Những chặng đường phát triển của ngành Thủy sản Quảng Ninh

Thứ bảy, 30/03/2019 - 09:05

Đối với bà con ngư dân và ngành Thủy sản Quảng Ninh, lời căn dặn của Bác “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”, khi Người đến thăm làng cá đảo Tuần Châu vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1959, đã tiếp thêm nguồn lực để bà con ngư dân và ngành thủy sản Quảng Ninh phấn đấu vươn khơi, bám biển, khai thác tiềm năng vô tận của kinh tế biển,gắn với ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thời kỳ trước năm 1975

Sau ngày khu mỏ được giải phóng các làng cá đều tiêu điều, thuyền lưới cũ nát, ngư dân thiếu thuyền thiếu lưới để sản xuất. Ngày 28/2/1963, Ban thường vụ Khu ủy họp hội nghị bàn xây dựng đoàn tàu đánh cá. Ngành thủy sản đã đóng thuyền mới, cải tiến nghề lộng, phát triển nghề khơi; ngân hàng cho ngư dân vay vốn sản xuất, tỉnh thành lập đội tàu đánh cá quốc doanh bằng phương tiện bán cơ giới với đội thuyền 60 tấn 180 mã lực. Năm 1967, ngành Thủy sản Quảng Ninh là lá cờ đầu toàn miền Bắc.

Từ năm 1971-1975, đế quốc Mỹ tiếp tục ném bom đánh phá miền Bắc, thả thuỷ lôi phong toả cảng Hải Phòng, Quảng Ninh... gây khó khăn cho ngư dân Quảng Ninh ra khơi đánh cá. Trước tình hình trên, toàn ngành Thuỷ sản quán triệt tinh thần vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2 của đế quốc Mỹ, sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến lớn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Các đơn vị hải đội, hải đoàn nghề cá sẵn sàng tham gia chiến đấu, ứng phó kịp thời với mọi tình huống xảy ra. Điển hình là quân và dân trên đảo Ngọc Vừng (huyện đảo Cẩm Phả) đã vượt qua thuỷ lôi mở đường liên lạc tiếp tế cho các đảo xa, cứu trên 100 người bị nạn trên biển; hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, trong đó có chiếc máy bay F4 là chiếc thứ 200 bị bắn rơi tại Quảng Ninh.

Trong giai đoạn này, nhân dân Quảng Ninh nói chung và ngư dân thủy sản nói riêng vinh dự được đón Bác Hồ ra thăm đồng báo chiến sỹ và nhân dân làng cá Tuần Châu (01/4/1959), thăm HTX Sáy Nguồn, xã Đoan Tĩnh (Hải Yên), Móng Cái (19/02/1960), thăm đảo Cô Tô (9/5/1961). Từ những động viên to lớn đó, ngư dân trong tỉnh thi đua sản xuất, cá nặng khoang đầy thuyền sau mỗi chuyến ra khơi, cuộc sống mới ấm no phơi phới đi lên.

Giai đoạn 1976-1985

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngành Thuỷ sản Quảng Ninh thực hiện cơ giới hóa nghề cá, bước vào giai đoạn phát triển toàn diện cả về khai thác, nuôi trồng, hậu cần dịch vụ, chế biến và xuất khẩu, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, bước đầu tham gia hội nhập với nghề cá thế giới. Đến năm 1980, cơ bản hoàn thành cơ khí hoá nghề cá; toàn tỉnh có 500 tàu cá các loại, trong đó: 4 tàu 200 CV, 50 tàu 135 CV, 300 tàu 25 CV, 100 tàu 40 CV. Bên cạnh khai thác cá biển, đã phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó phát động phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ”, đẩy mạnh nghề nuôi để hậu cần tại chỗ. Từ đây, nghề nuôi tôm xuất khẩu ở xã Liên Vị (huyện Yên Hưng) phát triển. Ngành Thuỷ sản Quảng Ninh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Trong những năm 1978 – 1980, tình hình có nhiều khó khăn, thiên tai liên tiếp, chiến tranh biên giới phía bắc, sự kiện người Hoa... đã ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và ngành thủy sản. Trước khó khăn đó, ngày 17/3/1983, BTV Tỉnh uỷ ra Nghị quyết đẩy mạnh khai thác, chế biến, nuôi trồng và xuất khẩu thuỷ sản; xác định xuất khẩu thuỷ sản là mũi nhọn của ngành. Đầu năm 1983, chủ trương đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên 3 vùng nước ngọt, mặn, lợ; huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) khởi đầu xây dựng các mô hình nuôi tôm có năng suất cao, trồng rong câu xuất khẩu.

