Hệ miễn dịch là một tập hợp phức tạp gồm các tế bào bạch cầu, tế bào lympho trong máu, hạch bạch huyết, tủy xương và lá lách, với nhiệm vụ chính là bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn, virus cùng tác nhân gây bệnh khác. Khi hệ miễn dịch bị suy yếu, cơ hội để các loại bệnh tật và virus xâm nhập vào cơ thể sẽ tăng cao. Cũng từ đó tạo điều kiện cho rất nhiều bệnh nguy hiểm xuất hiện, nhất là nhiễm trùng, ung thư...
Một hệ miễn dịch khỏe mạnh là điều thiết yếu để bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật. Tuy nhiên, không phải ai cũng được trang bị hệ thống này một cách tối ưu. Theo Hệ thống Y tế Đại học Pennsylvania, dưới đây là những đặc điểm thường gặp ở người có hệ miễn dịch kém.
1. Mức độ căng thẳng cao ngất ngưởng
Căng thẳng kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất. Theo báo cáo của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, căng thẳng kéo dài có thể làm suy yếu phản ứng của hệ miễn dịch.
Tiến sĩ Nadia Hasan, bác sĩ tại Khoa Nội khoa Delancey, giải thích: "Căng thẳng làm giảm tế bào lympho, các tế bào bạch cầu giúp chống lại nhiễm trùng. Mức tế bào lympho càng thấp, bạn càng có nguy cơ mắc các loại virus như cảm lạnh thông thường".
2. Thường xuyên bị cảm lạnh
Người lớn hắt hơi và sổ mũi vài lần mỗi năm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên bị cảm lạnh, đây là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch của bạn đang gặp khó khăn.
3. Nhiều vấn đề về tiêu hóa
Các triệu chứng như tiêu chảy, đầy hơi hoặc táo bón có thể cho thấy hệ miễn dịch của bạn đang yếu đi. Nghiên cứu cho thấy gần 70% hệ miễn dịch nằm ở đường tiêu hóa. Các vi khuẩn và vi sinh vật có lợi ở đây bảo vệ đường ruột khỏi nhiễm trùng, hỗ trợ hệ miễn dịch. Lượng vi khuẩn có lợi thấp sẽ làm tăng nguy cơ mắc virus và các rối loạn tự miễn dịch.
4. Vết thương chậm lành
Khi bị thương, cơ thể bạn sẽ gửi máu giàu chất dinh dưỡng đến vết thương để giúp tái tạo da mới. Quá trình này phụ thuộc vào các tế bào miễn dịch khỏe mạnh. Nếu hệ thống miễn dịch chậm chạp, vết thương sẽ kéo dài và khó lành.
5. Thường xuyên bị nhiễm trùng
Nếu bạn phải chống chọi với nhiều bệnh nhiễm trùng, hệ miễn dịch của bạn có thể đang gặp vấn đề. Viện Hàn lâm Dị ứng Hen suyễn & Miễn dịch học Hoa Kỳ cho biết các dấu hiệu suy giảm miễn dịch bao gồm:
- Bị nhiễm trùng tai hơn bốn lần trong một năm.
- Bị bệnh viêm phổi hai lần trong một năm.
- Viêm xoang mãn tính hoặc viêm xoang do vi khuẩn hơn ba lần trong một năm.
- Cần dùng hơn hai đợt kháng sinh mỗi năm.
6. Cảm thấy mệt mỏi mọi lúc
Nếu bạn ngủ đủ giấc nhưng vẫn cảm thấy kiệt sức, có thể hệ miễn dịch đang cố nói với bạn điều gì đó. Tiến sĩ Hasan giải thích: "Khi hệ thống miễn dịch gặp vấn đề, mức năng lượng của bạn cũng vậy. Cơ thể bạn đang cố gắng tiết kiệm năng lượng để cung cấp cho hệ thống miễn dịch chống lại vi khuẩn".
7. Thường xuyên thiếu ngủ, mất ngủ
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago cho hay, thiếu ngủ và mất ngủ sẽ làm giảm đáng kể số lượng tế bào miễn dịch mà cơ thể sản xuất. Cụ thể, những người chỉ ngủ từ 4 giờ mỗi ngày sẽ khiến các kháng thể cúm trong máu bị tụt 50% so với người ngủ đủ 7-8 giờ mỗi đêm.
Theo đó, ngủ không đủ giấc sẽ khiến chức năng hệ miễn dịch bị suy giảm. Nhưng không nhất thiết là phải ngủ đủ 8 giờ, chỉ cần mỗi sáng thức dậy cơ thể cảm thấy khỏe mạnh, thoải mái và tràn đầy sinh lực là được.
Làm sao để chúng ta tăng cường hệ miễn dịch?
Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu trên, hãy chú ý hơn đến hệ miễn dịch của mình. Một số thay đổi lối sống có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe:
- Ăn một chế độ ăn uống cân bằng.
- Ngủ đủ giấc.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Rửa tay thường xuyên.
- Duy trì tiêm vắc-xin.
- Giữ cân nặng ở mức khỏe mạnh.
- Không hút thuốc.
- Giảm thiểu căng thẳng.
Bảo Nam