Những kỹ năng làm hành trang cho sinh viên

Thứ sáu, 10/02/2017 - 11:12

TCTN - Trong hệ thống đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay đã và đang đi vào đào tạo chuyên sâu, lấy chất lượng đào tạo con người gắn với nghề nghiệp làm thước đo chất lượng đào tạo.

Sinh viên ra trường có kiến thức, tay nghề khá vững. Tuy nhiên, họ vẫn thiếu những kỹ năng làm hành trang tương lai mà lẽ ra họ đã phải được trang bị trong quá trình giáo dục đào tạo tại trường. Do vậy, việc trang bị những kỹ năng là cần thiết cùng với quá trình đào tạo. Trong đó, cần tập trung vào những kỹ năng cơ bản sau:

Kỹ năng nắm bắt thông tin

Trong thời đại hiện nay, sự phát triển của khoa học và công nghệ đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nhà tỷ phú Bill Gate có một câu nói nổi tiếng: Trong thời đại hiện nay, ai là người nắm nhiều thông tin, người đó chiến thắng. Đúng vậy, một sinh viên khi ra trường có trình độ, tay nghề cao chưa chắc bạn đã phát triển và thăng tiến tốt. Kỹ năng này đòi hỏi bạn phải là người năng động, nhạy bén nắm bắt thông tin trong quá trình học cũng như sau khi ra trường. Có khi chỉ cần nắm một chi tiết thông tin nhỏ, song quan trọng bạn mạnh dạn đề xuất cho ra những sản phẩm mới hay đầu tư có tính chất đột phá vào một lĩnh vực nào đó mà xã hội đang cần, chưa ai làm và bạn sẽ là người thành công.

Nắm bắt thông tin nhanh từ nhiều nguồn, nhiều chiều; xử lý phân tích thông tin phải mau lẹ và cuối cùng quyết đoán có cái “gan” là chắc chắn thắng lợi. Do đó, sẽ không cho phép bạn do dự, chần chừ, sẽ làm mất thời cơ, thông tin trôi đi, tất yếu sẽ bị kẻ khác chộp lấy và bạn sẽ hết cơ hội. Để có được kỹ năng nắm bắt thông tin. Mỗi sinh viên phải chủ động đi tìm thông tin; thông tin không đi tìm người và càng không đợi ai. Tìm thông tin trên mọi phương tiện, bằng mọi nguồn có thể, thông qua tài liệu, giáo trình, thầy cô, báo trí, truyền hình mà hiện nay sinh viên khai thác tìm kiếm thông tin chủ yếu thông qua hệ thống mạng internet.

-sinh-vien-tot-nghiep_951bd

Ảnh minh họa

Kỹ năng làm việc nhóm

Khi mà công nghệ thông tin phát triển, nguồn tri thức nhân loại là vô tận. Một con người dù có kiến thức uyên bác nếu không có sự giúp sức, cộng hưởng của một nhóm tập thể bạn cũng khó thành công. Bạn có ý tưởng mới, nhưng bạn thiếu trình độ, thiếu kinh nghiệm, thiếu nguồn vốn…bạn sẽ bất lực, bó tay. Kỹ năng làm việc nhóm rất bổ ích cho sinh viên; mà trực tiếp nhất trong học tập, thi cử, nghiên cứu sáng tạo. Làm việc nhóm sẽ giúp cho sinh viên chia sẻ kiến thức, thông tin, kinh nghiệm… bổ sung những ưu điểm và bù trừ những khuyết thiếu, hạn chế cho nhau.

Kỹ năng tổ chức điều hành

Kỹ năng tổ chức điều hành trong quá trình đào tạo ở trường sẽ trang bị kinh nghiệm, bản lĩnh và nghệ thuật cho các bạn có hoài bão làm “lãnh đạo” sau này. Kỹ năng này hình thành trong thực tế học tập, nghiên cứu khoa học, thực tập, thực nghiệm, thông qua các hoạt động, phong trào của Đoàn, của Hội sinh viên…bằng việc tự lập ra kế hoạch, mục tiêu phấn đấu cho riêng mình, cho tập thể và tổ chức thực hiện những kế hoạch, mục tiêu đó. Đòi hỏi mỗi sinh viên phải mạnh dạn, lao mình vào các hoạt động tập thể; đứng ra chủ trì tổ chức các hoạt động. Quá trình tổ chức, điều hành các hoạt động sẽ không tránh khỏi những sai sót, khuyết điểm, có thất bại; song phải nhận thức đúng những hạn chế, khuyết điểm, mỗi lần thất bại là những kinh nghiệm quý để đi tới thành công và vững vàng, trưởng thành hơn. Luôn luôn cầu thị, tiếp thu, thẳng thắn rút kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến đóng góp, không được tự ti, mặc cảm.

