Trên cơ sở so sánh với các đạo luật liên quan, kinh nghiệm
quốc tế và thực tiễn hoạt động tố tụng, thi hành án, tái hòa nhập cộng đồng của
người chưa thành niên, bài viết đề xuất một số khuyến nghị về chính sách, thể
chế và pháp lý nhằm tăng cường tính khả thi và hiệu quả của việc thực thi Luật
trong tương lai gần.
1. Mở đầu
Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp
nhằm hướng tới một nền tư pháp dân chủ, hiện đại và nhân đạo, việc xây dựng hệ
thống tư pháp dành riêng cho người chưa thành niên – đối tượng đặc biệt dễ bị tổn
thương – đã trở thành một yêu cầu bức thiết. Hệ thống tư pháp này không chỉ cần
đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của luật hình sự và tố tụng hình sự mà còn phải
phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, nhu cầu phát triển và quyền trẻ em theo chuẩn
mực quốc tế. Việc ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 là bước
ngoặt lớn, thể hiện sự cam kết của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ quyền
con người, quyền trẻ em và xây dựng nền tư pháp thân thiện, tiến bộ và nhân đạo
hơn.
2. Những điểm mới nổi bật của Luật
Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 đánh dấu lần đầu
tiên Việt Nam ban hành một văn bản luật chuyên biệt, điều chỉnh toàn diện và có
hệ thống đối với lĩnh vực tư pháp người chưa thành niên. So với giai đoạn trước
– khi các quy định liên quan nằm rải rác trong nhiều đạo luật khác nhau – Luật
mới đã tạo lập một cấu trúc pháp lý rõ ràng, thống nhất và mang tính hướng dẫn
thực hành cụ thể, góp phần đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người
chưa thành niên.
Có thể kể đến những điểm mới nổi bật sau đây:
Thứ nhất, thiết lập khung pháp lý riêng biệt và đầy đủ: Luật
này bao quát tất cả các giai đoạn của tư pháp hình sự liên quan đến người chưa
thành niên từ phát hiện, xử lý ban đầu (tiếp nhận tố giác, tin báo), khởi tố,
điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đến tái hòa nhập cộng đồng, thể hiện rõ
nét tại Điều 1. Phạm vi điều chỉnh. Mỗi giai đoạn đều có các quy định mang tính
thân thiện, phù hợp với đặc điểm phát triển thể chất và tâm lý của trẻ em. Đây
là điểm vượt trội so với hệ thống pháp luật trước đây.
Thứ hai, thể chế hóa cơ chế xử lý chuyển hướng: Một
trong những đổi mới căn bản là chuyển từ mô hình tư pháp trừng phạt sang mô
hình tư pháp phục hồi (restorative justice). Luật quy định rõ mục đích, nguyên
tắc, các điều kiện, biện pháp và trình tự áp dụng xử lý chuyển hướng tại Chương
III (từ điều 34-51). Trong đó, các biện pháp xử lý chuyển hướng khá đa dạng, gồm:
(1) Khiển trách; (2) Xin lỗi bị hại; (3) Bồi thường thiệt hại; (4) Giáo dục tại
xã, phường, thị trấn; (5) Quản thúc tại gia đình; (6) Hạn chế khung giờ đi lại;
(7) Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới;
(8) Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; (9)
Tham gia chương trình học tập, dạy nghề; (10) Tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm
lý; (11) Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; (12) Giáo dục tại trường giáo
dưỡng (Điều 36). Cơ chế này được ưu tiên áp dụng ở mọi giai đoạn tố tụng và thể
hiện triết lý hướng đến việc giáo dục, sửa chữa hành vi, thay vì chỉ trừng phạt.
Thứ ba, củng cố vai trò người làm công tác xã hội: Lần
đầu tiên người làm công tác xã hội trở thành chủ thể bắt buộc trong tố tụng
hình sự với người chưa thành niên. Theo các điều Điều 32, 53, 54, họ được phân
công tham gia từ đầu vụ án nhằm đánh giá điều kiện nhân thân, hoàn cảnh sống, mức
độ nguy cơ tái phạm và khả năng phục hồi của trẻ. Trên cơ sở đó, họ phối hợp với
cơ quan tiến hành tố tụng xây dựng phương án xử lý phù hợp và kế hoạch tái hòa
nhập cộng đồng.
