Những điều ít người biết về sự "phi thường" của hệ tiêu hóa

Thứ bảy, 21/05/2022 - 15:55

TNV - Hệ tiêu hóa không chỉ là bộ phận quan trọng của con người mà còn rất "phi thường" đối với hệ miễn dịch. Điều này được GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia "bật mí" tại buổi họp báo Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới 29/5.

Tiêu thụ 144 tấn thức ăn, chứa 70% hệ miễn dịch biểu mô


Tại họp báo Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới 29/5 với chủ đề "Khỏe tiêu hóa- Khỏe hơn mỗi ngày", GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã nêu ra nhiều dẫn chứng cho thấy tầm quan trọng cũng như sự "phi thường" của hệ tiêu hóa mà ít người biết.

Đầu tiên, dẫn chứng về khả năng tiêu hóa lượng thực phẩm "khổng lồ", GS.TS Danh Tuyên chia sẻ, con người sinh ra có trọng lượng khoảng 3kg, nhưng khi trưởng thành, cân nặng sẽ khoảng 50kg, tức 47kg còn lại được lấy từ thức ăn. Và trong khoảng 70 năm cuộc đời, con người tiêu thụ khoảng 144 tấn thức ăn thức ăn (không kể nước uống) thông qua đường tiêu hóa, biến thành nhiều dưỡng chất nuôi cơ thể.

Điểm "phi thường" thứ hai của hệ tiêu hóa chính là số lượng vi sinh vật có trong hệ tiêu hóa. Theo đó, đường ruột là nơi cư trú của hơn 100 nghìn tỷ vi khuẩn bao gồm cả lợi khuẩn & hại khuẩn với hơn 500 loại khác nhau. Ở trạng thái cân bằng, hệ vi sinh này có vai trò quan trọng trong việc hạn chế các vấn đề sức khỏe mạn tính, như: Hội chứng ruột co thắt, hội chứng chuyển hóa, béo phì, đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch, ung thư, Parkinson…

Điểm "phi thường" thứ ba của hệ tiêu hóa được chuyên gia nhắc đến chính là chiếm tỉ lệ lớn hệ thống miễn dịch biểu mô của toàn cơ thể, với khoảng 70% hệ miễn dịch biểu mô nằm ở đường ruột. Chính điều này đã khiến hệ tiêu hóa được ví như "thành trì" của hệ miễn dịch vì nơi đây sản xuất ra các kháng thể như IgA, IgG giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý viêm nhiễm.

"Hệ tiêu hóa khỏe mạnh và hoạt động trơn tru sẽ giúp hệ miễn dịch vững vàng, giúp sức khỏe toàn thân được cải thiện. Vì thế, chăm sóc hệ tiêu hóa là việc cần làm hằng ngày của mỗi người", GS.TS Lê Danh Tuyên nhấn mạnh.

Bí quyết đơn giản giúp nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa

Cũng tại buổi họp báo, GS.TS Lê Danh Tuyên cho biết thêm, để giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, xây dựng và tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch cũng như nâng cao sức khỏe tổng thể như chủ đề Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới hướng đến, việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cả đa lượng và vi lượng có vai trò vô cùng quan trọng.

Do đó, để hệ tiêu hóa khỏe mạnh, xét về dinh dưỡng, các chuyên gia khuyên, cần cung cấp đủ 4 nhóm chất bột đường, đạm, béo, vitamin - khoáng chất. Bên cạnh đó cần ăn đủ rau xanh, trái chín - nguồn thực phẩm cung cấp nhiều chất xơ, là thức ăn cho lợi khuẩn, giúp lợi khuẩn phát triển trong đường ruột.

Bên cạnh đó, sử dụng sữa chua được lên men tự nhiên với chủng men Bulgaricus cũng là một cách hiệu quả thúc đẩy lợi khuẩn phát triển, từ đó ức chế được hại khuẩn gây bệnh trong đường ruột. Một số sản phẩm nổi bật tại Việt Nam như sữa chua Vinamilk, mỗi hộp lên men từ 12 triệu men Bulgaricus Châu Âu, bổ sung đạm, canxi, vitamin A, D3… được đánh giá tốt cho hệ tiêu hóa nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung.

Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mọi người nên ăn 1-2 hộp sữa chua mỗi ngày cách sau bữa ăn chính 1-2 giờ. Duy trì sử dụng sữa chua đều đặn là một trong những cách chăm sóc tiêu hóa khỏe tự nhiên, giúp cơ thể dễ hấp thu và ổn định hệ vi sinh đường ruột, từ đó tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, hỗ trợ phòng bệnh từ sớm.

PV