Những điểm mới của Thông tư 10/2021/TT-BKHĐT về Hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội

Thứ bảy, 28/05/2022 - 09:08

TNV - Thông tư 10/2021/TT-BKHĐT/2021/TT-BKHĐT được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 22/12/2021, hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong hệ thống quy hoạch quốc gia và kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội tại địa phương với nhiều điểm mới đáng chú ý.

Thông tư 10/2021/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 10/02/2022 và thay thế Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT ban hành ngày 06/06/2016, được quy định tại Điều 16, Luật Phòng, chống thiên tai. Thông tư mới này được xây dựng dựa trên việc phát huy ưu điểm và khắc phục hạn chế của Thông tư trước đó trong lồng ghép nội dung, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, không làm phát sinh nguy cơ rủi ro trước mắt và lâu dài cũng như hướng tới phát triển bền vững. Những điểm mới của Thông tư 10/2021/TT-BKHĐT bao gồm:

Thứ nhất, Thông tư 10/2021/TT-BKHĐT đặt ra quan điểm lồng ghép rõ ràng và làm rõ nội hàm của các khái niệm có liên quan, đặc biệt là thuật ngữ lồng ghép và lợi ích, ý nghĩa của lồng ghép. Khái niệm “lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong Quy hoạch, Kế hoạch” được trình bày chi tiết tại điều 2, chương I của Thông tư, là “việc lựa chọn, thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai đã được xác định trong Kế hoạch phòng, chống thiên tai, Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu cùng cấp (hoặc các biện pháp phòng, chống thiên tai khác đã được cấp thẩm quyền phê duyệt) để thực hiện cùng với các nội dung trong Quy hoạch và Kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.” So với khái niệm được nêu trong mục 4, điều 2, chương I của Thông tư 05/2016/TT-BKHĐT, khái niệm này đã chỉ rõ ràng định hướng, đích đến của việc lồng ghép, không chỉ chung chung là “một quá trình tích hợp có chọn lọc” mà cụ thể là việc “lựa chọn các biện pháp đã được xác định” để tăng cường ứng phó và giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với BĐKH cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, điều 3, chương I của Thông tư 10/2021/TT-BKHĐT cũng đã bổ sung phần quan điểm lồng ghép và cụ thể hóa phần nguyên tắc lồng ghép. Quan điểm lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào Quy hoạch, Kế hoạch được thể hiện gồm 3 ý: Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào Quy hoạch, Kế hoạch được thực hiện theo hướng kết hợp đa mục tiêu để tăng tính thích ứng với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai và không làm phát sinh nguy cơ, rủi ro mới ở trước mắt cũng như lâu dài; Lồng ghép hài hòa cả hai nhóm biện pháp công trình và phi công trình cho cả ba giai đoạn: Trước, trong và sau thiên tai; Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào Quy hoạch, Kế hoạch được thực hiện nhằm tăng hiệu quả của các nguồn lực (tài chính, con người và tự nhiên) và hạn chế sự chồng chéo, lãng phí trong các hoạt động đầu tư, chương trình phát triển. Nguyên tắc lồng ghép cũng được chỉnh sửa, bổ sung, đặc biệt quy định rõ “Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai là một hoạt động của nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch, Kế hoạch. Trường hợp, Quy hoạch, Kế hoạch đã được phê duyệt mà chưa có nội dung phòng, chống thiên tai thì thực hiện bổ sung khi điều chỉnh Quy hoạch, Kế hoạch đó”. Như vậy, Thông tư 10 đặt ra quy định bắt buộc về việc phải lồng ghép cũng như thực hiện các đánh giá, rà soát rủi ro thiên tai trong định hướng phát triển cấp quốc gia và địa phương. Nguyên tắc cũng nêu rõ các biện pháp phòng, chống thiên tai khi lồng ghép phải “có tính đến yếu tố Giới; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương.”