Nghề cá Quảng Ninh được sự quan tâm to lớn của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính Phủ trong đó có Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã về thăm ngư dân trên huyện đảo Cẩm Phả.

Giai đoạn 1986 - 1995

Thời kỳ đổi mới, ngành Thuỷ sản tích cực triển khai sản xuất nhiều hàng thuỷ sản tươi sống, phục vụ khu mỏ và tăng cường xuất khẩu; đẩy mạnh khoán và cải tiến ngư cụ để tăng năng suất, sản lượng. Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh từ 7.000 ha (năm 1990) lên 14.200 ha (năm 1995), trong đó nước mặn lợ 12.300 ha, ngọt 1900 ha.

Nghề rê tôm 3 lớp phát triển mạnh, chiếm 70% lực lượng hộ gia đình ở Móng Cái, Cẩm Phả, Tiên Yên, Hòn Gai và Yên Hưng. Các nghiệp đoàn đánh bắt tôm mạnh nhất ở 2 huyện Yên Hưng và Cẩm Phả. Ngư dân sử dụng ánh sáng điện thay ánh sáng đèn măng sông trong nghề vây rút chì, cải tiến tời kéo lưới, thực nghiệm dùng tàu 33 CV đánh cá bằng lưới rê 3 lớp ở HTX Quyết Thắng (Hồng Gai).

Thành lập 4 chợ cá ở Mũi Ngọc (Móng Cái), Cửa Tiếu, Thanh Lân (Cô Tô), Hạ Mai (Vân Đồn) để tạo điều kiện giúp ngư dân tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích khai thác hải sản, trung bình mỗi ngày có 400 tàu hoạt động.

Đến năm 1994, Quảng Ninh có 3.531 phương tiện đánh bắt, trong đó có 2.924 thuyền gắn máy, tổng công suất 3.200 mã lực. Toàn tỉnh có 5.346 hộ thủy sản chiếm 5,3% số hộ nông thôn. Giá trị SX thủy sản năm 1995: Đạt 110.799 triệu đồng; tổng sản lượng thủy sản đạt 14.830 nghìn tấn.

Giai đoạn 1996 - nay

Giai đoạn 1998 – 2000, Quảng Ninh ưu tiên phát triển nghề cá nhân dân, mở rộng hình thức hợp tác theo đơn vị thuyền nghề, tổ hợp và hợp tác xã nghề cá. Đổi mới hoạt động các doanh nghiệp quốc doanh, tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tỉnh Quảng Ninh có chủ trương: (1) Phê duyệt phương án cổ phần hoá các công ty thuỷ sản; (2) Nuôi trồng thủy sản được xác định là ngành kinh tế thế mạnh, có tiềm năng to lớn (nuôi tôm). Việc đầu tư cho hạ tầng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản nhất là điện, thủy lợi, giao thông được chú trọng; (3) Phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên biển, nuôi ngao trong nhân dân, nuôi trai lấy ngọc....

Nhận thức được tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản, ngày 28/7/2003 Ban thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về “Phát triển kinh tế thủy sản Quảng Ninh đến năm 2010”. Nhờ vậy, kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đã có những bước phát triển mạnh mẽ: Năm 2013, tổng sản lượng thủy sản đạt 88.894 tấn, so với năm 2000 tăng 3,5 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,6%.

Nhằm khai thác, phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên cho phát triển kinh tế thủy sản gắn với củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia trên biển; ngày 06/5/2014 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, kết quả thực hiện như sau:

Đối với phát triển nuôi các sản phẩm chủ lực:

Nuôi tôm : Diện tích nuôi tôm đạt 10.604 ha (tăng 1062 ha so với năm 2013); sản lượng 11.558 tấn là tỉnh đứng đầu các tỉnh phía Bắc; năng suất tôm thẻ chân trắng trung bình đạt 2,8 tấn/ha (tăng 0,6 tấn/ha so với năm 2013), năng suất nuôi tôm sú đạt 0,23 tấn/ha; hình thức nuôi đã chuyển đổi từ nuôi quảng canh/quảng canh cải tiến sang bán thâm canh/thâm canh theo quy mô công nghiệp;

Nuôi nhuyễn thể : Diện tích nuôi nhuyễn thể đạt 3.444 ha (tăng 166 ha so với năm 2013); sản lượng nhuyễn thể đạt trên 23.216 tấn (tăng 13.363 tấn so với năm 2013), năng suất bình quân đạt 6,7 tấn/ha;