Thứ tư, tăng cường bảo vệ người chưa thành niên là bị hại,
người làm chứng: Luật
dành hẳn Chương VIII (từ điều 153-161) quy định rõ các biện pháp bảo vệ như:
không bắt buộc đối chất trực tiếp với bị cáo, có thể lấy lời khai một lần, sử dụng
hình thức ghi âm, ghi hình, thực hiện tại nơi an toàn, có sự tham gia của
chuyên gia tâm lý. Trẻ em là nạn nhân trong các vụ xâm hại hoặc có tính chất
nghiêm trọng sẽ được ưu tiên áp dụng các biện pháp đặc biệt này nhằm giảm thiểu
sang chấn thứ cấp.
Thứ năm, yêu cầu xây dựng cơ sở vật chất và thủ tục tố tụng
thân thiện: Luật quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố
tụng trong việc bố trí phòng lấy lời khai, hỏi cung, xét xử thân thiện với người
chưa thành niên. Không gian phải đảm bảo sự an toàn, riêng tư, tạo điều kiện
thuận lợi để trẻ em bày tỏ ý kiến một cách tự nhiên. Có thể trang bị bàn ghế
phù hợp, đồ chơi, tranh ảnh minh họa để giảm bớt cảm giác sợ hãi và căng thẳng.
Đồng thời, Luật cũng yêu cầu xây dựng các thủ tục tố tụng thân thiện như: sử dụng
ngôn ngữ dễ hiểu, có người làm công tác xã hội hoặc chuyên gia tâm lý tham gia
hỗ trợ trong quá trình lấy lời khai, cho phép xét xử kín trong trường hợp cần bảo
vệ danh dự và tâm lý của trẻ em (các Điều 142, 144, 149, 151, 156).
Thứ sáu, tính đồng bộ và tác động liên ngành: Luật
Tư pháp người chưa thành niên đồng thời sửa đổi và yêu cầu điều chỉnh nhiều quy
định tại các đạo luật quan trọng như Bộ luật Hình sự (bãi bỏ Chương XII về người
chưa thành niên phạm tội và sửa đổi và sửa đổi một số điều luật khác liên quan),
Bộ luật Tố tụng hình sự (Bãi bỏ chương XXVIII và sửa đổi một
số điều luật khác liên quan), Luật Thi hành án hình sự, Luật trẻ em, Luật Thi
hành án dân sự, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Cư trú, Sự đồng bộ này là điều kiện
tiên quyết để bảo đảm tính thống nhất trong thực thi và tránh xung đột pháp lý
giữa các văn bản luật.
Thứ bảy, Thành lập cơ chế điều phối liên ngành: Nhằm
đảm bảo thực thi thống nhất và hiệu quả Luật trên phạm vi toàn quốc, Luật đề xuất
xây dựng một cơ chế điều phối liên ngành do Thủ tướng Chính phủ thành lập với
tên gọi Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên. Cơ chế này có chức
năng: (1) Chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành trong việc triển khai công tác tư pháp
người chưa thành niên; (2) Đề xuất phương hướng, giải pháp chính sách; (3) Phối
hợp với Quốc hội, TANDTC, VKSNDTC, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội; (4) Giám
sát, chỉ đạo công tác xã hội và công bố danh sách người làm công tác xã hội
trong lĩnh vực này; và (5) Chỉ đạo công tác thống kê, thông tin, báo cáo và thực
hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Thủ tướng.
3. Những vấn đề đặt ra trong triển khai thực tiễn
Việc thực thi Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024
trong thực tiễn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức lớn, phản ánh
sự phức tạp của việc xây dựng và vận hành một hệ thống tư pháp thân thiện, nhân
đạo và lấy trẻ em làm trung tâm.