Thứ hai, Thông tư 10/2021/TT-BKHĐT đã đề ra cụ thể quy trình thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào Kế hoạch. Theo Điều 6, chương II của Thông tư, quy trình thực hiện lồng ghép bao gồm 4 bước: Xây dựng quan điểm, định hướng lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai; Lựa chọn các biện pháp phòng, chống thiên tai để lồng ghép; Định hướng lồng ghép các biện pháp phòng, chống thiên tai; Giám sát, đánh giá kết quả thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào Kế hoạch. Các bước trong quy trình lần lượt được hướng dẫn cụ thể tại các điều 7, 8, 9, 10 của Thông tư, đặc biệt là Điều 8. Từ đó, các ngành, địa phương, cơ quan  thực hiện việc lập Kế hoạch có lồng ghép theo Thông tư 10 có thể theo sát từng bước trong quy trình và đánh giá tiến độ cụ thể dựa trên việc hoàn thành các bước nhỏ trong toàn bộ quy trình lồng ghép lớn. Việc đưa ra quy trình thực hiện lồng ghép một cách bài bản, cụ thể là điểm sáng đáng kể của Thông tư này nhằm hạn chế tình trạng mơ hồ, lúng túng khi áp dụng tại địa phương trong các bối cảnh kinh tế - xã hội đặc thù.

Thứ ba, Thông tư 10/2021/TT-BKHĐT nhấn mạnh việc lựa chọn biện pháp phòng, chống thiên tai phải cân đối với nguồn lực, dựa trên đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường cũng như đặt ra các tiêu chí giám sát, đánh giá kết quả thực hiện lồng ghép. Điều 8, chương II của Thông tư nêu rõ “Kết quả đánh giá hiệu quả kinh tế và kết quả đánh giá phạm vi bảo vệ cuộc sống người dân là căn cứ lựa chọn các biện pháp ưu tiên để lồng ghép. Biện pháp có phạm vi bảo vệ cuộc sống người dân rộng hơn, có hiệu quả kinh tế cao hơn thì được lựa chọn trước; cứ thế tiếp tục lựa chọn đến khi đủ so với nguồn lực thực hiện Kế hoạch.” Thứ tự ưu tiên của các biện pháp được sắp xếp lần lượt dựa trên các tiêu chí về phạm vi bảo vệ người dân, hiệu quả kinh tế và khả năng đáp ứng của nguồn lực địa phương. Như vậy, điểm tiến bộ của Thông tư mới là việc đề cao giá trị con người, đề cao trách nhiệm bảo vệ cuộc sống của người dân ngay từ bước lập Kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội và đặt vấn đề giảm thiểu rủi ro thiên tai đến đời sống con người cao hơn thiệt hại về mặt kinh tế.

Bên cạnh đó, việc nhấn mạnh yếu tố nguồn lực của địa phương trong quy trình lựa chọn biện pháp phòng, chống thiên tai lồng ghép vào trong Kế hoạch phát triển cũng sẽ giúp cho địa phương xây dựng được các Kế hoạch có tính khả thi cao hơn, có khả năng tự thực hiện và mang lại hiệu quả bền vững, thực tiễn.

Đáng chú ý, Thông tư 10/2021 đã nêu rõ cần thiết phải cân nhắc, xem xét các giải pháp mềm, giải pháp sinh thái - dựa trên tự nhiên trong quá trình xác định, lựa chọn các biện pháp ưu tiên cho giảm thiểu rủi ro thiên tai, rủi ro khí hậu. Để đo lường, giám sát chặt chẽ quy trình lập kế hoạch phát triển có lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai cũng như kết quả thực hiện trong thực tiễn, Điều 10, chương II của Thông tư cũng đã nêu rõ nội dung giám sát, đánh giá bao gồm: Số lượng biện pháp, số vốn, tỷ lệ vốn của các biện pháp phòng, chống thiên tai được lựa chọn lồng ghép vào Quy hoạch, Kế hoạch; Mức độ ảnh hưởng, hiệu quả của việc thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai được lồng ghép đến quá trình phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống thiên tai.

Thứ tư, Thông tư 10/2021 sau khi được ban hành, phổ biến toàn quốc sẽ có các tài liệu hướng dẫn kèm theo với những hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, chi tiết cho các cấp địa phương. Hiện nay UNDP đang hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho Vụ Kinh tế - Nông nghiệp, Bộ KH&ĐT với sự tham gia của nhóm chuyên gia ECODE để xây dựng, ban hành Tài liệu Hướng dẫn kỹ thuật thực hiện Thông tư 10/2021 và bài giảng học tập trực tuyến (E-learning) về nội dung này.

Hoàng Thị Ngọc Hà, Bùi Thúy Quỳnh