“Vì tâm lý muốn thoát nghèo nên ba các con luôn nghĩ cách kiếm thật nhiều tiền” - bà Hai. Dù có gia cảnh giàu sang, ấm êm nhất trong số 5 người con của bà Hai nhưng Hai Khôn lại là người có ít hạnh phúc nhất. Hai Khôn xoay vần trong áp lực công việc và vô tình khiến các con tổn thương, đáng mất tuổi thơ của mình. Thế nhưng Hai Khôn không hoàn toàn đáng trách, khi áp lực của người con cả và người trụ cột gia đình đã buộc anh trưởng thành sớm, ám ảnh với việc kiếm tiền để giúp gia đình, người thân có cuộc sống dễ dàng, thoải mái hơn.
“Cứ cái gì hư là tại em. Bộ một mình em đẻ ra nó à?” - Mai, vợ Hai Khôn. Xung đột trong gia đình Hai Khôn còn bắt nguồn từ người vợ Mai. Cô là người phụ nữ giỏi giang, đảm đang việc nhà nhưng cũng vì thế mà chịu vô vàn áp lực. Bản thân Mai cũng kì vọng nhiều ở các con, vô hình trung khiến chúng rơi vào khổ đau. Khi nảy sinh mâu thuẫn, Mai đã “xả” hết nỗi lòng, trong đó có sự ức chế khi phải một mình gồng gánh việc nhà.
“Mình già rồi nên phải tự kiếm niềm vui cho mình” - Hiền, hàng xóm bà Hai. Là nhân vật phụ, không có nhiều đất diễn nhưng bà Hiền (hàng xóm của bà Hai) có vai trò quan trọng chẳng kém cạnh. Bà Hiền xem bà Hai như người bạn già, đối xử với bà rất tốt. Bà thấu hiểu nỗi buồn và cô đơn của bà Hai khi chịu cảnh nhà cửa đơn chiếc, bởi lẽ bà Hiền cũng có con. Hai người phụ nữ tuổi “xế chiều” sống 1 mình trong ngôi nhà rộng lớn là hình tượng xót xa, khiến khán giả không khỏi xúc động. Song, cũng bà Hiền là người đã giúp bà Hai chấp nhận tự yêu thương chính mình thay vì cứ đợi chờ các con nơi phương xa.
“Con thấy hình như là biển chọn con” - Tư Hậu. Tư Hậu là người con đặc biệt của bà Hai, có tính cách hào sảng, hài hước nhưng lại chọn công việc nguy hiểm nhất. Những ngày bôn ba ngoài biển của Tư Hậu là những ngày mà vợ chồng, bố mẹ anh sốt ruột nhất. Tư Hậu cảm thấy như biển cả đã chọn mình, tuy có công việc đứng ở rìa sinh tử nhưng nó lại tạo điều kiện cho anh gặp vợ, xây dựng tổ ấm riêng.
“Nếu có thể, hãy cho bản thân thêm một cơ hội khác, nghe con!” - bà Hai. Bà Hai hiểu rằng mỗi người đều có sứ mệnh riêng và Tư Hậu cũng vậy. Thế nhưng, bà Hai không khỏi khuyên nhiều thêm 1 câu, đơn giản mong muốn con của mình có cuộc đời bình an, hạnh phúc bên cạnh gia đình của mình. Đó là điều ước đơn thuần và chan chứa tình cảm của người mẹ dành cho con.
“Do làm ăn thất bại nên con không dám về nhà. Con sợ mẹ thất vọng về con” - Năm Thảo. Năm Thảo đã chịu nhiều cực khổ cùng chồng khi phải đi làm thuê, thế nhưng lại nói dối mẹ và các anh chị em rằng mình rất giàu sang. Khoảnh khắc bị mẹ phát hiện sự thật, Năm Thảo khóc hết nước mắt, mong ông bà chủ và nhất là mẹ tha lỗi cho mình. Thế nhưng bà Hai thật ra đã biết chuyện từ lâu, và bà không bao giờ trách móc con của mình. Bà đã rơi lệ chỉ vì xót xa con gái đã chịu khổ suốt thời gian qua.
