Những "mẹ hiền" âm thầm sau niềm vui của bệnh nhân

Chủ nhật, 26/02/2023 - 08:35

TNV - Trước đây, dị tật bào thai là một trong những vấn đề lớn đối với gia đình và các y bác sĩ, bởi tỷ lệ cứu sống chỉ khoảng 10%. Tuy nhiên, những năm gần đây, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã triển khai kỹ thuật can thiệp bào thai nên hầu hết các thai nhi dị tật đều có cơ hội được sống. Không những thế, các bé sinh ra không còn bị dị tật và phát triển bình thường. Có được kết quả ấy là nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của các y bác sĩ bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Y học bào thai hiện được xem là một trong những kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay.

Điều trị từ khi còn trong bào thai

Trước đây, dị tật bào thai là một trong những vấn đề lớn đối với gia đình và các y bác sĩ, bởi tỷ lệ cứu sống chỉ khoảng 10%. Tuy nhiên, những năm gần đây, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã triển khai kỹ thuật can thiệp bào thai nên hầu hết các thai nhi dị tật đều có cơ hội được sống. Không những thế, các bé sinh ra không còn bị dị tật và phát triển bình thường. Có được kết quả ấy là nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của các y bác sĩ bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Bác sĩ Nguyễn Thị Sim, Phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh (Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội), là người đầu tiên học tập và đưa kỹ thuật chữa bệnh cho bào thai về ứng dụng tại Bệnh viện. Theo bác sĩ Sim, bản thân là bác sĩ nữ, lại công tác trong ngành sản phụ khoa nên luôn thấu hiểu, đồng cảm với từng nỗi lo của những thai phụ. Trong những năm tháng công tác, bác sĩ Sim luôn tìm cách cứu giúp đỡ, đồng hành cùng bệnh nhân suốt thai kỳ. Tuy nhiên, có những ca bệnh mà cả bệnh viện "đau lòng", đó là một số thai nhi bị dị tật bẩm sinh do mắc hội chứng truyền máu song thai và không có cơ hội chào đời.

Năm 2017, được sự thống nhất của UBND TP Hà Nội và Sở Y tế, bác sĩ Sim được cử sang Bệnh viện Necker (Pháp) học kỹ thuật cao. Sau 1 năm học tập, bác sĩ Sim đã hoàn thành khoá học "Ứng dụng laser quang đông để điều trị hội chứng truyền máu song thai". Đây là một kỹ thuật cao chưa bệnh viện công nào tại Việt Nam triển khai được và được hội đồng Bộ Khoa học & Công nghệ phê duyệt quy trình kỹ thuật. Ngày 4/10/2019, bác sĩ Sim và kíp phẫu thuật Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã thực hiện thành công 2 ca mổ can thiệp bào thai đầu tiên.

Theo bác sĩ Sim, can thiệp bào thai để điều trị hội chứng truyền máu là đề tài trăn trở của GS.Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện từ nhiều năm trước. Thời điểm đó, GS. Ánh đã nhận thấy, kỹ thuật can thiệp bào thai đã được thực hiện thành công ở các nước tiên tiến như Pháp, Anh… nhưng Việt Nam chưa có cơ sở y tế nào triển khai thành công. Vì thế, ông luôn mong muốn một ngày nào đó, Việt Nam sẽ thực hiện thành công kỹ thuật này, góp phần cứu sống thai nhi mang lại hạnh phúc cho các gia đình. Vì thế, sau khi đề xuất và được cấp trên đồng ý, Bệnh viện đã cử bác sĩ Sim sang Pháp đi học và ứng dụng tại bệnh viện.

Chữa bệnh cho Bác sĩ Nguyễn Thị Sim thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện

Can thiệp cho gần 300 ca từ trong bào thai

Tuy nhiên, bác sĩ Sim nhớ nhất là ca can thiệp của bệnh nhân Vương Thị Linh (Hà Tây cũ). Theo hồ sơ bệnh án, khi mang thai tới tuần 18, sản phụ Linh thấy chân phù, bụng căng tức nên đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán thai nhi bị truyền máu song thai. Khi đó, cân nặng 2 thai bằng nhau, mỗi em bé nặng 400g. Tuy nhiên, một thai cạn ối còn một thai đa ối và đứng trước nguy cơ có thể chỉ giữ được một thai nhi. Lúc ấy, gia đình bệnh nhân vô cùng hoang mang.

Đến tuần thai thứ 23, bệnh nhân đã được phẫu thuật can thiệp bào thai. Kíp phẫu thuật đã rất tỉ mỉ và vô cùng thận trọng để đông hết các cầu nối truyền máu trên bánh rau, giúp 2 buồng ối cân bằng và 2 thai đều phát triển tốt trở lại. Đến tuần 34, sản phụ chuyển dạ và ngày 28/12/2019, bác sĩ Sim đã đỡ đẻ thành công 2 thiên thần sinh xắn cho sản phụ.

