Việc sở hữu một chiếc xe cũ để phục vụ nhu cầu đi lại hàng ngày, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, là lựa chọn phù hợp với túi tiền của số đông. Thế nhưng, không ít người sau khi “xuống tiền” mới vỡ lẽ vì chiếc xe vừa mua hóa ra từng được sử dụng quá nhiều hoặc có lịch sử không rõ ràng, dẫn đến chi phí sửa chữa, bảo dưỡng đội lên đáng kể.
Theo kinh nghiệm mua bán xe từ các showroom ô tô cũ, giá trị của một chiếc xe bình dân có thể giảm từ 10–15% chỉ sau một năm đầu sử dụng, và có thể mất đến 35–40% sau 5 năm. Thế nhưng, mức giá thấp không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với một món hời, đặc biệt khi người bán cố tình che giấu lịch sử vận hành thật của xe.
Một trong những chiêu trò phổ biến nhất là “tua công tơ mét” – thao tác kỹ thuật nhằm giảm con số hiển thị trên đồng hồ ODO để đánh lừa người mua rằng xe mới chỉ chạy ít. Do đó, việc đánh giá xe chỉ qua số km là không đủ, mà người mua nên dựa vào các chi tiết vật lý, có độ tin cậy cao hơn.
Vô lăng và cần số xuống cấp
Vô lăng và cần số được xem là “nhân chứng thầm lặng” phản ánh mức độ sử dụng thực tế của một chiếc xe cũ. Là hai chi tiết mà người lái luôn tiếp xúc trong suốt quá trình vận hành, các dấu hiệu hao mòn tại đây thường thể hiện khá rõ rệt sau vài chục nghìn km sử dụng. Nếu phần da bọc vô lăng bị trơn bóng, bạc màu, sờn rách hoặc mất độ nhám, đó là tín hiệu cho thấy chiếc xe đã trải qua một thời gian dài sử dụng liên tục.
Những chiếc vô lăng, cần số được sử dụng nhiều đều có độ bóng và bong tróc nhất định
Tương tự, cần số đặc biệt là ở các dòng xe số sàn cũng sẽ xuất hiện tình trạng mòn lớp sơn ký hiệu số, lỏng lẻo hoặc lệch khớp sau khi bị dùng quá nhiều. Ngược lại, trong một số trường hợp người bán cố tình thay vô lăng hoặc bọc lại da mới để tạo cảm giác “xe còn mới”, người mua nên đối chiếu độ mới này với các chi tiết xung quanh như mặt tablo, hốc gió, nút điều khiển để kiểm tra tính đồng đều. Nếu vô lăng và cần số quá mới, trong khi những chi tiết còn lại đã có dấu hiệu lão hóa, người mua hoàn toàn có lý do để nghi ngờ về tính trung thực trong lịch sử vận hành của chiếc xe.
Ghế lái và thảm sàn nhăn nheo, bạc màu
Khu vực ghế lái và thảm sàn dưới chân tài xế là nơi phản ánh chân thực nhất tần suất sử dụng của một chiếc xe cũ, bởi đây là vị trí chịu lực thường xuyên và tiếp xúc liên tục trong suốt hành trình. Nếu xe đã vận hành nhiều, bề mặt ghế dù là bọc da hay nỉ thường xuất hiện các dấu hiệu như nhăn nheo, bạc màu, xẹp lún phần đệm hoặc có những nếp gấp sâu ở khu vực tựa lưng và phần ngồi. Với các mẫu xe phổ thông, lớp bọc ghế ít khi có khả năng chống nhăn cao nên dấu hiệu xuống cấp sẽ càng rõ nếu xe từng phục vụ trong môi trường chạy dịch vụ.
Các chi tiết làm bằng da thường có dấu hiệu xuống cấp rõ rệt
Bàn đạp chân ga, côn, phanh bị mòn
Một trong những chi tiết nhỏ nhưng có độ “trung thực” cao khi đánh giá mức độ sử dụng của xe cũ chính là tình trạng của ba bàn đạp: ga, phanh và côn (nếu xe số sàn). Đây là những bộ phận chịu lực trực tiếp từ chân người lái trong suốt quá trình vận hành và thường không được người bán xe chú ý làm mới, nên rất dễ để lại dấu vết thực tế.
Bàn đạp chân ga, phanh, côn bị mòn vẹt là dấu hiệu cho thấy xe đã được sử dụng nhiều
Thông thường, các bàn đạp này được chế tạo bằng hợp kim hoặc cao su bọc thép và có các rãnh vân nổi nhằm tăng độ bám chống trượt. Sau một thời gian sử dụng dài, đặc biệt ở những xe chạy dịch vụ hoặc xe gia đình sử dụng nhiều, các rãnh vân này sẽ bị mòn mờ, thậm chí biến dạng hoặc bị mài phẳng biểu hiện rõ ràng cho thấy xe đã hoạt động với tần suất lớn.
