Những cựu chiến binh thầm lặng góp phần xây dựng Tổ quốc giàu mạnh

Thứ bảy, 27/07/2024 - 09:47

"Vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội. Hương khói đừng quên nấm mộ nào"… Bom đạn và những tiếng súng đã đi qua, có những trái tim quả cảm đã ở lại, hòa vào lòng đất mẹ, có những người còn may mắn sống sót trở về, không chỉ mang trong mình dấu vết của chiến tranh mà còn đau đáu nỗi niềm đi tìm hài cốt...

Những cựu chiến binh thầm lặng góp phần xây dựng Tổ quốc giàu mạnh- Ảnh 1.

Đại tá Vũ Viết Hiền (nguyên Phó chỉ huy tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum) - Ảnh: VGP/TT

Đại tá Vũ Viết Hiền (nguyên Phó Chỉ huy tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum) xúc động chia sẻ, chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức chiến tranh vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của ông. Từng cánh rừng, từng dòng sông, từng mặt trận đi qua, từng mảnh đất đã "nếm mật nằm gai" trên địa giới Việt Nam hay tại nước bạn Lào và Campuchia, cả những gương mặt xa lạ hóa thân quen, ông đều nhớ rõ, khắc  ghi…

Ông Hiền cho biết, ông sinh ra và lớn lên tại tỉnh Hưng Yên. Năm 18 tuổi ông lên đường nhập ngũ. Kể từ đó ông tham gia hầu hết các mặt trận, chiến trường khốc liệt, từ Quảng Trị đến Tây Nguyên để giải phóng Sài Gòn, hay chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1977… Sau đó, ông cùng đồng đội tiếp tục hành quân ra Bắc thực hiện nhiệm vụ. Đến năm 1987 ông quay trở lại chiến trường Tây Nguyên và công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum.

Khi đất nước được hòa bình, cả dân tộc chung tay xây dựng lại đất nước, những người lính như ông vừa tiếp tục làm tròn nhiệm vụ công tác vừa tích cực, nỗ lực quyết tâm tìm lại những đồng đội còn nằm lại trên những chiến trường xưa…

"Tôi cùng đồng đội trong rất nhiều năm qua đã luôn thực hiện tốt công tác thương binh-liệt sĩ. Chúng tôi đã không quản ngại nắng mưa, địa hình hiểm trở, khắc nghiệt và tuổi cao sức yếu để tìm từng dấu tích của các anh chị, các em đã mất. Chúng tôi đã cùng đội K53 thực hiện nhiệm vụ tổ chức triển khai việc quy tập mộ liệt sĩ tại Lào và Campuchia những năm 2002-2005.

Khác với các đồng đội đã ngã xuống nơi đất mẹ, việc tìm kiếm các anh hùng liệt sĩ nơi đất khách vô cùng vất vả và gian khó. Có những dấu tích khắc nhớ trong đầu về nơi các liệt sĩ đã nằm xuống, hay những thông tin được nước bạn cung cấp, chỉ dẫn… nhưng do nhiều yếu tố khách quan và tác động của thời gian đã làm phai dấu đi rất nhiều. Có những khi phải mất hàng tháng trời mới tìm thấy các anh… Mỗi lần tìm thấy và gặp lại là mỗi lần chúng tôi xúc động khôn nguôi và vỡ òa cảm xúc, bởi từ nay các anh không còn phải cô đơn, lạnh lẽo nơi đất khách, được trở về với quê hương, Tổ quốc thân yêu", ông Vũ Viết Hiền bồi hồi kể.

