TNV - Luật Du lịch được Quốc hội thông qua năm 2005 và Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được triển khai đồng bộ, thể hiện vai trò định hướng quan trọng trong thực tế. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các quy hoạch phát triển vùng du lịch tạo cơ sở cho định hướng phát triển du lịch các vùng trên cả nước.
Giai đoạn 2010 - 2015, khách quốc tế đến duy trì được đà tăng trưởng với mức tăng trung bình hàng năm cao hơn so với giai đoạn 2006 - 2010 (9,48% so với 8,95%), tăng hơn 1,57 lần. Năm 2015, ngành du lịch đã phục vụ trên 7,94 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 57 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 338.000 tỷ đồng. Trong 07 tháng đầu năm 2016, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 5.552.635 lượt (tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015); khách du lịch nội địa ước đạt 38,2 triệu lượt khách (khách lưu trú đạt 18,4 triệu lượt); tổng thu từ khách du lịch đạt 234.978 tỷ đồng (tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2015).
Theo Báo cáo tác động kinh tế của ngành du lịch của Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), năm 2015, ngành du lịch Việt Nam đóng góp trực tiếp 6,6% GDP, tổng đóng góp 13,9% GDP, 5,2% tổng số việc làm. Về giá trị tuyệt đối, đóng góp của du lịch Việt Nam xếp hạng 40 thế giới; về giá trị tương đối (tỷ lệ đóng góp so với GDP), du lịch Việt Nam xếp hạng 55 trên thế giới. Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 năm 2011-2015, xuất khẩu dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của nước ta, trong khoảng 67-71% (năm 2015 tính sơ bộ khoảng 7,3 tỷ đô-la Mỹ).
Ngành du lịch đã thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư của xã hội để phát triển hệ thống sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược vào các khu vực có ý nghĩa trọng điểm quan trọng đối với du lịch Việt Nam như Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang và một số địa bàn khác với các dự án với quy mô lớn, tạo ra động lực, là đòn bẩy cho sự phát triển du lịch của cả vùng. Đầu tư của các tập đoàn như VinGroup, SunGroup, Mường Thanh, FLC, BIM, Tuần Châu... đã góp phần hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại tại nhiều địa phương như chuỗi khách sạn Vinpearl Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long, hệ thống cáp treo tại Đà Nẵng, Sa Pa, hệ thống khách sạn Mường Thanh tại trên 30 tỉnh/thành trên cả nước. Sự gia tăng các khu vui chơi giải trí, khách sạn có quy mô và chất lượng mang tầm cỡ quốc tế (4-5 sao) đã góp phần tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao và hiện đại.
Đóng góp chủ lực của các nhà đầu tư chiến lược của Việt Nam còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài và người Việt Nam chủ động tất cả các khâu của quá trình cung ứng dịch vụ du lịch, tạo nhiều cơ hội về việc làm, góp phần đảm bảo các lợi ích xã hội khác.
Số lượng các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và cơ sở lưu trú phát triển mạnh mẽ. Hiện nay cả nước có 1.555 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng gần 1,7 lần trong giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng trung bình đạt 11%/năm. Tổng số lượng cơ sở lưu trú là hơn 20.100 cơ sở với 400.000 buồng, trong giai đoạn 2010-2015 tăng hơn 1,5 lần, tốc độ tăng trung bình chung đạt 9%/năm cả về số cơ sở và số buồng. Đáng lưu ý, trong giai đoạn 2010-2015, số lượng các khách sạn từ 3 đến 5 sao tăng cao hơn mức tăng trung bình chung (tăng 16% đối với khách sạn 5 sao, 14% đối với khách sạn 4 sao và 13% đối với khách sạn 3 sao). Đến tháng 5/2016, cả nước đã có 101 khách sạn 5 sao, 229 khách sạn 4 sao và 463 khách sạn 3 sao. Hiệp hội Du lịch, trong đó có Hiệp hội Lữ hành và Hiệp hội Khách sạn từng bước được kiện toàn, đi vào hoạt động ổn định.