"Quá trình can thiệp bào thai cho sản phụ Linh đòi hỏi sự tinh tế. Với một camera siêu nhỏ đặt trong buồng ối, phải tránh để không xuyên những mũi kim vào em bé hay gây tổn thương các vùng như bánh rau, dây rốn. Quá trình dò từng mạch máu, cầu nối, tổn thương của thai như đi trong đám mây mù, phải từng bước cẩn trọng thì mới hiển thị được vùng cầu nối cần can thiệp trong khi phải đảm bảo không gây sang chấn. Hai bào thai của chị Linh có cuống rốn cách nhau chỉ 2cm. Phải đưa dụng cụ giải phẫu xuyên đúng vào mạch máu giữa hai cuống rốn đó, nếu lệch đường đi, sẽ bị hỏng thai. Với điều kiện buồng ối rất khó quan sát, ống nội soi nhỏ xíu, cả kíp phẫu thuật gần như nín thở để rò mạch máu. Cuối cùng, ca can thiệp đã thành công", bác sĩ Sim nhớ lại.

Theo bác sĩ Sim, Hội chứng truyền máu song thai xảy ra trong thai kỳ của một người mẹ mang thai cặp song sinh cùng trứng, kết nối chung một bánh rau nhưng lại ở khác túi ối. Điều này khiến cho một thai nhận quá nhiều máu nhưng thai còn lại thì ít hơn bình thường. Nếu không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời, một trong hai thai sẽ không thể phát triển tiếp. Với kỹ thuật truyền ối cho thai nhi, có những thai phụ bị thiểu ối chỉ cần truyền ối một lần nhưng có người phải truyền nhiều lần. Kỹ thuật này được chỉ định cho những sản phụ thiểu ối còn nguyên màng ối và tuổi thai từ 16-32 tuần.

Kỹ thuật mới, hiện đại nhất hiện nay

Theo GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, nếu như trước đây, khi bệnh viện chưa thực hiện được kỹ thuật laser quang đông thì những thai nhi có hội chứng truyền máu song thai sẽ có nguy cơ tử vong cao. Trong khi đó, trước năm 2018, tại Việt Nam không có cơ sở nào có thể xử lý được hội chứng này. Vì thế, khi mắc hội chứng truyền máu song thai, có tới 90% là một hoặc cả hai thai bị tử vong. Ngoài ra, các em bé khi đã mắc hội chứng này, sinh ra sẽ bị dị tật rất nặng, thiểu năng trí tuệ hoặc chết lưu trong tử cung người mẹ.

Chữa bệnh cho

Niềm vui của bác sĩ Sim và mẹ con sản phụ vừa chào đời khỏe mạnh

GS. Nguyễn Duy Ánh cũng cho biết, mục tiêu của y học bào thai là chữa bệnh cho thai nhi khi còn nằm trong bụng mẹ. Bào thai trong bụng mẹ nếu có mắc các hội chứng như truyền máu song thai, dải xơ buồng ối, chậm tăng trưởng, song thai không tim, cạn ối, đa ối, thiếu máu... đều có nguy cơ thai bị dị tật hoặc chết lưu. Nhưng giờ nhờ có kỹ thuật này, hầu hết những trường hợp mắc hội chứng truyền máu song thai đều được cứu sống. Hiện nay, thai phụ được điều trị hội chứng truyền máu song thai đạt tỷ lệ sống ít nhất một thai là 85%, tỷ lệ cả 2 trẻ còn sống là 53%. Riêng tỷ lệ thành công của kỹ thuật truyền ối thai nhi để kéo dài tuổi thai lên đến gần 76%, trẻ chào đời khỏe mạnh, phát triển bình thường.

"Hiện nay, chúng ta coi thai nhi như một bệnh nhân. Nếu phát hiện sớm các dị tật và bất thường của thai nhi, các nhân viên y tế có thể cứu chữa được các bệnh lý phức tạp, nguy hiểm với tỷ lệ thành công rất ca", bác sĩ Ánh nói.

GS. Nguyễn Duy Ánh cũng khuyến cáo, khi phát hiện sản phụ có dấu hiệu bệnh, tuyến dưới nếu không làm được gì thì hãy chuyển ngay sản phụ lên với tuyến trên để các bác sĩ có cơ hội chữa, khám, thực hiện thủ thuật vào "giai đoạn vàng", tăng cao khả năng cứu sống sản phụ và thai nhi. Nếu bệnh nhân được đưa vào viện trong giai đoạn thiểu ối, dễ cho bác sĩ cứu chữa và cơ hội giữ được tuổi thai cao hơn, tỷ lệ thành công cao. Nếu đưa bệnh nhân vào giai đoạn hết ối thì khó khăn hơn rất nhiều.

GS. Nguyễn Duy Ánh cho biết năm 2023, bệnh viện sẽ triển khai các kỹ thuật mới sửa chữa các tổn thương của bào thai như thoát vị hoành, tim bẩm sinh, truyền máu thai thiếu máu, ứ nước bể thận, dẫn lưu dịch màng phổi... Trong tương lai, bệnh viện có thể ứng dụng liệu pháp tế bào gốc và gien để điều trị một số bệnh cho thai nhi.

PV