Có thể kể đến những khó khăn, thách thức cơ bản sau đây:
Thứ nhất, nguồn nhân lực tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu
chuyên môn: Một
trong những rào cản lớn nhất là thiếu đội ngũ cán bộ tư pháp được đào tạo bài bản
về tư pháp người chưa thành niên. Các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán
thường chưa được trang bị kiến thức về phát triển tâm lý trẻ em, kỹ năng tiếp cận
thân thiện, xử lý hành vi vi phạm của người chưa thành niên theo hướng phục hồi.
Ngoài ra, số lượng người làm công tác xã hội trong lĩnh vực này rất hạn chế, cả
về số lượng và chất lượng chuyên môn.
Thứ hai, cơ sở vật chất và điều kiện hỗ trợ chưa đảm bảo: Hiện
nay, nhiều địa phương vẫn thiếu các phòng hỏi cung, phòng xét xử được thiết kế
thân thiện với trẻ em; các thiết chế như trung tâm tư vấn tâm lý, cơ sở hỗ trợ
tái hòa nhập cộng đồng hay trại giáo dưỡng theo tiêu chuẩn mới vẫn còn rất ít.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng áp dụng các quy định mới về tố tụng
thân thiện và xử lý chuyển hướng.
Thứ ba, thiếu hướng dẫn thực hiện thống nhất trên toàn quốc: Dù Luật
quy định nhiều nội dung tiến bộ, song chưa có hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, chưa
có mẫu biểu, quy trình mẫu để đánh giá hồ sơ cá nhân hóa, xác định nguy cơ tái
phạm, lập kế hoạch tái hòa nhập. Điều này sẽ dẫn đến sự không thống nhất trong
cách hiểu và cách áp dụng luật giữa các địa phương.
Thứ tư, hạn chế về nhận thức xã hội và tâm lý kỳ thị: Mặc
dù pháp luật nhấn mạnh nguyên tắc không kỳ thị, nhưng trong thực tế, người chưa
thành niên sau khi vi phạm pháp luật thường bị cộng đồng, trường học và thậm
chí gia đình nhìn nhận tiêu cực. Điều này khiến quá trình tái hòa nhập trở nên
khó khăn, gia tăng nguy cơ tái phạm. Cộng đồng chưa được trang bị đầy đủ thông
tin và kỹ năng để tham gia hỗ trợ tích cực cho trẻ em vi phạm pháp luật.
Thứ năm, khó khăn trong phối hợp liên ngành: Việc
thực hiện hiệu quả Luật đòi hỏi sự tham gia đồng bộ của nhiều cơ quan: công an,
kiểm sát, tòa án, tư pháp, giáo dục,… Tuy nhiên, trong thực tiễn, chưa hình
thành được quy trình phối hợp chuẩn về hỗ trợ người chưa thành niên trong suốt
quá trình tố tụng và sau xử lý.
Thứ sáu, thiếu nguồn lực tài chính và đầu tư lâu dài: Để
triển khai hiệu quả Luật, cần có sự đầu tư ổn định, dài hạn cho cả hạ tầng,
nhân lực và các chương trình truyền thông – giáo dục cộng đồng. Tuy nhiên,
trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, việc bố trí nguồn lực thỏa đáng cho công
tác tư pháp người chưa thành niên có thể khó khả thi tại nhiều địa phương.
4. Kiến nghị, đề xuất
Để Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 thực sự đi
vào cuộc sống và đạt hiệu quả như kỳ vọng, cần triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải
pháp từ cấp trung ương đến địa phương. Các kiến nghị dưới đây được xây dựng
trên cơ sở đánh giá thực tiễn, tham chiếu các chuẩn mực quốc tế và điều kiện cụ
thể của hệ thống pháp luật Việt Nam:
Thứ nhất, sớm ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn thi
hành chi tiết và liên ngành: Cần có các thông tư, hướng dẫn, quy trình mẫu
do liên Bộ ban hành (Bộ Công an, Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC,…) nhằm làm rõ cơ
chế áp dụng xử lý chuyển hướng, quy trình lấy lời khai thân thiện, sử dụng người
làm công tác xã hội, tổ chức xét xử kín và thân thiện, quản lý hậu xử lý, phục
hồi và tái hòa nhập.
