1. Rượu và ung thư vú ở phụ nữ
Các chuyên gia Đại học Y khoa Harvard Mỹ (HMS) vừa kết thúc nghiên cứu, phát hiện thấy thói quen uống rượu ở phụ nữ 'hại nhiều hơn lợi', chỉ cần lượng nhỏ cũng có thể gây bất lợi làm tăng nguy cơ gây bệnh ung thư vú ở phụ nữ. Theo nghiên cứu nói trên, khi ở tuổi 20, 30 nếu phụ nữ có thói quen uống rượu thường xuyên thì vào lúc cuối đời sẽ mắc nhiều bệnh nan y, mặc dù ngay sau đó đã bỏ thói quen này. Cụ thể, uống ít nhất 2 đơn vị rượu/ngày thì nguy cơ mắc bệnh ung thư vú tăng tới 28% (1 đơn vị rượu được quy ra 100ml rượu vang đỏ hay 250ml bia).
Nếu uống từ trên 1,5 đơn vị rượu/ngày thì rủi ro mắc bệnh ung thư vú tăng tới 15%. Người uống 2,5 đơn vị rượu trong vòng 5 năm ở độ tuổi từ 18-40 thì rủi ro mắc bệnh tăng vọt tới 30%. Theo giáo sư Karo Sikora, giám đốc trung tâm ung thư Partner của Anh thì mối liên quan giữa rượu với ung thư vú ở phụ nữ là rất phức tạp, đến nay khoa học vẫn chưa hiều hết, theo đó chỉ cần một lượng nhỏ rượu nhỏ cũng làm thay đổi cấu trúc hormone, mức độ ảnh hưởng của mỗi người mỗi khác. Vì lý do này mà ngay từ khi còn trẻ phụ nữ nên tránh xa rượu để hạn chế nguy cơ mắc bệnh vào cuối đời, nhất là sau tuổi mãn kinh.
2. Châm cứu giảm bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh
Các nhà khoa học Thổ Nhĩ Kỳ vừa công bố nghiên cứu mới, phát hiện thấy tác dụng của liệu pháp châm cứu, nó có thể giúp phụ nữ mãn kinh giảm được các hội chứng khó chịu, đặc biệt là chứng bốc hỏa, giúp phụ nữ điều hòa tâm tính và dễ chịu hơn.
Kết luận trên được rút ra từ nghiên cứu ở 53 phụ nữ mãn kinh, những người này được chia thành hai nhóm, một nhóm gồm 27 người, mỗi tuần châm cứu 2 lần với thời gian dài 10 tuần. Tất cả được châm cứu ở những vị trí nhất định theo cách điều trị truyền thống của người Trung Quốc, mục đích là để tăng cường năng lượng và giải phóng môi chất gây đau của cơ thể có tên là endorphin. Nhóm còn lại dùng liệu pháp giả dược. Kết quả, nhóm được điều trị bằng châm cứu giảm các triệu chứng bốc hỏa và tâm tính ôn hòa hơn so với nhóm dùng giả dược. Theo các nhà khoa học, châm cứu là phương pháp y học cổ truyền đã được người châu Á dùng hàng nghìn năm nay, nó vừa an toàn lại rẻ tiền, dễ áp dụng, đặc biệt phù hợp với nhóm phụ nữ không phù hợp hoặc không muốn dùng liệu pháp thay thế hormone (HRT).
Đánh giá về nghiên cứu trên, ông David Sturdee, chủ tịch Hiệp hội Mãn kinh thế giới (IMS) cho rằng tuy nghiên cứu ở quy mô nhỏ nhưng nó đã làm khoa học quan tâm, trước tiên là giúp phụ nữ khắc phục những chứng khó chịu trong giai đoạn mãn kinh, tăng cường chất lượng cuộc sống và là liệu pháp dễ tiếp cận, dễ áp dụng.
3. Mặt trái của nuôi bằng sữa mẹ
Phải nói ngay rằng việc nuôi con bằng sữa mẹ là tốt nhất, song qua nghiên cứu, các chuyên gia ở Hội đồng nghiên cứu y học Cambridge (MRCE) của Anh lại phát hiện thấy những đứa trẻ được nuôi bằng sữa mẹ lại quấy khóc nhiều, khó tính, ít cười, làm nũng nhiều hơn so với nhóm nuôi bằng sữa công thức.
