Những nguy cơ khi Israel tiến hành chiến dịch trên bộ ở Gaza

Thứ hai, 16/10/2023 - 06:43

Israel có đủ sức mạnh quân sự để tiến hành một chiến dịch quân sự ở Gaza nhưng lực lượng Hamas cũng đã chuẩn bị cho kịch bản này. Cái giá phải trả cho một cuộc tấn công như vậy sẽ rất lớn.

Kế hoạch tấn công của Israel

New York Times dẫn lời các sĩ quan cấp cao của Israel cho hay, trong những ngày tới, quân đội nước này dự định chiếm lấy thành phố Gaza của Dải Gaza và tiêu diệt đội ngũ lãnh đạo hiện nay của lực lượng Hamas .

Ngoài bộ binh, lực lượng tấn công của Israel sẽ bao gồm xe tăng, biệt kích và công binh, các quan chức cho biết thêm. Lực lượng mặt đất sẽ được hỗ trợ bởi máy bay chiến đấu, trực thăng, máy bay không người lái và pháo binh bắn từ đất liền và trên biển.

Israel triển khai xe tăng, xe thiết giáp ở khu vực phía Nam, dọc biên giới với Dải Gaza. Ảnh: Getty

Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), ngày 14/10 cho biết mục tiêu của họ sẽ là “đánh bại Hamas và tiêu diệt các thủ lĩnh của tổ chức này sau cuộc tàn sát đã xảy ra”.

Cuộc tấn công của Israel ban đầu được lên kế hoạch vào cuối tuần trước nhưng bị trì hoãn, một phần do điều kiện nhiều mây khiến phi công và người điều khiển UAV khó yểm trợ lực lượng mặt đất.

Tuần trước, quân đội Israel đã huy động 300.000 quân dự bị để bổ sung vào đội quân thường trực 170.000 người và đã tập trung lực lượng này gần biên giới với Gaza.

Lực lượng Hamas được cho là có khoảng 30.000 chiến binh, chỉ bằng 1/10 so với lực lượng của Israel, đồng thời không có xe tăng cũng như ưu thế trên không trước đối phương.

Với tỷ lệ áp đảo như vậy, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) có cơ hội rất lớn để đánh chiếm khu vực Dải Gaza, bao gồm cả thành phố Gaza.

Nguy cơ thảm họa nhân đạo

Nếu Israel tiến hành chiến dịch trên bộ ở Gaza, nơi có mật độ dân cư đông nhất hành tinh, cái giá phải trả sẽ rất lớn. Với ưu thế quân sự của Israel, một cuộc tấn công như có thể gây hậu quả nhân đạo rất thảm khốc.

Hamas từ lâu đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tấn công của Israel và đã đào một mạng lưới đường hầm phức tạp trên khắp Gaza nhằm cho phép lực lượng của họ sống sót sau các cuộc không kích. Trước đây Israel có thể phát hiện được một số đường hầm do chúng được đào xuyên qua hàng rào biên giới ở độ sâu tới 70m.

Dải Gaza là một trong những khu vực đông dân nhất thế giới và địa hình đô thị sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quân phòng thủ, trong trường hợp này là Hamas, khi họ cố gắng chống trả. Bên tấn công sẽ phải tìm cách chiếm từng tòa nhà. Israel cũng có thể bị cản trở nếu Hamas sử dụng chiến lược rải mìn dày đặc giống như Nga đã thực hiện để ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine.

Israel cũng đã lên kế hoạch và nếu IDF giành được quyền kiểm soát các lối vào đường hầm thì họ có nhiều khả năng sẽ gài mìn hơn là cố gắng xâm nhập vào các đường hầm đó. Nhưng nếu không thể kiểm soát hoàn toàn mạng lưới đường hầm, nơi có thể đặt các sở chỉ huy của Hamas, bất kỳ sự kiểm soát quân sự nào ở phía Bắc Gaza sẽ không được đảm bảo.

Việc Israel yêu cầu thường dân Palestine rời khỏi miền Bắc Gaza cho thấy IDF có ý định quét sạch các chiến binh Hamas ở khu vực này. Ý định của họ dường như đã được báo trước bằng một cuộc không kích khiến hơn 1.500 người Palestine thiệt mạng.

Toàn bộ khu vực lân cận, chẳng hạn như Rimal ở thành phố Gaza, đã bị san bằng. Lực lượng không quân của Israel cho biết họ đã thả 6.000 quả bom xuống các mục tiêu của Hamas tính đến ngày 12/10 và tấn công thêm 750 mục tiêu vào sáng hôm sau.

Marc Galasco, cựu điều tra viên của Liên Hợp Quốc về tội phạm chiến tranh, lưu ý rằng con số này gần tương đương với số quả bom được thả nhiều nhất trong một năm của lực lượng NATO ở Afghanistan: 7.423 quả.

Một cuộc tấn công trên bộ nếu xảy ra chắc chắn sẽ rất đẫm máu khi nhiều thường dân Palestine thiệt mạng hoặc vẫn bị mắc kẹt trong tình trạng không có chỗ ở, thức ăn và điện mà không có sự hỗ trợ nào. Điều này có thể làm suy giảm sự ủng của quốc tế dành cho Israel, vốn đang tăng cao sau cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10 khiến 1.300 thường dân Israel thiệt mạng.

Giao tranh có thể kéo dài

Chiến dịch trên bộ sắp tới có nguy cơ đẩy Israel vào nhiều tháng giao tranh đô thị đẫm máu, cả trên mặt đất và trong vô số đường hầm.

Nếu giành được quyền kiểm soát nửa phía Bắc của Gaza, chiến lược trung hạn của Israel sẽ là gì? Sẽ rất hợp lý nếu hướng về phía Nam, bởi một cuộc tấn công nhằm mục đích loại bỏ Hamas với tư cách là lực lượng kiểm soát Gaza chỉ có ý nghĩa nếu Israel chiếm được toàn bộ dải đất này.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 11/10 cho biết mục tiêu của Israel là loại bỏ Hamas. Dù vậy, với tư cách là lực lượng nắm quyền kiểm soát ở Gaza, vai trò Hamas đã ăn sâu vào xã hội của vùng đất này.

HA Hellyer, nhà phân tích của Viện nghiên cứu RUSI có trụ sở ở London, Anh cho rằng để nắm quyền kiểm soát, Israel sẽ phải “hủy bỏ toàn bộ năng lực quản lý [của Hamas] ở Gaza” và thay thế bằng chính quyền quân sự nhưng cũng sẽ phải đối mặt với một cuộc nổi dậy.

Hasan Alhasan, một chuyên gia về Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế đặt câu hỏi: liệu có bất kỳ chiến lược quân sự khả thi nào ngoài việc thanh lọc sắc tộc toàn diện ở Gaza có thể dẫn đến sự thất bại vĩnh viễn của Hamas hay không và liệu Israel có đang rơi vào một cái bẫy do Hamas giăng ra hay không?

Theo ông Alhasan là Hamas sẽ tái sinh “trong một hoặc hai thế hệ” vì lực lượng này có thể tập hợp sức mạnh từ dân số 2,3 triệu người của Gaza, với những tân binh được nuôi dưỡng bằng ký ức về quá khứ bạo lực.

Hoàng Phạm/VOV.VNTheo Guardian, NY Times,