Những trang trại thu bạc tỷ  trên địa bàn xã Dương Huy

Thứ sáu, 06/11/2015 - 14:53

TNV - Là thành phố công nghiệp, nên Cẩm Phả (Quảng Ninh) chỉ có 3 xã trong tổng số 13 xã phường thuộc thành phố thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là Dương Huy, Cộng Hòa và Cẩm Hải. Và đến nay cả ba xã đều về đích nông thôn mới trước mục tiêu của tỉnh 01 năm và cả nước 06 năm.

Những trang trại thu bạc tỷ mỗi năm

Theo chân những cán bộ trẻ của Phòng Kinh tế thuộc UBND thành phố Cẩm Phả về xã Dương Huy, xã điển hình của thành phố với những trang trại thu bạc tỷ mỗi năm. Đó là trang trại của hộ gia đình ông Đào Ngọc Sâng, Liêu Văn Năm và Lý Văn Sinh.

Ở thôn Tha Cát, trang trại rồng trọt chăn nuôi tổng hợp của ông Liêu Văn Năm có tổng diện tích 260.000m2. Trên diện tích 235.000m2 đất sản xuất trồng cây lâu năm, ông trồng 1.800 cây thanh long ruột đỏ, loại trái cây đang được ưa chuộng trên thị trường. Hiện nay, vườn thanh long mới bắt đầu cho thu hoạch ước tính cũng thu nhập trên 100 triệu đồng. Ông đang dự tính tiếp tục trồng xen canh giữa những hàng cây thanh long khoảng 10.000 cây đinh lăng, và nhiều loại cây dược liệu khác, để nâng cao hiệu suất sử dụng đất.

Bên cạnh đó, các khu vườn trồng nhãn, vải, đu đủ, chuối, cây cảnh của ông mỗi năm cũng cho thu hoạch từ 150 đến 200 triệu đồng. Cùng với diện tích trồng cây ăn quả, ông còn tận dụng những triền đất dốc trồng cây lâm nghiệp như keo, bạch đàn... cho thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm.

Từ 10.000m2 nuôi trồng thủy sản, mỗi năm cho gia đình ông thu về 200 đến 250 triệu đồng từ ao cá thả các loại như cá chim, trắm, chép, mè, ..và đặc biệt là cá rô đầu vuông.

Với 04 con lợn nái, mỗi năm gia đình ông cũng có từ 80 đến 100 con lợn con, đủ cung cấp con giống cho gia đình tự nuôi để xuất bán lợn thịt từ 5 đến 10 tấn, cho thu hoạch gần 450 triệu đồng, đưa tổng thu nhập hàng năm đạt 1,5 đến 1,7 tỷ đồng , trừ mọi khoản chi phí cũng lãi được ngót nghét 1 tỷ đồng / năm.

Mô hình trang trại của ông Lý Văn Sinh ở thôn Tân Tiến cũng giống như mô hình của ông Năm. Trên diện tích đất sản xuất trồng cây lâu năm, ông trồng trên 2.000 cây ăn quả các loại, hiện đang thu hoạch được 800 triệu đồng. Ngoài cây ăn quả, gia đình ông trồng cây keo lấy gỗ, mỗi năm cũng cho thu nhập khoảng 700 triệu đồng.

Ông chăn 5 con lợn nái loại siêu nạc, mỗi năm sinh sản được trên 100 lợn con, cung cấp cho gia đình tự nuôi và giúp đỡ nhiều hộ khó khăn không có vốn đầu tư chăn nuôi đến khi bán lợn thịt thì mới hoàn trả. Lúc nào trong chuồng của ông cũng có từ 3 đến 4 đàn lợn thịt, xuất bán trung bình 14 tấn mỗi năm cho thu hoạch gần 600 triệu đồng. Để khắc phục ô nhiễm môi trường do sản xuất chăn nuôi gây ra, ông đã xây bể khí bioga trên 50 khối.

Trên đất thì ông tận dụng mọi chỗ để trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ và chăn nuôi lợn, dưới ao thì ông cũng chú trọng chăn thả các loại giống cá như trắm, chép, mè, chim...; mỗi năm thu hoạch từ 50 đến 100 triệu đồng.

