Trước khi rời xa thế giới người hiền để gặp cụ C.Mác, V.I.Lênin và những bậc tiền bối cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hệ thống di sản lý luận vô cùng đồ sộ có ý nghĩa lý luận, thực tiễn to lớn trong xây dựng, định hướng những vấn đề cơ bản về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đã và đang đi theo. Một trong những di huấn, chỉ dẫn đó là tư tưởng về chăm lo, bồi dưỡng cho thanh niên, Người khẳng định: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng, chăm lo thanh niên
Tư tưởng của Bác thật vĩ đại, lớn lao, ngay cả lúc nhắm mắt, xuôi tay Người vẫn canh cánh những băn khoăn, trăn trở, lo âu cho việc “ươm mầm” lên những cây xanh để tiếp tục đưa con thuyền cách mạng xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến thành công, thực hiện có hiệu quả mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Sự quan tâm, chăm lo của Người không chỉ bằng những lời nói, khẩu hiệu đơn thuần mà phải bằng những hành động, việc làm thực tiễn mang tính cụ thể, thiết thực, bằng những cơ chế, chính sách để không ngừng giữ gìn, củng cố, bồi đắp truyền thống yêu nước thương nòi, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, tinh xung kích, sáng tạo mà thế hệ thanh niên thuở trước đã tạo dựng, vun trồng. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, lớp lớp các thế hệ thanh niên đã nối tiếp nhau ra mặt trận, lên đường chinh chiến với niềm khát vọng, đam mê cháy bỏng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Mục tiêu, lý tưởng, con đường phát triển của thanh niên được tham gia đấu tranh cách mạng, được hoà mình vào không khí đấu tranh sục xôi của dân tộc, cho nên, tâm thế sẵn sàng chiến đấu, được ra mặt trận là hướng đích cho tương lai của thanh niên lúc bấy giờ, mọi suy nghĩ, hành động, việc làm của thanh niên cũng chỉ nhằm đạt được mục đích đó.
Thế hệ thứ hai, thế hệ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” là lực lượng xung kích trong 9 năm kháng chiến gian lao, đã lập nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp trên đất nước ta, đánh bại chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, giành lại hòa bình và đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thế hệ thứ ba, thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã thực hiện trọn vẹn lời căn dặn thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thế hệ thứ tư, thế hệ trẻ của thời đại Hồ Chí Minh đã và đang viết tiếp những bài ca hùng tráng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đánh tan hai cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc, phía Nam, giữ vững nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, bảo vệ cuộc sống lao động, hòa bình của nhân dân ta, khôi phục và phát triển nền kinh tế của đất nước.
Thế hệ thứ năm, thế hệ của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang ra sức học tập, rèn luyện và luôn thể hiện khát vọng vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức của nhân loại, đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng nước nghèo kém phát triển, để từng bước khẳng định vị thế của dân tộc trên trường quốc tế.
Các thế hệ thanh niên nước ta chẳng những anh hùng trong chiến đấu, mà trên mặt trận lao động sản xuất, khoa học - kỹ thuật và văn hóa - nghệ thuật cũng giành được nhiều thành tích to lớn, xứng đáng với lòng tin và niềm mong ước của Bác Hồ kính yêu, là lực lượng quyết định đưa đất nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu trên thế giới.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, thanh niên Việt Nam luôn phát huy tính xung kích, sáng tạo của mình trong thực hiện nhiệm vụ, nhiều phong trào được phát động, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia: thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước, thanh niên tình nguyện, tiếp sức mùa thi, thanh niên tiến công vào khoa học công nghệ… đã khơi dậy phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện thanh niên trở thành những công dân có ích cho xã hội… Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận thanh niên có biểu hiện ngại khó, ngại khổ, ngại học, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, thích hưởng thụ, lười lao động, không có động cơ, ý chí phấn đấu vươn lên, sống ỉ lại, dựa dẫm vào người khác…
2. Biện pháp thực hiện những di huấn của Hồ Chí Minh về chăm lo, bồi dưỡng thanh niên trong giai đoạn hiện nay
Thứ nhất, giáo dục, rèn luyện cho thanh niên trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, kiên định với con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, bất luận trong hoàn cảnh nào đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đây là nội dung, biện pháp quan trọng có ý nghĩa hàng đầu đối với việc chăm lo, bồi dưỡng thanh niên trở thành những công dân có ích cho xã hội. Những thành tựu của đất nước sau gần 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được những kết quả to lớn làm cho thế và lực của đất nước được giữ vững, củng cố và tăng lên trên trường quốc tế. Thanh niên cần nhận thức rõ điều đó để có những suy nghĩ, hành động đúng với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam quy định, không bi quan, dao động, nghi ngờ về những thành công của đất nước, càng trong lúc khó khăn, thử thách cần có bản lĩnh chính trị vững vàng vượt qua sóng to, gió cả, khẳng định năng lực công tác của mình. Hiện nay, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách để nói xấu, xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu của đất nước, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục về những thành tựu của đất nước, những khó khăn trong công tác xây dựng Đảng phải được đội ngũ cán bộ các cấp đặc biệt coi trọng, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên để củng cố, bồi đắp lòng tin của thanh niên vào chế độ xã hội chủ nghĩa của đất nước, để họ kiên định, có quyết tâm cao trong học tập, rèn luyện trở thành những công dân tốt, những tài năng trẻ công tác, đảm nhiệm ở những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau trong xã hội; kiên định vào sự lãnh đạo của Đảng, không ngại khó, ngại khổ, ngại rèn.