Nuôi cá biển: Diện tích nuôi cá biển là 1.796 ha (giảm 255 ha so với năm 2013, do một số diện tích nuôi tại Quảng Yên được chuyển sang mục đích sử dụng khác như thực hiện các dự án xây dựng cảng biển, khu công nghiệp, tuy nhiên vẫn tăng 1.630 ha so với năm 2008) và 9.663 ô lồng (tăng 1.252 lồng so với năm 2013) tập trung ở các địa phương như: Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Cẩm Phả; sản lượng nuôi cá biển đạt 5.615 tấn (tăng 1.854 tấn so với năm 2013);

Nuôi nước ngọt: Sản lượng đạt 10.507 tấn (tăng 2.026 tấn so với năm 2013), năng suất đạt trên 3,3 tấn/ha; hình thức nuôi chuyển từ quảng canh cải tiến sang bán thâm canh, thâm canh theo hướng sản xuất hàng hóa ngày càng cao làm tăng năng suất, sản lượng nuôi.

Các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung đã tăng về quy mô: Vùng nuôi tôm 3.658 ha; nuôi nhuyễn thể 3.700 ha; nuôi cá song 715 ha; nuôi ghẹ 35 ha; nuôi cua kết hợp cá, tôm 5.338 ha; nuôi thủy sản nước ngọt 1450 ha.

Từng bước xây dựng các cơ sở sản xuất giống thủy sản: Năm 2017, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đạt 1.500 triệu con ( tăng 697 triệu con so với năm 2013 ), đáp ứng khoảng 30% so nhu cầu giống thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Đội tàu khai thác thay đổi theo hướng tăng số lượng tàu xa bờ, giảm tàu gần bờ; năm 2017, số lượng tàu công suất từ 90 CV hoạt động xa bờ là 554 tàu (tăng 398 chiếc so với năm 2008); số tàu gần bờ là 7.027 tàu (giảm 4.448 chiếc so với năm 2008). Đã có 35 chủ tàu đóng mới nâng cấp tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên (được ngân sách Tỉnh hỗ trợ lãi suất 6%/năm với tổng số tiền hỗ trợ là 832 triệu đồng).

Hạ tầng khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá được Trung ương và Tỉnh quan tâm đầu tư. Hạ tầng vùng sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản tập trung được một số nhà đầu tư lớn đã và đang triển khai thực hiện các dự án mang tính trọng tâm, trọng điểm theo đúng định hướng phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh…

Sau 15 năm phát triển toàn diện, ngành Thủy sản Quảng Ninh đã có những bứt phá vượt bậc. Năm 2018, tổng sản lượng thuỷ sản 124.326 tấn, gấp 7,9 lần so vớn năm 1995; trong đó khai thác 66.013 tấn, nuôi trồng 58.313 tấn gấp 25 lần so với năm 1995, đưa tổng giá trị ước đạt  10.727,5 tỷ đồng theo giá trị sản xuất hiện hành, đóng góp 53,5% giá trị sản xuất toàn ngành nông lâm ngư nghiệp; tạo việc làm và thu nhập cho trên 62.000 lao động. Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ 14,5% năm 1995 lên hơn 46% năm 2018.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành Thuỷ sản Quảng Ninh đã được Nhà nước đánh giá, ghi nhận thành tích và khen thưởng dưới nhiều hình thức: Danh hiệu Anh hùng Ngành thủy sản cho Hợp tác xã Tiến Thành và Công ty Xuất khẩu Thủy sản II; 01 Huân chương Kháng chiến hạng ba (1975); 01 Huân chương Lao động hạng nhì (1978); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Huy chương “Vì sự nghiệp phát triển Nghề cá”. Đặc biệt có đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới (Công ty Xuất khẩu Thủy sản II Quảng Ninh năm 2003).

Bà con ngư dân Quảng Ninh thu hoạch tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Việt Hoa.

Nuôi trai lấy ngọc ở Vân Đồn. Ảnh: Việt Hoa.


Những đoàn tàu đánh bắt khơi xa. Ảnh: Việt Hoa.

Kiểm tra, phòng bệnh cho ngao nuôi. Ảnh: Việt Hoa.

Hàng năm, tỉnh Quảng Ninh đều chú trọng tổ chức Lễ thả giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản
Vịnh Bắc Bộ
với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ảnh: Việt Hoa.

Phạm Quỳnh (t/hợp)