Từ chăn nuôi và trồng trọt, gia đình ông thu được 2,2 đến 2,4 tỷ đồng/năm, và thu lãi mỗi năm từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng.

Trang trại của gia đình ông Sâng ở thôn Tân Hải có tổng diện tích là 20.129m2. Trong đó diện tích đất trồng cây lâu năm là 14.129m2, diện tích đất nuôi trồng thủy sản là 5.000m2 và diện tích đất chăn nuôi gia súc gia cầm 1.000m2. Với mô hình VAC khép kín, trên diện tích đất sản xuất trồng cây lâu năm, ông trồng trồng 150 cây bưởi diễn, 1.300 cây cam vinh, 150 cây nhãn muộn, và nhiều loại cây khác, cho thu hoạch mỗi năm trên 800 triệu đồng.

Về thủy sản ông cũng thu được từ 70 đến 100 triệu đồng/năm từ ao thả các loại giống như cá trắm, chép, mè, rô phi...Ngoài ra, ông mới đưa vào nuôi thử nghiệm 800 con ba ba gai hiện đang phát triển rất tốt, hứa hẹn tiềm năng cho hiệu quả kinh tế cao.

Trên diện tích đất dùng để chăn nuôi, ông thực hiện qui trình khép kín, xây bể khí bioga trên 30 khối, vừa để lấy năng lượng đun nấu và sưởi ấm vào ngày đông giá lạnh vừa để giữ gìn vệ sinh môi trường.

Đã dăm năm nay, mỗi năm 8 con lợn lái trong chuồng cho xuất từ 160 đến 200 lợn con cho thu nhập từ xuất lợn con khoảng 200 đến 250 triệu đồng và thu từ bán lợn thịt gần 700 triệu đồng (tương đương với 16 tấn). Tổng thu nhập bình quân đạt 1,7 đến 1,8 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi từ 8 đến 9 trăm triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, năm nào ông cũng giúp cho 15 đến 20 hộ gia đình không có vốn chăn nuôi, được mượn lợn giống đến khi bán lợn thịt thì mới hoàn trả, tạo điều kiện cho bà con trong xã phát triển chăn nuôi, cải thiện và nâng cao đời sống.

Gắn cả cuộc đời với nghề nông và làm giàu từ đất rừng

Trong khi bà Sâng đon đả chạy ra vườn trẩy cam mời khách, thì chị Ngọc và anh Bình (cán bộ của Phòng Kinh tế) đưa tôi đi thăm trang trại, đến tận nơi các khu vườn trồng vải, nhãn, cam, hồng, mía, táo... Theo chị Ngọc, bốn mùa trong năm lúc nào vườn nhà ông Sâng cũng có đủ các loại cây, trái để thu. Tháng 6 thì thu vải, tháng 8 thu nhãn, tháng 9 thu hồng không hạt, tháng 10 và tháng 11 thu cam, mía thu vào tháng 11 và 12, táo thu từ tháng 1 đến tháng 3. Đấy là chưa kể đến các khoản thu khác từ chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, gà đồi, cá… cũng rải đều suốt quanh năm.

Không cho từng tấc đất được nghỉ, luôn luân canh tặng vụ đó là phương châm canh tác của ông Đào Ngọc Sâng người nông dân quê ở Hưng Yên và đã có mấy chục năm gắn bó với đất rừng Dương Huy.

Bên cạnh việc thâm canh tăng vụ, ông cũng luôn tìm cách làm giàu cho đất, trăn trở áp dụng những giống mới cho giá trị kinh tế cao như trồng hàng ngàn cây nhãn thốn trái vụ, nuôi ba ba gai…

Học được những phẩm chất quý từ ông, mặc cho những hấp dẫn từ các nhà máy, công trường sản xuất công nghiệp ở gần đó mời gọi, những người con cháu của ông đều chăm chỉ tăng gia sản xuất, yêu quý và gắn bó cuộc đời mình với nghề nông và cả gia đình ông đều đã làm giàu từ nghề nông, từ đất rừng của mình./.

Dưới đây là một số hình ảnh:

Bà Sâng hái cam mời khách.



Bể nuôi ba ba gai.

Một góc của khu chăn nuôi lợn, gà.

Trên vườn thì trồng cây trái, dưới ao thì chăn thả cá.

Phạm Quỳnh