Trên cơ sở Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành du lịch đã tập trung khai thác, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dựa trên 04 dòng sản phẩm chủ đạo (du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, du lịch gắn với thiên nhiên và du lịch thành phố). Việc đầu tư phát triển sản phẩm, phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật theo định hướng tập trung, đồng bộ đã góp phần hình thành rõ hơn các vùng động lực phát triển của du lịch Việt Nam gồm: Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng – Ninh Bình; Quảng Bình -Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Khánh Hòa - Lâm Đồng; Bình Thuận - Bà Rịa-Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh - Kiên Giang (Phú Quốc). Việc liên kết hỗ trợ phát triển giữa các địa phương đã được quan tâm hơn, triển khai đồng bộ và thiết thực hơn, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa giữa các vùng động lực và các địa phương lân cận.
Sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không, mặt đất và các cảng biển cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở vật chất ngành du lịch đã góp phần kết nối điểm đến du lịch Việt Nam và quốc tế. Tốc độ tăng trưởng trung bình về lưu lượng hành khách qua các cảng hàng không tăng 16%/năm trong giai đoạn 2005-2015, đạt 63 triệu lượt năm 2015, tăng 24,30% so với năm 2014.
Hiện nay đã có 52 hãng hàng không quốc tế từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ với 54 đường bay quốc tế kết nối với Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Nha Trang. Bên cạnh đó, phải kể đến sự tham gia vào thị trường hàng không của các hãng hàng không giá rẻ như AirAsia Berhad, Jetstar Asia, Tiger Airways, Thai AirAsia, Cebu Pacific, Lion Air, Indonesia AirAsia... đã đem lại cơ hội đi du lịch thuận lợi cho du khách. 48 đường bay nội địa hiện nay đã kết nối chặt chẽ các điểm đến du lịch trong cả nước bằng đường hàng không.
Ngoài ra, hệ thống đường cao tốc được xây dựng và nâng cấp trong cả nước đã góp phần đi lại thuận tiện cho khách du lịch, nâng cao khả năng kết nối và liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, đem lại sự lựa chọn sản phẩm du lịch đa dạng cho du khách. Sự phát triển giao thông đường bộ đã mang lại cơ hội lớn cho các khu vực nhiều tiềm năng nhưng gặp nhiều khó khăn như vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát triển du lịch giúp cộng đồng các địa phương tự hào về những giá trị, bản sắc của mỗi địa phương, tham gia vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị của cộng đồng và của dân tộc, được tạo cơ hội và được chia sẻ lợi ích từ những giá trị do du lịch đem lại, góp phần phát triển cộng đồng địa phương. Đối với vùng sâu, vùng xa, gặp nhiều khó khăn và với các nhóm xã hội hạn chế về điều kiện phát triển, du lịch đã đem đến những cơ hội quan trọng cho các mục đích như thu nhập bình đẳng, bảo vệ xã hội, bình đẳng giới, phát triển cá nhân và sự tham gia vào xã hội của mỗi cá nhân. Thông qua du lịch quốc tế, bạn bè trên thế giới hiểu biết thêm về Việt Nam, góp phần đưa hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam ra thế giới, củng cố tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.
Nhận thức xã hội đối với phát triển du lịch tiếp tục có những chuyển biến quan trọng. Du lịch ngày càng được xã hội nhận thức là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, có tính liên ngành, liên vùng và nội dung văn hóa sâu sắc, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, thúc đẩy hội nhập quốc tế và ổn định xã hội một cách bền vững. Khi coi du lịch là một ngành kinh tế, trong quá trình xây dựng các chính sách, yêu cầu tôn trọng các quy luật kinh tế chung và và quy luật kinh tế đặc thù của ngành du lịch đã được chú trọng hơn.
B.Hạnh