Kỹ năng ngoại ngữ, tin học

Phải nói rằng, ngoại ngữ và tin học ngày nay giữ vị trí vô cùng quan trọng, hai kỹ năng này luôn luôn song hành và là cánh cửa đi đến thành công; nếu thiếu một trong hai yếu tố này coi như bạn đã là người “âm lịch” bạn chỉ còn biết nhìn thông tin và cơ hội trôi đi. Ngoại ngữ, tin học vừa là điều kiện, vừa là phương tiện; ngày nay ai không biết ngoại ngữ, tin học là bạn đang tự trói tay mình, bẻ gãy đi chìa khóa trên con đường lập nghiệp cho tương lai.

Do vậy, trong quãng thời gian ở trường đại học là cơ hội tốt nhất để tích lũy ngoại ngữ và tin học. Bạn đừng mơ mộng cho rằng: khi ra trường, trong quá trình làm việc tích lũy ngoại ngữ, tin học cũng chưa muộn. Bạn sẽ còn rất ít cơ hội, lúc đó bạn sẽ bị chi phối nhiều yếu tố, sẽ khó cho bạn có thể toàn tâm đầu tư cho việc học ngoại ngữ và tin học như khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học.

Kỹ năng giao tiếp, ứng xử

Kỹ năng giao tiếp và ứng xử là điều không thể thiếu trong cuộc sống, là nghệ thuật để chiếm lĩnh niềm tin và là công cụ đi đến thành công của tương lai. Bạn là người có kỹ năng giao tiếp và ứng xử tốt sẽ là động lực lớn cho mình và cho mọi người; phát huy hết tiềm năng, khả năng của mình, của mọi người, lôi kéo mọi người cùng đồng tâm, hợp lực quanh mình, vượt qua mọi khó khăn, tháo gỡ được những mâu thuẫn, vướng mắc. Không ai dạy cho bạn những kỹ năng giao tiếp, ứng xử một cách toàn diện và sâu sắc nhất để cho bạn ra trường vận dụng giải quyết những mâu thuẫn, những vướng mắc một cách hoàn hảo nhất được. Chỉ có thông qua hoạt động thực tiễn trong học tập, trong hoạt động các phong trào, trong sinh hoạt tập thể, trong cuộc sống để bạn tích lũy và hình thành những kỹ năng giao tiếp, ứng xử.

Kỹ năng nhận biết, xử lý

Nhận biết và xử lý là kỹ năng không thể thiếu trong cuộc sống. Đó là sự tự dự báo và chuẩn bị những phương án giải quyết; kỹ năng này phục vụ đắc lực cho kỹ năng nắm bắt thông tin, tổ chức điều hành, giao tiếp ứng xử cũng như phòng vệ trong cuộc sống. Trong cuộc sống những thông tin, những mâu thuẫn, những tình huống trong cuộc sống vô cùng phong phú, đa dạng. Do vậy, người nào nhận biết, dự báo và xử lý tốt những yếu tố trên sẽ là người làm chủ và tương lai là “ông chủ”.

Quá trình thu thập, xử lý thông tin, mâu thuẫn, khó khăn vướng mắc bạn phải dựa trên những căn cứ khoa học và thực tiễn, không thể bằng nhận biết cảm tính, chủ quan, thiếu căn cứ để đưa ra những giải pháp mơ hồ, không tưởng. Bạn nên tham khảo ý kiến những chuyên gia, những người mà bạn tin cậy để xử lý thông tin một cách sáng suốt nhất. Những căn bệnh độc đoán, tự quyết mù quáng, bất chấp quy luật, không tham khảo những ý kiến đóng góp có thể sẽ dẫn bạn đến những phán đoán, dự báo và những biện pháp thiếu sáng suốt, sai lầm và thất bại là điều không bàn cãi, khó cứu vãn.

Kỹ năng phòng vệ trong cuộc sống

Phòng vệ trong cuộc sống là kỹ năng vốn có trong mỗi người, vốn không bao giờ thừa; phòng vệ trong cuộc sống như liều vacxin đề kháng những mầm bệnh trong cơ thể và những căn bệnh đang tấn công từ bên ngoài. Kỹ năng phòng vệ trong cuộc sống giúp những sinh viên vốn bị “quy kết” cho là bị động, chậm thích ứng với công việc, với môi trường và cuộc sống nay trở nên chủ động, sẵn sàng đón nhận những khó khăn thách thức từ công việc và cuộc sống. Từ kỹ năng nhận biết, xử lý mà kỹ năng phòng vệ trong cuộc sống được hình thành. Trong công việc cũng như trong cuộc sống luôn có những thành công và thất bại; cho nên khả năng phòng vệ luôn được đặt ra yêu cầu thường xuyên. Phòng vệ tốt sẽ làm giảm thiểu khả năng những sai sót, sai lầm dẫn đến thất bại,từ đó rút ra những bài học bổ ích; mặt khác, từ những thành công để không thỏa mãn dừng lại mà tiếp tục đề ra những phương hướng, mục tiêu phấn đấu cho những chặng đường tiếp theo.

Những kỹ năng trên là hành trang tương lai cho các bạn. Hãy nắm lấy và vận dụng một cách sáng tạo trong học tập cũng như trong cuộc sống và tương lại; đừng tuyệt đối hóa một kỹ năng nào, các bạn hãy kết hợp sử dụng một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt.

Nguyễn Xuân Hiếu