Dòng phim trinh thám, tội phạm, có chút giật gân và hồi hộp vốn không phải thế mạnh của điện ảnh Việt, cũng không phải là ưu tiên của khán giả đại chúng. Tuy nhiên, đây lại là sở trưởng của đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp, người có 4 tấm bằng thủ khoa đại học Sân khấu Điện ảnh ở hai ngành học. Ấn tượng mà đạo diễn ghi dấu ở dòng phim này vốn đã rất mạnh mẽ trong những phim ngắn trước đó. Vì thế, nhà sản xuất Quang Huy và Wepro Pictures đã tin tưởng và trao “đất diễn” để Tạ Nguyên Hiệp thoả sức vùng vẫy trong không gian sáng tạo của mình.
Kịch tính từ những phút đầu tiên
Ngay từ cảnh mở màn, "Trái tim quái vật" đã có một trường đoạn kịch tính, hấp dẫn, xoay quanh vụ bắt cóc trẻ em. Đây cũng là chìa khóa quan trọng cho bí mật ở cuối phim. Bộ phim nhanh chóng thể hiện được màu sắc, không khí và nhịp độ cuốn hút của mình. Sau đó, vấn đề chính của phim được đặt ra: vụ án mạng gay cấn ở khu chung cư cũ với 4 nghi phạm.
Nạn nhân bị đâm vào cổ bằng một món đồ chơi trẻ em làm bằng sắt, xác bị vứt xuống đống dây điện ở chung cư. Cái chết của nạn nhân gây chấn động cả chung cư. Khánh (Hoàng Thuỳ Linh), cô gái làm nghề mát-xa có đứa con 5 tuổi nhanh chóng lọt vào diện nghi vấn vì hung khí là đồ chơi của con trai cô. Xung quanh Khánh còn có những người cũng thuộc diện tình nghi: tổ trưởng tổ dân phố tham lam (Hứa Vĩ Văn), người tình của Khánh (B Trần) và một ngôi sao điện ảnh hết thời (Trịnh Thăng Bình).
Nhịp phim nhanh, nhiều diễn tiến bất ngờ và những bí mật được giấu kín là những yếu tố khiến bộ phim cuốn từ đầu. Khán giả nhanh chóng bị thu hút bởi vụ án và những bí ẩn đằng sau từng nhân vật. Để rồi đến khi từng sự thật bị lật giở, mọi thứ bùng nổ.
Phản ánh mạnh mẽ, chân thật những mặt tối của xã hội
"Trái tim quái vật" sở hữu một điểm mạnh so với khá nhiều phim Việt cùng thể loại là tính địa phương (local) rất mạnh trong câu chuyện, bối cảnh gần gũi với số đông. Không có những ngôi nhà lung linh, không có siêu xe và những câu chuyện ngọt ngào, "Trái tim quái vật" vẽ ra một góc khuất của Sài Gòn - tối tăm và trần trụi.
Các nhân vật của "Trái tim quái vật" thuộc tầng lớp lao động, trong ánh mắt họ lúc nào cũng loáng thoáng sự tuyệt vọng và cố gắng mưu sinh. Đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp - một người con của Sài Gòn - chính vì đau đáu bởi những mảnh đời nghèo khó, những cảm xúc bí bách từ các vụ án mạng ở những khu nhà cũ mà tạo nên bộ phim.
Phim có bối cảnh thật ở khu chung cư xuống cấp, nhà hoang, đất trống, các bãi rác, gầm cầu, khu chợ cũ… tất cả đều toát lên những nét thân quen như thể hơi thở của Sài Gòn bị nhuốm màu bởi thời gian, bởi cuộc sống vì đồng tiền.
Nhưng cũng chính trong những hoàn cảnh cùng khó đó, vẫn có những mảnh tình yêu len lỏi. Là tình thương vô bờ của Khánh dành cho đứa con trai, mặc kệ miệng đời dè bỉu cô là mẹ đơn thân. Là tình yêu và niềm tin tuyệt đối của Lâm “si tình” dành cho Khánh, người phụ nữ hơn tuổi mình. Là cảm xúc không thể dứt bỏ của chàng diễn viên đã hết thời Dustin với những thứ đã tạo nên chính mình. Là những lầm lạc sinh ra từ chính tình thương.
Sự lột xác xuất thần của tập thể diễn viên
Những diễn viên chính của phim đã có những vai diễn đáng để ghi nhớ và tự hào. Sau 7 năm mới đóng phim trở lại, Hoàng Thuỳ Linh trở thành một nhân vật mà từ đầu chính cô cũng e dè: gái mát-xa, mẹ đơn thân, để mặt mộc và có một cuộc đời đau khổ. Khánh là người có hoàn cảnh, xuất thân, động cơ và cả suy nghĩ đều khác hẳn với Hoàng Thuỳ Linh ngoài đời. Nhưng chính vì quá thương Khánh mà Hoàng Thuỳ Linh đã chấp nhận thử thách, đào sâu về tâm lý nhân vật để mang đến một nhân vật hoàn thiện, đủ khiến khán giả thương cảm và xúc động.
Hoàng Thuỳ Linh không lên gân mà thể hiện những xúc cảm của Khánh rất bình tĩnh, nhẹ nhàng, đúng như đòi hỏi về một người phụ nữ từng trải và đã kinh qua nhiều biến cố cuộc đời.
Hứa Vĩ Văn cũng hy sinh rất nhiều để hoá thân thành một ông già xấu tính, bụng phệ, bị què, hơn mình đến mười mấy tuổi. Đây là vai diễn ấn tượng nhất, và có lẽ khó khăn nhất của Hứa Vĩ Văn. Ông Bé nếu giao cho một diễn viên gạo cội nào đó ngang tuổi đóng thì có lẽ không có gì đặc biệt. Nhưng NSX Quang Huy lại quyết định trao cho Hứa Vĩ Văn, điều tưởng như rất vô lý. Vậy mà Hứa Vĩ Văn lại làm rất tốt. Anh đã chứng tỏ thực lực của một diễn viên có nghề, yêu thương nhân vật và không ngại thử thách.