Những năm qua, Đại tá Vũ Viết Hiền cùng đồng đội đã tìm được hàng trăm mộ liệt sĩ đưa về Nghĩa trang Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum). Ông cũng tích cực tham gia tiếp đón hàng trăm gia đình liệt sĩ từ các tỉnh, thành phố đi tìm mộ liệt sĩ. Đặc biệt, ông đã cùng với gia đình thân nhân liệt sĩ trực tiếp tìm đưa được 10 liệt sĩ ở khu vực biên giới và khu vực tác chiến của mặt trận B3 trước đây trở về với quê hương.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-liệt sĩ 27/7, Đại tá Vũ Viết Hiền gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến tất cả các gia đình chính sách, người có công, Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương, bệnh binh… và nhất là sự chỉ đạo, quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước ta trong suốt những năm qua đã tạo điều kiện cho ông và đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Những cựu chiến binh thầm lặng góp phần xây dựng Tổ quốc giàu mạnh- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, sĩ quan cán bộ tác chiến của Trung đoàn 280 Công binh Quân khu 5 - Ảnh: VGP/TT

Khác với Đại tá Vũ Viết Hiền, sau khi "gác tay súng", ông Nguyễn Hữu Nghĩa, sĩ quan cán bộ tác chiến của Trung đoàn 280 Công binh Quân khu 5 đã tích cực tham gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, cũng như góp phần tạo công ăn việc làm cho bà con xung quanh.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nghĩa cho biết, quê ông ở huyện Tuy Hòa 1, tỉnh Phú Yên. Cũng như tất cả thanh niên cùng thời, ông tham gia quân đội từ những năm 1975 và đến 1979, ông sang Campuchia rồi công tác tại đây 10 năm. Đến tháng 11/1988 ông trở về địa phương với sức khỏe của thương binh hạng 4/4 và bệnh binh hạng 2/3.

Khi trở về địa phương lập nghiệp ông gặp rất nhiều khó khăn, sức khỏe đi xuống, cuộc sống phải gây dựng lại từ đầu. Ông quyết định về tỉnh Khánh Hòa lập nghiệp với ý chí, nghị lực của người lính bộ đội cụ Hồ "tàn nhưng không phế".

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa đã nỗ lực khắc phục, vượt qua mọi khó khăn để làm giàu, phát triển kinh tế, với quan điểm không ngồi chờ chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, với tinh thần luôn chủ động, cộng với bản lĩnh của người lính quân đội nhân dân Việt Nam "khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng", từ khó khăn, gian khổ mà trưởng thành...

Với ông Nghĩa, những khó khăn này chỉ là việc nhỏ, đã là người lính dù trong thời chiến hay thời bình cũng đều phải sẵn sàng "tác chiến, thích nghi và thức thời".

"Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm. Vì vậy vợ chồng tôi đã tìm mọi nguồn lực để vừa phát triển kinh tế, vừa làm sao cho phù hợp với điều kiện sức khỏe của mình. Sau khi ra Khánh Hòa sinh sống, tôi cùng vợ đã tập trung phát triển ngành cơ giới nặng. Từ đó đến nay tôi cũng đã trải qua nhiều nghề nghiệp khác nhau để thích nghi với điều kiện, thời cuộc. Sau 30 năm, tôi cũng đã hái được trái ngọt khi là chủ của một doanh nghiệp nhỏ của huyện Ninh Hòa, vừa kinh doanh khách sạn nghỉ dưỡng, vừa phát triển sản xuất nông nghiệp", ông Nguyễn Hữu Nghĩa chia sẻ thêm.

Trước đây ông Nghĩa cùng gia đình đã có khoảng 10 năm phát triển ngành cơ giới nặng. Thời điểm đó ngành nghề này rất phát triển, doanh nghiệp của ông cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng, với lượng công nhân lên đến 50 người. Nhưng, do sức khỏe yếu dần nên ông chuyển sang làm kinh doanh dịch vụ lưu trú, đầu tư vào mảng khách sạn nghỉ dưỡng.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Nghĩa còn đầu tư vào khu trang trại chăn nuôi, trồng trọt có diện tích khoảng 5.000 m2, với nhiều loại cây, con phong phú, đa dạng, mang lại thu nhập khá. Nhờ vậy mà ông đã nuôi 3 người con ăn học đầy đủ, có công ăn việc làm ổn định, đồng thời tạo việc làm cho người dân địa phương.

Thành quả của những người lính phục viên trở về quê hương lập nghiệp như ông Nguyễn Hữu Nghĩa đã góp phần tiếp tục xây dựng đất nước, Tổ quốc ngày càng giàu đẹp.

Thiện Tâm/Chinhphu