Thứ hai, phát huy sức mạnh của các tổ chức trong chăm lo, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng cho thanh niên.
Thực chất của giải pháp này là đề cao vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức, lực lượng có liên quan trong chăm lo, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng thanh niên. Sức mạnh đó là sự thể hiện ở những chủ trương, nghị quyết, văn bản, chỉ thị, hướng dẫn, quy định về những điều kiện đảm bảo cho thanh niên, về giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng thanh niên ở các bậc học khác nhau của Đảng, Nhà nước, Trung ương đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, của đội ngũ cán bộ các cấp. Trong tình hình hiện nay, việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức trong chăm lo, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng cho thanh niên cần được phát huy một cách cao độ hơn bao giờ hết, không một cá nhân, tổ chức nào có thể đứng ngoài cuộc được. Bởi, trước những tác động của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đặc biệt, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, XIII của Đảng đang diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt, Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: lò đã nóng lên rồi, củi tươi cho vào cũng phải cháy, cho thấy sự quyết tâm của Đảng ta trong đấu tranh không khoan nhượng với hiện tượng nào, để lấy lại uy tín, thanh danh cho Đảng, tạo dựng niềm tin với nhân dân. Tình hình đó, tác động sâu sắc tới tâm tư, tình cảm và suy nghĩ của thanh niên, ảnh hưởng đến vấn đề giáo dục, rèn luyện về đạo đức, lối sống của thanh niên, do đó, vấn đề đặt ra cho cấp uỷ đảng các cấp và đội ngũ cán bộ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền giáo dục để xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho thanh niên trong mọi tình huống, không bi quan, dao động, nghi ngờ về những thành tựu của đất nước, không mắc mưu đồ nói xấu Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch.
Thứ ba, phát huy nhân tố chủ quan trong tự học, tự rèn của thanh niên đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của xã hội.
Thanh niên là chủ thể trực tiếp trong tiếp nhận và giải quyết các mối quan hệ xã hội, do đó, việc tiếp nhận những nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống do chính thanh niên quyết định cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của bản thân. Có như vậy, việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện thanh niên của các tổ chức, lực lượng mới đạt được những kết quả như mong muốn. Thanh niên là chủ thể năng động nhất, chủ động nhất trong các khâu, các bước của quá trình tự học, tự rèn, tự nghiên cứu, tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tự mình “miễn dịch” với những văn hóa phẩm độc hại từ bên ngoài. Vì thế, việc xây dựng kế hoạch tự học, tự rèn cho bản thân phải được mỗi thanh niên nghiêm túc quán triệt và bản thân tổ chức thực hiện theo các nội dung đã xác định. Các thế hệ thanh niên thời xưa đã nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật trong thực hiện các nhiệm vụ, sống có khát vọng, mục tiêu, lý tưởng, làm rạng danh dân tộc. Thế hệ thanh niên của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng phải bằng những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức phát huy truyền thống yêu nước, thực hiện có hiệu quả các nội dung, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết Trung ương khoá XIII xác định, đưa Việt Nam có vị thế, uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế.
3. Kết luận
Những tư tưởng về chăm lo, bồi dưỡng của Bác Hồ mãi soi sáng con đường cách mạng cho thanh niên là cơ sở, tiền đề để Đảng ta kế thừa và vận dụng một cách linh hoạt sáng tạo vào điều kiện hoàn cành lịch sử cụ thể ở mỗi một giai đoạn nhất định. Vì vậy, mỗi thanh niên phải không ngừng nỗ lực cố gắng vươn lên trong công việc, cuộc sống để từng bước hoàn thiện về phẩm chất, nhân cách, xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của Bác Hồ, của Đảng là lực lượng kế cận, nối tiếp truyền thống đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ của vinh quang, hạnh phúc, Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: “Hãy luôn xung kích tiến lên trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng với kỳ vọng và niềm tin yêu của Đảng, Bác Hồ và nhân dân cả nước đối với thế hệ trẻ”1.
---------------------------------------------------------------------
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1 Nguyễn Phú Trọng (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.314.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 612.
2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr.143.
3. Quyết định số 1501/QĐ-TTg, ngày 28/8/2015, của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020”.
4. Quyết định số 2264-QĐ/TTg, ngày 16/12/2014, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020”.
5. Quyết định số 1895/QĐ-TTg, ngày 11/11/2021, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”.
6. Quyết định số 311/QĐ-TTg, ngày 5/3/2022, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030.
Th.s Bùi Thị Lê
Phó trưởng Khoa Kiến thức Cơ bản - Cơ sở ngành, Trường Cao đẳng Du lịch Huế