Trịnh Thăng Bình trong vai tên diễn viên hết thời nhưng đầy khả nghi cũng cho khán giả thấy một góc nhìn rất khác: bí ẩn, hơi quái gở và lắm lúc cũng thật đáng sợ. Nhân vật của Trịnh Thăng Bình đặc biệt, bí ẩn, là mắt xích quan trọng trong toàn bộ bí mật của câu chuyện và giọng ca “Khác biệt to lớn” đã có màn thể hiện ấn tượng, câu dẫn rất tốt.
Đặc biệt nhất phải kể đến B Trần, một nhân vật khó và cực kì ấn tượng. Đây là nhân vật đòi hỏi cảm xúc phức tạp, khả năng phân tích tâm lý và xử lý nhân vật tốt, được đặt để đúng chỗ thì mới tạo được hiệu quả. Và Lâm - với vai trò người nắm giữ bí mật lớn nhất của phim - đã khiến khán giả sốc với những bí mật của mình. B Trần khiến khán giả tin vào nhân vật, vào những đa mang của anh, đau xót cho anh.
Lời thoại chân thật, đời nhưng thấm
Kịch bản "Trái tim quái vật" được Tạ Nguyên Hiệp tạo ra trong 2 năm với rất nhiều sự yêu thương, thấu cảm và tâm huyết. Thế nên bên cạnh câu chuyện có nhiều cảm xúc, mang hơi thở mạnh mẽ của Sài Gòn thì thoại của phim cũng khiến người xem nhớ lâu.
Vì các nhân vật trong phim đều thuộc tầng lớp lao động, mỗi ngày phải sống vì ba bữa ăn nên tất nhiên họ sẽ không “thở” ra những câu thoại quá hoa mỹ hay triết lý. Khánh, ông Bé, Lâm đều có ngôn từ rất chân thật, đơn giản, phản ánh đúng câu chuyện nhưng cũng rất thấm thía. Trong đó phải kể đến câu thoại của nhân vật Khánh khiến khán giả cứ khắc khoải: “Khi bình thường thì ông trời muốn mình làm lại cuộc đời. Đến chừng mình muốn làm lại, thì cuộc đời bắt mình đi bụi”.
Câu nói như gói gọn tâm sự của rất nhiều người oằn lưng mưu sinh trên mảnh đất của dân tứ xứ. Đôi khi vì đồng tiền mà người ta chọn làm những điều không đúng. Đến hồi muốn thay đổi, muốn sống như những người bình thường thì chưa chắc sẽ được như ý. Cuối câu nói, Khánh buông nhẹ một tiếng chửi thề vừa bực dọc mà cũng vừa ấm ức. Câu thoại này không chỉ chiếu lên Khánh, mà còn lên nhiều nhân vật khác trong phim, như một món nợ vay - trả trong đời sống.
Đoạn kết đầy xúc cảm và nhiều hy vọng
Xuyên suốt "Trái tim quái vật" là những mảng màu tối, những khung hình rất đậm tương phản, những tình tiết giật gân và phảng phất nỗi buồn. Một vụ án thương tâm, nhiều nước mắt, sự nghi ngờ, những cú lật mặt và những sự thật ẩn giấu sau lưng mỗi người khiến Trái tim quái vật có một nội dung khá nặng kí. Bộ phim phản ánh hiện thực xã hội, phản ánh sự vội vàng của con người trong cuộc sống mưu sinh. Nhưng cái hay của Trái tim quái vật, chính là ánh sáng của hy vọng le lói trong mớ ngổn ngang đó.
Trong mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện của mỗi người luôn có những điều khiến khán giả trắc ẩn. Khánh nuôi con một mình, muốn mở một tiệm bánh để con sống tốt hơn. Lâm cố gắng kiếm tiền để giúp được người mình yêu đạt được ước mơ. Dì Chiến cứ một mực mắng Lâm “dại gái” nhưng vẫn luôn xuất hiện khi Lâm cần. Suy cho cùng, con người ta sẽ luôn muốn làm gì đó cho người khác, hơn là chính bản thân. Thông điệp này thể hiện sự trắc ẩn và tư duy rất nhân văn của Tạ Nguyên Hiệp. Nó không được gióng trống khua chiêng để thể hiện, mà len lỏi trong những thước phim, những câu thoại, những ánh mắt đau đáu của nhân vật rồi chảy vào trái tim khán giả.
Hồi kết cho những thương tâm của "Trái tim quái vật" khiến người xem rùng mình, ám ảnh, nhất là khi bài hát “Nếu ta gặp lại nhau” do Lân Nhã trình bày vang lên, cộng hưởng thành một không khí bi thương đến tận cùng. Nhưng đâu đó vẫn còn những hy vọng, những tương lai mà người ở lại sẽ viết tiếp.
Hình ảnh cuối phim như một lối thoát khỏi những ám ảnh của quá khứ. Với ngần ấy bi kịch đã xảy ra, thông điệp sống vẫn vang vọng. Nếu sống vì người khhác có thể tạo ra sự tích cực, thì đó cũng là một lựa chọn tốt.
Trong bốn chữ “trái tim quái vật”, nếu “quái vật” là dành cho những cảm xúc day dứt và giận dữ với cuộc đời thì “trái tim” chính là phần mềm yếu, dịu dàng mà mỗi người đều có bên mình, là thứ sẽ giúp tạo nên một cuộc đời khác./.
Lê Anh/VOV