“Giàu cha giàu mẹ thì ham. Giàu anh giàu chị ai làm nấy ăn” - Sáu Tâm. Tuy là em út nhưng Sáu Tâm lại là người thường xuyên có những câu nói để đời, thấu tình đạt lý nhất. Anh là người hiểu rõ chuyện anh em dù yêu thương đến đâu thì cũng sẽ đến lúc mỗi người một nơi, không còn liên hệ nhiều với nhau như trước. Đến nỗi chỉ riêng chuyện mượn tiền mà người mượn khó mở lời, người được mượn… khó cho mượn cơ mà!
“Nếu bà không ở đây thì bao lâu nữa nhà mình mới có một bữa cơm đàng hoàng” - Vy, con gái Hai Khôn. Trong cuộc tranh cãi gia đình Hai Khôn, cô con gái út Vy lại có nhiều chia sẻ khiến khán giả tan nát cõi lòng. Cô và anh trai Huy đã thổ lộ hết nỗi lòng tích tụ nhiều năm qua với bố mẹ. Vy đã rất biết ơn khi sự xuất hiện của bà nội đã giúp gia đình đến gần nhau hơn, khiến Vy thoát khỏi sự hiểu lầm mà bố mẹ không hề chịu lắng nghe cô.
“Con chỉ muốn một lần ba mẹ đặt mình vào vị trí của con. Điểm cao thì mẹ không bao giờ động viên, nhưng điểm thấp thì cả ba lẫn mẹ đè đầu cưỡi cổ ra chửi. Mỗi lần ăn cơm cứ như cơm chan nước mắt vậy” - Vy, con gái Hai Khôn.
Vy và Huy là trường hợp điển hình của những đứa con chịu áp lực thành tích từ bố mẹ, là nạn nhân của “tiger parenting” - hình thức nuôi dạy con khắc nghiệt. Vy đã quá chán và đau đớn bởi những lần bị bố mẹ la mắng trên bàn ăn, và cả tuổi thơ chìm trong lời chỉ trích và nước mắt. Sau cùng, Vy và Huy chỉ hi vọng ba mẹ hiểu cho mình, và đôi khi những đứa con chỉ mong cầu hạnh phúc chứ không phải giàu sang hay điểm số cao.
“Ba xin lỗi vì chỉ biết xây một ngôi nhà đẹp, mà quên việc phải xây một ngôi nhà hạnh phúc” - Hai Khôn. Sau những lời bộc bạch của vợ con, Hai Khôn đã có câu thoại hay nhất nhì trong Lật Mặt 7. Anh thú nhận rằng bản thân đã mải mê kiếm tiền, mắc kẹt trong guồng quay kiếm tiền mà quên mất rằng vợ con và mẹ mình cần lắm hạnh phúc, sự quan tâm và những bữa cơm đông đủ. Lời xin lỗi được thốt ra cũng là lúc gia đình hiểu nhau hơn, cho nhau một cơ hội sửa chữa lỗi lầm.
“Mình già rồi phải tự tìm niềm vui cho mình, chứ trông chờ vào mấy đứa nhỏ đến thì biết đến khi nào?” - Ba Lẹ, chủ trọ Sáu Tâm. Có điểm tương đồng với lời của Hiền, Ba Lẹ - chủ trọ của Sáu Tâm cũng khuyên bà Hai hãy tự tìm niềm vui cho mình. Những đứa con khôn lớn rồi cũng sẽ đi tìm tự do cho bản thân, không thể ở cạnh cha mẹ mãi mãi và mọi lúc. Vì vậy, việc tìm kiếm cho mình một thú vui, sở thích cũng là cách hay để bản thân có cuộc sống vui vẻ, tích cực.
Lật mặt 7: Một điều ước đang trình chiếu ở các cụm rạp toàn quốc.