Đèn xe xuống màu, không đều màu
Hệ thống đèn chiếu sáng là một trong những khu vực phản ánh khá chính xác tuổi đời và lịch sử sử dụng của xe, dù thường bị người mua bỏ qua. Theo thời gian, đèn pha và đèn hậu sẽ dần bị oxy hóa, xuất hiện tình trạng ố vàng, mờ đục hoặc xỉn màu đặc biệt ở các xe thường xuyên để ngoài trời hoặc chạy nhiều vào ban đêm. Những dấu hiệu này tuy không ảnh hưởng lớn đến hiệu suất chiếu sáng trong ngắn hạn, nhưng lại là “tín hiệu” rõ ràng cho thấy xe đã qua thời gian sử dụng đáng kể.
Đèn pha cũ, lệch màu có thể là dấu hiệu từng va chạm
Một điểm đáng lưu ý nữa là độ đồng đều giữa hai bên đèn. Nếu một bên đèn có tình trạng quá mới, sáng bóng trong khi bên còn lại cũ hơn rõ rệt, khả năng cao xe đã từng bị va chạm và thay thế một cụm đèn. Tình huống này không hiếm trên thị trường xe cũ, đặc biệt nếu chủ xe không khai báo lịch sử sửa chữa.
Tay nắm cửa xuống màu hoặc quá mới
Tay nắm cửa và bậc lên xuống là những chi tiết dễ bị bỏ qua trong quá trình kiểm tra xe cũ, nhưng lại có thể hé lộ nhiều thông tin quan trọng về mức độ sử dụng thực tế của phương tiện. Đây là những vị trí thường xuyên chịu lực ma sát lớn mỗi khi người dùng ra vào xe, đặc biệt là bên ghế lái. Khi xe đã vận hành nhiều năm, các bộ phận này thường xuất hiện dấu hiệu trầy xước, phai màu, thậm chí có thể mòn lõm hoặc sần sùi – những dấu vết khó có thể che giấu hoàn toàn dù đã qua làm sạch.
Tay nắm cửa trầy xước, bạc màu là dấu hiệu của xe sử dụng lâu năm
Ngược lại, nếu tay nắm cửa hay bậc bước chân có vẻ mới tinh, sáng bóng hoặc quá "lệch tông" so với những khu vực lân cận như cánh cửa hay trần xe, người mua cũng nên cảnh giác.
Keo chỉ trên các cánh cửa thiếu đàn hồi
Một khu vực khác thường bị người mua xe cũ bỏ qua là keo chỉ ở các mép cửa hoặc dưới nắp capo. Đây vốn là lớp keo nguyên bản từ nhà sản xuất, có tác dụng chống nước, chống bụi và đồng thời là một chỉ dấu quan trọng về độ “zin” của thân vỏ. Theo kinh nghiệm của giới kỹ thuật, nếu xe chưa từng bị can thiệp phần vỏ, keo chỉ sẽ có độ đàn hồi tốt, khi dùng tay ấn vào sẽ thấy mềm và có độ nhún nhẹ.
Keo chỉ cứng, mất độ đàn hồi sau thời gian dài sử dụng
Ngược lại, nếu keo chỉ đã bị chạy lại sau va chạm hoặc thay thế nắp cửa, nắp capo, lớp keo thường cứng, dễ vỡ vụn, hoặc phát ra âm thanh "tách" khi ấn nhẹ – dấu hiệu cho thấy vật liệu keo không còn tính chất đàn hồi ban đầu.
Việc mua xe cũ chưa bao giờ là bài toán dễ giải, nhất là trong bối cảnh thị trường ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp làm lại xe để đánh lừa người tiêu dùng. Người mua cần trang bị cho mình kiến thức và sự cảnh giác, hoặc lựa chọn phương án an toàn hơn là nhờ thợ chuyên nghiệp hoặc các đơn vị kiểm định độc lập hỗ trợ đánh giá trước khi “xuống tiền”. Bởi khi đầu tư hàng trăm triệu đồng cho một chiếc xe, việc kiểm tra kỹ lưỡng không chỉ giúp tránh “tiền mất tật mang”, mà còn đảm bảo sự an toàn, yên tâm khi sử dụng lâu dài.
Ảnh: Tổng hợp Internet
Cộng tác viên