Đảng ủy Trường Chính trị đã tổ chức triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác giáo dục lý luận chính trị của Đảng như: Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về "tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân"; Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030"; Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về "tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng"; Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư về "tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới" v.v…
Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Bình Phước luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm trong chức năng, nhiệm vụ của Trường. Quán triệt sâu sắc tinh thần đó trong toàn bộ hoạt động chuyên môn của Trường, từ nghiên cứu soạn giảng, thao giảng, dự giờ, sinh hoạt chuyên môn, giảng dạy, đến các hoạt động nghiên cứu khoa học. Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới đăng tải các bài viết có nội dung về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trên hệ thống các bản tin, Thông tin lý luận thực tiễn của trường; trong kỳ thi giảng viên dạy giỏi năm, Ban tổ chức kỳ thi đã đưa vấn đề công tác đào tạo bồi dưỡng vào đề thi viết để ghi nhận những ý kiến đóng góp, hiến kế của đội ngũ giảng viên cho công tác nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng hướng tới xây dựng trường chính trị chuẩn.
Bám sát quan điểm của Đảng, luôn thể hiện phương châm lý luận gắn với thực tiễn, đặc biệt thực tiễn trong nước và địa phương Bình Phước; giữa lý luận và thực tiễn có căn cứ khoa học, do đó thuyết phục được người học, từ đó, giúp người học không chỉ nắm bắt được lý luận mà còn biết vận dụng lý luận phân tích thực tiễn và vạch ra giải pháp để tác động, thúc đẩy thực tiễn vận động phát triển.
Trường Chính trị tỉnh đã trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản và có hệ thống về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; lý luận, thực tiễn nghiệp vụ và kinh nghiệm về xây dựng Đảng, chính quyền, về công tác Dân vận; giúp cho học viên nâng cao niềm tin vào lý tưởng cộng sản, kiên định và trung thành với Đảng, với sự nghiệp đổi mới; hình thành thế giới quan và phương pháp luận khoa học, biết vận dụng một cách đúng đắn và sáng tạo vào tình hình cụ thể tại địa phương, đơn vị.
Chất lượng đào tạo những năm qua từng bước được nâng lên, uy tín của nhà trường cũng được khẳng định. Điều này không chỉ thể hiện ở số lượng học viên tốt nghiệp ra trường những năm qua, mà quan trọng hơn là sau khi ra trường, đa số học viên đã vận dụng có hiệu quả các kiến thức đã học vào công tác thực tiễn ở địa phương, đơn vị. Điều đó không chỉ được bản thân học viên mà cả các đơn vị, địa phương thừa nhận; nhiều học viên được tập thể tín nhiệm đề bạt, bầu cử đảm nhận những trọng trách quan trọng ở ban, ngành tỉnh, huyện, thị xã và cơ sở, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở địa phương, được quần chúng nhân dân tín nhiệm.
Trong 10 năm qua, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Trường Chính trị tỉnh Bình Phước đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình là đào tạo, bồi dưỡng và cho ra trường 98 lớp với 6.260 cán bộ, đảng viên hệ trung cấp chính trị và hàng trăm lớp bồi dưỡng cho các đối tượng khác nhau với số lượng 21.962 cán bộ, đảng viên. Đã linh động trong việc vận dụng các hình thức đào tạo: tập trung, tại chức, kết hợp trung cấp lý luận chính trị và một trung cấp ngành khác (hành chính, thanh vận, phụ vận). Đội ngũ học viên do nhà trường đào tạo đã góp phần nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Và chính đội ngũ cán bộ này đã cùng với nhân dân địa phương làm nên những thành tựu đổi mới ở Bình Phước hiện nay.
Trường Chính trị tỉnh Bình Phước tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; trong đó, chú trọng nâng cao năng lực người học, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn công tác và tình hình của cơ quan, đơn vị. Trường tập trung thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chuẩn chức danh, phù hợp cho từng đối tượng; bồi dưỡng kỹ năng phục vụ công tác theo nhu cầu vị trí việc làm, theo yêu cầu của công việc, chú trọng kỹ năng giải quyết tình huống thực tiễn.
Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; giáo trình giảng dạy LLCT thường xuyên cập nhật, bổ sung những nội dung mới, tình hình thực tế của đất nước, nhất là của địa phương vào bài giảng, gắn lý luận với thực tiễn các chương trình bồi dưỡng hằng năm cũng được biên soạn công phu gắn với tình huống và kỹ năng xử lý tình huống từ thực tiễn công tác. Thực hiện nghiêm túc Quy định 164-QĐ/TW, ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo kế hoạch hằng năm cho nhiều đối tượng.
Trong giảng dạy chú trọng thảo luận, đối thoại giữa giảng viên và học viên; đổi mới nội dung, hình thức đi thực tế đối với các lớp Trung cấp lý luận chính trị theo hướng thiết thực, hiệu quả đảm bảo đúng thời gian và viết thu hoạch theo đúng quy định. Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục, bồi dưỡng LLCT từng bước được cải thiện, góp phần đáng kể khắc phục tình trạng ngại học, lười học LLCT, dạy và học hình thức… Việc quản lý, đánh giá chất lượng giảng dạy và học tập LLCT ngày càng nền nếp, chặt chẽ. Công tác quản lý học viên được quan tâm hơn. Việc kiểm tra, chấm điểm, đánh giá, xếp loại sát hơn, thực chất hơn, phát huy sự sáng tạo, gắn lý luận với thực tiễn. Đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn LLCT không ngừng được củng cố, nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Đảng ủy Trường Chính trị Bình Phước xác định công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đảng ủy đã tổ chức Hội nghị triển khai và phát động cuộc thi đến toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động và học viên nhằm triển khai sâu rộng, lan toả tinh thần tích cực tham gia cuộc thi với tinh thần nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả cao nhất. Thông qua phát động cuộc thi, nhà trường yêu cầu lãnh đạo các phòng, khoa, giảng viên, chuyên viên tham gia thực hiện nghiêm túc; chủ nhiệm các lớp triển khai, phát động đến toàn thể học viên các lớp Trung cấp lý luận chính trị tại Trường, làm đầu mối nhận bài dự thi của học viên và chuyển cho Phòng QLĐT-NCKH để tập hợp gửi Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Chỉ đạo 35 của Tỉnh ủy.
Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, đôn đốc cán bộ, giảng viên, chủ nhiệm lớp triển khai, đôn đốc học viên tham gia viết bài dự thi; chỉ đạo phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu đăng tải thông tin liên quan đến cuộc thi lên trang thông tin điện tử (trang Website) của Trường gồm: Kế hoạch phát động của nhà trường; Kế hoạch số 1712-KH/HVCTQG ngày 31/01/2023, Kế hoạch số 53-KH/BCĐ, của Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, Quy chế, Thể lệ cuộc thi và các văn bản khác có liên quan đến cuộc thi do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của tỉnh ban hành và tham mưu cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cộng điểm thi đua cá nhân có bài viết tham gia cuộc thi; đề xuất khen thưởng cho các cá nhân đạt giải tại cuộc thi sau khi Học viện công bố kết quả cuộc thi nhằm khuyến khích, động viên tỉnh thần cán bộ, giảng viên, học viên tích cực tham gia cuộc thi.
Qua ba đợt phát động, số lượng bài viết năm sau tăng hơn năm trước (năm 2021 có 20 bài viết; năm 2022 có157 bài (61 bài báo in, 96 bài báo điện tử), năm 2023 có 299 bài của nhiều tác giả . Kết quả năm 2022, Trường chính trị tỉnh Bình Phước có 01 bài tham dự hội thi đạt giải khuyến khích. Nhìn chung chất lượng các bài viết ngày được nâng lên, một số bài có chuyên môn cao, thể hiện sâu sắc tính Đảng, tính chiến đấu, theo phương châm kết hợp chặt chẽ giữa "xây" và "chống", "lấy cái đẹp dẹp cái xấu". Các bài viết dự thi bám sát các vấn đề nổi lên về lý luận, thực tiễn của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay; một số bài khác có nội dung gắn với thực tiễn của địa phương, ngành… thể hiện tư duy lập luận khá sắc bén trước một số vấn đề nổi lên bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá.
Việc chỉ đạo, đổi mới, đa dạng hóa hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: Quán triệt trong đảng bộ, các chi bộ, học viên nhà trường về ý nghĩa, tầm quan trọng, vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Với nhiều hình thức đa dạng như viết tin, báo, tham luận khoa học, xây dựng tình huống trong giảng dạy, học tập lý luận chính trị,... huy động đông đảo, đảng viên, giảng viên, học viên của toàn trường tham gia.
Hằng năm nhà trường có kế hoạch nghiên cứu khoa học, hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu thực tế nhằm góp phần tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận trong giảng dạy và tham mưu chính sách cho tỉnh nhà. Việc thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu, các tuyến bài bảo vệ nên tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch: bao nhiêu đề tài, tiến độ, chất lượng; bao nhiêu bài viết đăng tải trên các tạp chí, bản tin về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đâu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch (có phụ lục thống kê cụ thể).
Trường thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học hằng năm của nhà trường. Năm 2021, Trường đã thực hiện thành công 01 đề tài " Nâng cao năng lực cho học viên các lớp Trung cấp lý luận Chính trị - hành chính tại trường Chính trị Bình Phước trong đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch". Đề tài thực hiện 12 tháng đúng tiến độ. Có 30 bài viết được duyệt đăng trên chuyên mục "Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng", trang website của Trường và 29 bài đăng trên Thông tin Lý luận và thực tiễn của Trường.
Sau nhiều năm đào tạo, bồi dưỡng và thu hút, hiện nay Trường chỉ có 22 giảng viên/31 biên chế đạt 67,74%, trong đó có 11 giảng viên chính và 11 giảng viên. Về trình độ chuyên môn của đội ngũ viên chức nhà trường có 02 tiến sĩ, 18 thạc sĩ trên tổng số 31 viên chức, 18 viên chức có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 03 giảng viên trình độ Trung cấp lý luận chính trị, 02 viên chức có trình độ sơ cấp lý luận chính trị, có 20 giảng viên đã hoàn thành chương trình lớp Bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong các năm qua, Trường Chính trị phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức của trường, tăng cường giảng viên các khoa làm việc kiêm nhiệm ở các phòng hỗ trợ công tác quản lý; mời giảng viên thỉnh giảng trong tỉnh, Học viện Chính trị Khu vực II, Học viện cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, các trường chính trị trong khu vực.
Xác định quá trình học tập tại Trường Chính trị tỉnh là quá trình học tập lý luận chính trị và rèn luyện, tu dưỡng đạo đức phẩm chất cách mạng, vì thế vấn đề rèn luyện là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá xếp loại, làm cơ sở để xem xét tốt nghiệp của các lớp trung cấp lý luận chính trị. Công tác đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Chính trị tỉnh Bình Phước cũng đã thể hiện được yêu cầu toàn diện vừa nâng cao tri thức lý luận, rèn luyện năng lực tư duy, xây dựng bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, khả năng vận dụng vào thực tiễn; vừa nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, năng lực tổ chức, tập hợp, giáo dục, thuyết phục, lôi cuốn quần chúng, huy động sức mạnh tổng hợp của xã hội để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Thạc sỹ Đoàn Văn Dương - Khoa XDĐ, Trường Chính trị tỉnh Bình Phước