Thứ hai, xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia và cán bộ chuyên
trách: Đề xuất thiết lập các chương trình đào
tạo chuyên sâu và bắt buộc về tư pháp người chưa thành niên trong các trường đại
học luật, học viện tư pháp, các trường thuộc ngành công an, kiểm sát và tòa
án,… Tăng cường bồi dưỡng thực tiễn và cấp chứng chỉ hành nghề cho người làm
công tác xã hội tư pháp.
Thứ ba, đầu tư cơ sở vật chất chuyên biệt phục vụ tố tụng thân thiện:
Đề xuất thí điểm các mô hình “Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ người chưa thành
niên” tại một số tỉnh thành, trong đó tích hợp chức năng: tiếp nhận ban đầu,
đánh giá xã hội học, tư vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý, đào tạo kỹ năng sống. Xây dựng
phòng hỏi cung, phòng xử án thân thiện tại tòa án và cơ quan điều tra, với
trang thiết bị phù hợp lứa tuổi, tâm lý, có sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý, xã
hội.
Thứ tư, tăng cường nguồn lực tài chính và hợp tác quốc tế:
Nhà nước cần phân bổ ngân sách hợp lý và ổn định cho việc thực hiện Luật, đồng
thời huy động sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như UNICEF, UNODC, Save the
Children,… thông qua các chương trình hợp tác kỹ thuật, mô hình thí điểm,
nghiên cứu – đánh giá độc lập.
Thứ năm, nâng cao nhận thức cộng đồng và tuyên truyền
pháp luật: Cần triển khai các chiến dịch truyền thông diện rộng nhằm nâng
cao hiểu biết về tư pháp người chưa thành niên, chống kỳ thị, vận động cộng đồng
tham gia giám sát, giáo dục, hỗ trợ quá trình tái hòa nhập. Khuyến khích vai
trò của nhà trường, đoàn thanh niên, các tổ chức xã hội trong giáo dục pháp luật
và đạo đức pháp lý cho thanh thiếu niên.
Thứ sáu: thiết lập cơ chế giám sát, đánh giá định kỳ việc thực thi
Luật: Xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả
thi hành Luật Tư pháp người chưa thành niên, có thể bao gồm: tỷ lệ áp dụng xử
lý chuyển hướng, tỷ lệ tái phạm, mức độ hài lòng của trẻ và gia đình, mức độ phối
hợp liên ngành… Kết quả cần được báo cáo định kỳ trước Quốc hội, đồng thời là
căn cứ để hoàn thiện chính sách, pháp luật tiếp theo.
5. Kết luận
Luật Tư pháp người chưa thành niên là một bước tiến quan trọng
trong tư duy lập pháp của Việt Nam, thể hiện rõ cam kết thực thi quyền trẻ em
phù hợp với Công ước quốc tế. Tuy nhiên, để biến các quy định tiến bộ thành thực
tiễn hiệu quả, cần một quá trình chuẩn bị đồng bộ về thể chế, con người, cơ sở
vật chất và nhất là sự đồng thuận xã hội. Việc triển khai Luật không chỉ là nhiệm
vụ pháp lý mà còn là hành trình xã hội học, nhân văn và phát triển bền vững.
Tài liệu tham khảo
1.
Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024.
2.
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm
2017).
3.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ
sung năm 2021).
4.
Luật Thi hành án hình sự năm 2019 (sửa đổi, bổ
sung năm 2024).
5.
Hoàng, X. C. (2024). Báo cáo tổng hợp kết
quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu cơ sở lý luận
và thực tiễn xây dựng hệ thống tư pháp dành riêng cho người chưa thành niên ở
Việt Nam” (Mã số: ĐTĐLXH.09/22). Thái Nguyên: Chủ nhiệm đề tài.
Trường Cao đẳng Luật Miền Bắc