Hệ thống miễn dịch có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi các chất độc hại, vi khuẩn và các thay đổi tế bào có thể khiến bạn bị bệnh. Do đó, việc tăng cường miễn dịch là điều cần thiết để có một sức khoẻ tốt, không bệnh tật.
Tuy nhiên, hệ miễn dịch dễ bị ảnh hưởng qua chế độ ăn uống và lối sống hàng ngày. Nếu bạn thường xuyên duy trì 6 thói quen này, miễn dịch bị suy yếu và cơ thể bạn dễ bị nhiễm bệnh hơn và có thể xảy ra liên tục.
1. Uống nhiều rượu
Uống nhiều rượu không chỉ ảnh hưởng đến gan, nhận thức,... mà còn ảnh hưởng đến miễn dịch. Có hai cách chính mà rượu ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Cách đầu tiên là thông qua đường tiêu hóa. Cách thứ hai là ảnh hưởng đến kháng thể.
Đối với đường tiêu hoá, đây là cơ quan mà rượu tác động đầu tiên. Mà đường ruột có chứa rất nhiều lợi khuẩn giúp tăng cường miễn dịch. Do vậy, khi uống nhiều rượu sẽ làm thay đổi lượng vi khuẩn có lợi này và ảnh hưởng đến miễn dịch.
Ngoài ra, rượu cũng gây tổn thương các tế bào ở lớp ngoài của dạ dày và ruột. Kết quả là, vi khuẩn có thể rò rỉ từ đường tiêu hóa vào máu của bạn, điều này có thể khiến bạn bị bệnh.
Đối với kháng thể, kháng thể (tế bào T và tế bào B) phát hiện và loại bỏ các chất có hại cho cơ thể, bao gồm vi khuẩn và vi-rút. Tuy nhiên, việc uống nhiều rượu trong thời gian dài có thể dẫn đến ít tế bào T và tế bào B hơn. Điều này có nghĩa là ít kháng thể hơn để chống lại sự tấn công từ bên ngoài.
Dấu hiệu cho thấy bạn uống quá nhiều rượu
- Cảm thấy đầy hơi và khó chịu
- Khó khăn khi đại tiện
- Cảm thấy lo lắng, bồn chồn khi không uống
- Buồn ngủ, chuếnh choáng và cảm thấy ngủ không ngon sau khi uống rượu bia
- Suy giảm đời sống tình dục.
2. Ngủ ít
Giấc ngủ ảnh hưởng đến sức khoẻ tổng thể theo nhiều cách. Việc ngủ ít ảnh hưởng trực tiếp đến hệ miễn dịch.
Trong khi ngủ, hệ thống miễn dịch của bạn giải phóng các protein gọi là cytokine, một số trong đó giúp thúc đẩy giấc ngủ. Một số cytokine nhất định cần tăng lên khi bạn bị nhiễm trùng hoặc viêm, hoặc khi bạn bị căng thẳng.
Thiếu ngủ có thể làm giảm sản xuất các cytokine bảo vệ này. Ngoài ra, các kháng thể và tế bào chống nhiễm trùng cũng bị giảm trong thời gian bạn không ngủ đủ giấc.
Do vậy, nếu bạn thường xuyên ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm thì bạn dễ bị mệt mỏi, ốm vặt thường xuyên hơn.
Một số dấu hiệu cảnh báo bạn đang không ngủ đủ giấc:
- Mệt mỏi
- Buồn ngủ
- Kém tập trung
- Có vấn đề về trí nhớ
3. Ăn ít rau
Rau là nhóm thực phẩm giàu chất xơ. Mà chất xơ có thể nuôi dưỡng và giúp các vi khuẩn có lợi trong đường ruột hoạt động tốt hơn. Khi đường ruột khoẻ mạnh đồng nghĩa với việc miễn dịch mạnh mẽ.
Hơn nữa, các loại rau xanh có chứa nhiều chất có tác dụng giúp tăng cường hệ miễn dịch như vitamin C, vitamin A và folate.
Do đó, nếu bạn ăn ít nhóm thực phẩm này, hệ miễn dịch sẽ không được tăng cường. Kết hợp cùng việc chịu nhiều tác động có hại, miễn dịch dễ bị suy yếu và cơ thể dễ bị nhiễm trùng.
Trong mọi bữa ăn bạn nên bổ sung đầy đủ rau củ quả, đặc biệt ưu tiên các loại rau xanh và rau họ cải.
4. Ăn nhiều đường
Một chế độ ăn quá nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, béo phì và tiểu đường. Ngoài ra, ăn nhiều đường cũng làm suy yếu hệ miễn dịch.
Khi ăn những thực phẩm nhiều đường, lượng đường trong máu tăng lên. Điều này có thể gây hại cho chức năng hàng rào ruột và gây mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, từ đó có thể làm thay đổi phản ứng miễn dịch của bạn và khiến cơ thể bạn dễ bị nhiễm trùng hơn.
Ngoài ra, lượng đường trong máu cao cũng có thể ức chế phản ứng của bạch cầu trung tính và thực bào, hai loại tế bào miễn dịch giúp bảo vệ chống nhiễm trùng.
Bạn nên hạn chế ăn thực phẩm và đồ uống có nhiều đường, bao gồm kem, bánh ngọt, kẹo và đồ uống có đường để cải thiện sức khỏe tổng thể và thúc đẩy chức năng miễn dịch khỏe mạnh.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị rằng nên hạn chế tiêu thụ lượng đường bổ sung không quá 6 muỗng cà phê mỗi ngày đối với phụ nữ và không quá 9 muỗng đối với nam giới.
5. Ăn nhiều muối
Tiêu thụ quá nhiều muối có liên quan đến huyết áp cao và thậm chí có thể làm tăng nguy cơ tử vong sớm.
Đặc biệt, nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ quá nhiều muối có thể khiến nồng độ natri trong huyết thanh tăng quá cao. Natri có thể tích tụ ở những nơi không nên tích tụ—như các vị trí viêm trong cơ thể. Vì các tế bào miễn dịch đóng vai trò trong phản ứng viêm của cơ thể, điều này cuối cùng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các tế bào miễn dịch đó.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, mức tiêu thụ muối trung bình của người trưởng thành mỗi ngày chỉ khoảng 5g.
6. Uống nhiều caffeine
Sử dụng đồ uống có chứa caffeine sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn nhưng nếu uống quá nhiều có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
Điều này xảy ra là do caffeine có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Đặc biệt, nếu uống quá nhiều và uống vào buổi chiều tối sẽ khiến bạn bị mất ngủ, gián đoạn giấc ngủ,... Tình trạng này sẽ tăng chứng viêm và ảnh hưởng tới khả năng miễn dịch.
Để tránh ảnh hưởng của caffeine đến miễn dịch, bạn nên tránh tiêu thụ quá 400mg caffeine/ngày. Không uống đồ uống có chứa caffeine sau 2 giờ chiều.
Trên đây là 6 thói quen có thể làm suy yếu hệ miễn dịch. Ngoài việc tránh 6 thói quen này, bạn cũng nên bỏ thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, sinh hoạt lành mạnh,... để có một hệ miễn dịch khoẻ mạnh và tránh bị nhiễm trùng.
Nguồn và ảnh: Healthline