Nhiều dự án sau khi tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Startup Kite 2022” được đầu tư tiền tỷ. Điều này chứng tỏ hoạt động sáng tạo khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trường nghề đang được nâng cao về chất lượng.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng (thứ 4 từ trái qua) trao giải Nhất cho nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Công thương TP.HCM đạt giải Nhất Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp HSSV GDNN
Một tuần sau khi tham dự và giành giải nhất trong cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Startup Kite 2022”, nhóm sinh viên với ý tưởng sản xuất máy đo huyết áp thông minh - GAC của Trường Cao đẳng Công thương TP. Hồ Chí Minh vẫn cảm thấy bất ngờ, khó tin.
Sinh viên Nguyễn Thị Cẩm Vân - trưởng nhóm dự án cho biết, quả là bất ngờ vì dự án đã được giành giải nhất. Cô cùng nhóm bạn đã đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và đổi lại thành quả cũng ngọt ngào không kém.
Dự án được đánh giá cao bởi tính gần gũi, sát với thực tiễn và dễ áp dụng. Điều này đã giúp cô cùng nhóm gọi được vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng để hoàn thiện sản phẩm hướng tới mục tiêu thương mại hóa.
Dựa trên ý tưởng là tạo ra máy đo huyết áp và nhịp tim thông minh với thiết kế tinh gọn, giảm 50% trọng lượng so với máy đo huyết áp điện tử trên thị trường. Nhóm đã thay thế màn hình điện tử bằng cách tận dụng màn hình điện thoại di động sẵn có và sử dụng những linh kiện, cảm biến có chất lượng tương đương với các dòng máy nổi tiếng hiện nay trên thị trường, giúp đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy cho thiết bị.
Đặc biệt, giá thành sản phẩm 300.000 đồng/máy, chỉ bằng 25% so với giá các máy khác trên thị trường. Với giao diện đơn giản trên màn hình điện thoại thông minh, hầu hết các đối tượng đều có thể sử dụng được máy đo huyết áp thông minh GAC.
Chỉ với một chạm, người sử dụng có thể đo được huyết áp, lưu lại lịch sử, phân tích, đánh giá tình trạng sức khỏe và có được các lời khuyên, gợi ý… Đồng thời, máy còn được cài đặt để có thể tự động thông báo cho người thân hoặc gọi cấp cứu 115 khi phát hiện dấu hiệu bất thường, nghiêm trọng về sức khỏe.
Một dự án thứ 2 là dự án ứng dụng định vị sơ đồ vị trí, có hiển thị bản đồ tương tác - DefiMaps của nhóm 4 sinh viên Trường Cao đẳng Viễn Đông TP. Hồ Chí Minh sau khi đoạt giải nhì của cuộc thi cũng đã được một doanh nghiệp đầu tư 2 tỷ đồng để phát triển. Dự án còn được đầu tư 200 triệu đồng để góp vốn phát triển ứng dụng.
Dự án DefiMaps có tính năng tìm kiếm như Google Maps nhưng chức năng DefiMaps chủ yếu là định vị người dùng tại các địa điểm công cộng. Lợi ích của DefiMaps là ứng dụng trong các khuôn viên đông người. Chẳng hạn như khi người dân đến bệnh viện thăm khám bệnh, khi mở ứng dụng DefiMaps, người dùng có thể xác định mình đang đứng ở vị trí nào của bệnh viện. Ứng dụng còn cung cấp sơ đồ khuôn viên bệnh viện, sơ đồ nhiều lớp các tòa nhà bệnh viện với từng khoa, phòng cụ thể.
Đây chỉ 2 trong nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên trường nghề đạt kết quả tốt, tham gia gọi vốn thành công. Ngoài ra, đã có hàng trăm sự án của hàng trăm cơ sở giáo dục nghề trên cả nước được ươm mầm từ các cuộc thi cũng gọi vốn thành công.
Không chỉ có các ý tưởng khoa học, gắn với các ngành công nghiệp, công nghệ, nhiều ý tưởng khởi nghiệp, gắn với nông nghiệp cũng được hình thành trên chính ghế nhà trường.
Mới đây, dự án giám sát cây trồng của nhóm 4 sinh viên Trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cũng vinh dự đạt giải khuyến khích trong cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Startup Kite 2022”.
Sinh viên Trịnh Thùy Linh- trưởng nhóm cho biết, dự án được hình thành xuất phát từ thực tế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nơi cô sinh sống. Bắc Ninh vốn là tỉnh phát triển nông nghiệp, tuy nhiên hoạt động sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống đã lấy đi nhiều cơ hội phát triển, nâng cao năng suất thu nhập cho người dân.
Chính bởi vậy, Linh và các bạn trong nhóm quyết định xây dựng mô hình giám sát cây trồng dựa trên thiết bị cảm biến đặt trong giữa trang trại hoặc nông trại.
Theo đó, thiết bị cảm ứng sẽ hoạt động tự động, gắn kết với app theo dõi trên điện thoại. Thiết bị sẽ có chức năng giám sát chỉ số như: Ánh sáng, độ ẩm, nước, không khí... trong nhà lưới của trang trại, từ đó tự động điều chỉnh các thông số cho phù hợp.
"Việc sử dụng thiết bị giám sát có thể tiết giảm tối đa lao động, thay vì phải dùng 5 lao động để chăm sóc 1.000 héc ta diện tích cây trồng thì nhờ có máy này chỉ cần một lao động là đủ. Chưa kể hiệu quả tăng năng suất, chất lượng dinh dưỡng của sản phẩm nông nghiệp..."- Trịnh Thủy Linh nói.
Dù hiệu quả rất cao, nhưng giá thành của chiếc máy này chỉ 35 triệu đồng, thấp hơn 1/10 so với các thiết bị cùng loại có trên thị trường mà các chức năng còn ít hơn.
Trước những thành công này, dự án đã được một số doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ hoàn thiện và mua bản quyền.
“Chưa bao giờ hoạt động đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lại được khởi xướng mạnh mẽ như thời gian này. Cuộc thi Startup Kite là cơ hội để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên tục phải đổi mới, nâng cao chất lượng, qua đó có biện pháp, giải pháp, tạo môi trường thuận lợi để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong học sinh, sinh viên, kêu gọi doanh nghiệp gắn kết hơn nữa với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy ươm mầm khởi nghiệp sáng tạo ngay trong nhà trường" - ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh. |
Quang Anh