Thuyết âm mưu đổ vỡ
Mọi chuyện bắt đầu ở lượt trận cuối vòng bảng khi Tây Ban Nha để thua Nhật Bản với tỉ số 2-1, qua đó rơi xuống vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng.
Đã có nhiều cổ động viên tin rằng thầy trò HLV Luis Enrique với quyền tự quyết trong tay cố tình 'dắt tay' các Samurai xanh vượt qua vòng bảng để tiễn Đức về nước nhằm loại một đối thủ cạnh tranh trực tiếp cho danh hiệu vô địch.
Hơn nữa, Tây Ban Nha đã tính toán để rơi vào một nhánh đấu dễ thở hơn và 'chọn' Morocco là đối thủ tiếp theo thay vì phải gặp mặt Croatia. Thế nhưng, những 'chú bò tót' không biết rằng chính quyết định này là thứ khiến họ phải ôm hận.
Đầu tiên, không thể không dành lời khen cho đội chiến thắng là Morocco vì đã kiểm soát tốt thế trận và mục tiêu đã đề ra. Với việc bị xem như một đội 'cửa dưới' và nắm trong tay đội hình có chất lượng không thể so bì với đối thủ, nghiễm nhiên lựa chọn của HLV Walid Regragui là chủ động chơi phòng ngự và chực chờ phản công.
Ra sân với sơ đồ 4-3-3 quen thuộc nhưng Morocco đã xây dựng một khối phòng ngự 4-5-1 hay 4-1-4-1 Mid-Block đan xen Low Block nhằm khóa chặt khả năng lên bóng bằng những đường chuyền ban bật và khả năng phối hợp nhỏ trứ danh của người Tây Ban Nha.
Thậm chí, thầy trò HLV Regragui còn nhường hẳn hai hành lang cánh cho các cầu thủ Tây Ban Nha và bổ sung thêm nhân sự ở khu trung lộ. Đây là lý do khiến Pedri và Gavi, hai ngôi sao được kỳ vọng nhất của La Roja trở nên mất hút.
2 cầu thủ giàu nền tảng thể lực ở hàng tiền vệ là Amallah và Ounahi có nhiệm vụ chăm sóc Pedri và Gavi còn Amrabat sẽ chơi thấp nhất ở hàng tiền vệ vừa bọc lót cho 2 người đồng đội, vừa hạn chế tầm hoạt động của Asensio.
Chính sự chắc chắn của Amrabat là chìa khóa khiến bức tường chắn trước cầu môn của thủ thành Bounou được khóa chặt. Tiền vệ thuộc biên chế Fiorentina có 7 pha tranh chấp tay đôi thành công, 4 tình huống truy cản, 1 cú tắc bóng và 1 lần giải vây trong suốt 120 phút trên sân.
Loay hoay với những sở trường
Thực tế, HLV Enrique đã nhận ra vấn đề và đã không ít lần xoay tìm cách xoay chuyển tình thế để mở khóa hàng phòng ngự chặt chẽ của Morocco, song tất cả đều thất bại.
Trong nửa đầu hiệp 1, Pedri là cầu thủ lùi về nhận bóng ở bên cánh trái để tham gia vào quá trình tịnh tiến bóng. Lúc này, Jordi Alba sẽ được bước lên và chuẩn bị nhận bóng ở sát biên. Lúc này, cả Alba, Dani Olmo, Asensio và đâu đó là cả Pedri hoặc Busquets sẽ cố gắng Overload cánh phải của Marocco, tạo ra càng nhiều tam giác phối hợp nhất càng tốt.
Thời gian còn lại của hiệp 1, Tây Ban Nha chuyển hướng tấn công chủ đạo sang cánh phải của Ferran Torres. Vẫn là những tình huống Overload bên trái rồi tận dụng những đường chuyền chuyển hướng bóng tốt của các cầu thủ hàng tiền vệ để Torres băng lên tương đối trống trải.
Đến với hiệp 2, sự xuất hiện của Alvaro Morata nhằm thể hiện ý đồ chơi trực diện hơn nhưng nhìn chung, tất cả những sắp xếp của Luis Enrique đều không phát huy tác dụng.
Vốn dĩ Tây Ban Nha đã có thể có những miếng đánh khác nhưng đáng tiếc là những nhân sự mà Enrique có không thể đáp ứng. Quay trở lại việc Morocco bỏ mặc khoảng trống ở hai bên cánh, thực tế không phải HLV Regragui không chú ý đến mà là Tây Ban Nha hoàn toàn vô hại ở khả năng tạt cánh đánh đầu. Hàng công La Roja thiếu đi một mẫu tiền đạo mục tiêu đóng vai trò điểm chạm cuối cùng để chuyển hóa những quả tạt bóng của đồng đội thành bàn thắng.
Tần suất và chất lượng của những cú sút xa cũng là một thiếu sót của dàn hảo thủ Tây Ban Nha trong một thế trận bế tắc. Nói cách khác, những sao trẻ Enrique đang sở hữu không có mẫu cầu thủ có thể tạo đột biến bằng những quả dứt điểm từ xa.
Chặng đường mới, nỗi đau cũ
Một điểm yếu cố hữu khác cần phải đề cập đến đồng thời là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của những học trò trẻ của Enrique ở loạt đấu súng chính là bản lĩnh ở những thời khắc quyết định.
Dẫu biết những diễn biến trên chấm Penalty là trò chơi mang tính may rủi, nhưng bản lĩnh và tâm lý cũng là một trong những yếu tố quyết định. Có thể thấy, Sarabia, Soler và cả Busquets là những cầu thủ lớn tuổi nhất của Tây Ban Nha vẫn còn trên sân nhưng cuối cùng, chính những cái tên này lại mang về nỗi thất vọng.
Đây đã là lần thứ 3 liên tiếp Tây Ban Nha dừng chân ở một giải đấu lớn vì thiếu bản lĩnh trên chấm phạt đền, trước đó là với Nga ở World Cup 2018 và Italia ở Euro 2020.
Dù sao, Tây Ban Nha đang ở giai đoạn chuyển giao và hầu hết những tài năng lớn mà họ đang có chưa ở trong độ tuổi 'chín mùi'. Thế nên, đây vẫn chỉ là một mùa giải mang tính chất cọ xát và một thế hệ mới của Tây Ban Nha vẫn sẽ rất hứa hẹn ở những giải đấu sắp tới.