn huyện có 14 trường phổ thông cơ sở và Tiểu học với 60 điểm trường và 4.946 học sinh. Hiện nay, cơ bản các điểm trường đã được xây dựng kiên cố hoá. Song cơ sở vật chất chưa đồng bộ, còn thiếu phòng công vụ, phòng chức năng... và đặc biệt là thiếu đến 52/60 điểm trường chưa có nhà vệ sinh.
Từ khi thành lập, nhóm thiện nguyện VAECO HAN đã trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa, thiết thực tại các địa phương như: Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội; Trường Tiểu học Võ Thị Sáu xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; Bệnh viện Nhi Trung ương ; Bệnh viện Bỏng Quốc gia.... Đặc biệt tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, nhóm thường xuyên hoạt động định kỳ vào thứ Bảy hàng tuần với số lượng 100 suất cơm cho bệnh nhân nghèo( 25.000 đồng/1 người).
Thời gian tới, nhóm thiện nguyện tiếp tục truyền tải những thông điệp ý nghĩa tới đồng bào vùng sâu, vùng xa khu vực miền núi phía Bắc…
Tiến Phúc