Theo MRCE thì tính nóng nảy hay hờn dỗi khóc nhiều ở nhóm được nuôi bằng sữa mẹ là một quá trình mang tính tự nhiên chứ không phải dấu hiệu stress hay đói, trong khi đó trẻ nuôi bằng sữa mẹ lại ôn hòa, dễ tính hơn. Tổng thể, nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều ưu thế, giúp hạn chế căn bệnh béo phì, eczema, viêm nhiễm tai, bệnh về đường tiêu hóa, hạn chế khó tính liên quan đến ăn uống khi trưởng thành. Riêng phụ nữ còn giảm được bệnh ung thư vào cuối đời. Theo thống kê, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở Anh hiện nay đứng mức thấp nhất châu Âu, trước đây có 3/4 phụ nữ sinh con lần đầu nuôi con bằng sữa của mình với thời gian 4 tháng nhưng nay giảm còn 1/3, trong khi đó bộ y tế Anh thường xuyên khuyến cáo nên nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất 6 tháng.
Kết luận nói trên của MRCI được dựa vào nghiên cứu tính cách ở trên 300 đứa trẻ 3 tháng tuổi ở Anh nhằm tìm ra cái tốt, xấu giữa hai phương án nuôi con ở giai đoạn đầu đời đối với các bà bầu. Trong số này, có 137 trẻ được nuôi bằng sữa mẹ, 88 trẻ nuôi bằng sữa công thức và 91 trẻ nuôi bằng hai phương pháp trên kết hợp. Kết quả, trẻ nuôi bằng sữa mẹ hờn dỗi, khó tính và quấy khóc nhiều so với nuôi bằng sữa công thức. Cũng qua nghiên cứu các nhà khoa học phát hiện thấy trẻ được cung cấp quá nhiều dưỡng chất thường tăng cân nhanh. Việc cho con ăn thường thiên về tâm lý chung muốn trẻ chóng lớn chứ ít ai quan tâm đến tính cách của trẻ. Vì lý do này, các bà mẹ nên tư vấn về cách cho trẻ ăn mang tính khoa học, và dù bằng sữa mẹ hay sữa công thức cũng không nên cho trẻ ăn quá nhiều, nếu không sẽ tạo cho những cá tính xấu khó sửa ngay từ khi còn nhỏ .
4. Phụ nữ ngày nay đau đẻ dài hơn so với cách đây 50 năm
Viện nghiên cứu y học Mỹ (NIH) vừa kết thúc nghiên cứu và công bố kết quả trên tạp chí Sản khoa và Phụ khoa số ra đầu tháng 4/2012. Theo nghiên cứu này thì phụ nữ hiện đại có thời gian đau đẻ trung bình dài hơn tới 2,5 giờ so với cách đây 50 năm. Nguyên nhân rất đa dạng, do tuổi sinh đẻ của phụ nữ ngày nay cao hơn, cơ thể phụ nữ nặng nề hơn so với cách đây nửa thế kỷ, chính những thay đổi này làm người ta phải thay đổi các phương án đỡ đẻ và hỗ trợ phụ nữ khi vượt cạn. Ngoài ra, việc gây tê ngoài màng cứng cũng là nguyên nhân làm chậm quá trình sinh đẻ ở phụ nữ.
Kết luận trên của MIH dựa trên nghiên cứu ở 44.000 ca sinh trong giai đoạn từ năm 1959-1966 và trên 1.000 ca sinh giai đoạn 2002 đến 2008. Theo nghiên cứu, thì giai đoạn đau đẻ ở phụ nữ được bắt đầu từ lúc co bóp nhưng lại không có hiện tượng đẩy thai, giai đoạn này ở phụ nữ sinh con lần đầu dài hơn tới 2 giờ 36 phút so với cách đây 50 năm và dài trên 2 giờ ở những người đã qua một lần sinh.
Theo bà Katherine Laughn, người đứng đầu nhóm nghiên cứu thì thời gian đau đẻ cũng không đồng nhất. Ví dụ, những người sinh đẻ muộn lại mắc chứng béo phì hay dư thừa trọng lượng thì thời gian đau đẻ lâu hơn, riêng những người sử dụng kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng, giai đoạn đau đẻ kéo dài từ 40-90 phút, nhóm phải mổ đẻ tăng tới 12% so với 3% cách đây 50 năm. Cũng theo nghiên cứu các nhà khoa học còn phát hiện thấy việc dùng dược phẩm tác động không nhỏ đến thời gian sinh đẻ, đặc biệt là dùng Oxytocin để kích thích đẻ nhanh. Cụ thể, có tới 30% phụ nữ hiện đại dùng Oxytocin so với 12% cách đây 50 năm.
Thanh Thủy