Những yêu cầu đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức góp phần thực hiện mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030

Thứ ba, 24/09/2024 - 15:26

Tóm tắt: Nối tiếp những thành tựu đã đạt được, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Bài viết đánh giá khái quát thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở Tỉnh Quảng Ngãi sau nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, nhận diện một số yêu cầu đặt ra cho công tác này trong giai đoạn đến để kịp thời đề ra giải pháp cụ thể hiện thực hóa các mục tiêu về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tình hình mới.

Từ khóa: cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tỉnh Quảng Ngãi.

1. Đào tạo, bồi dưỡng – Giải pháp quan trọng góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được các chính đảng, quốc gia xem là công việc hệ trọng, liên quan mật thiết đối với vận mệnh, sự phát triển bền vững của đất nước. Theo V.I. Lênin, "Nghiên cứu con người, tìm những cán bộ có bản lĩnh. (...) đó là then chốt; nếu không thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn" [1]. Ở nước ta, từ thời phong kiến, dưới triều đại Lê Sơ, ý thức về vai trò đặc biệt quan trọng của quan lại là nhận thức bao trùm và chỉ đạo mọi nỗ lực xây dựng đội ngũ quan lại trong suốt cuộc đời làm vua của Lê Thánh Tông, đó là "Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn", "Một nước trị hay hay dở là do ở vua và quan giỏi hay dở…" [2]. Tiếp nối những tư tưởng tiến bộ, tinh hoa trong và ngoài nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc" [3] và "Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém" [4]. Thấm nhuần quan điểm đó, trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là nhiệm kỳ Đại hội XII và Đại hội XIII, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm rất lớn đối với công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Tại Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, Đảng ta xác định "…phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân…" [5], trong đó đảm bảo các yêu cầu "xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiệt với nhân dân …" [6]. Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu trên, thật sự "là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc", các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần quan tâm thực hiện tốt các khâu của công tác cán bộ, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng.

2. Tỉnh Quảng Ngãi chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung; tạo điền đề để đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước [7], Tỉnh Quảng Ngãi xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là một trong 3 nhiệm vụ đột phá. Trên cơ sở này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và ban hành các nghị quyết chuyên đề, đề án, quy chế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh[1]. Một số chủ trương lớn, mang tính đột phá, có định hướng chiến lược lâu dài trong công tác đào tạo, bồi dưỡng được ban hành, thể hiện quan điểm, quyết tâm của lãnh đạo Tỉnh về việc đầu tư phát triển con người, đặc biệt là đội ngũ cán bộ các cấp như: "cân đối, bố trí ở mức bình quân 10 tỷ/năm trong giai đoạn 2022 - 2025 để hỗ trợ 100% chi phí đào tạo cho cán bộ được chọn cử đi đào tạo tiến sỹ trong nước và thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài" (nhóm nhiệm vụ Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, thực hiện chính sách, Đề án số 12-ĐA/TU, ngày 27/01/2022); "luân chuyển cán bộ trẻ, triển vọng cấp tỉnh, cấp huyện về làm bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã (ưu tiên lựa chọn từ đội ngũ cán bộ đang giữ chức vụ trưởng, phó trưởng phòng cấp tỉnh, cấp huyện có quy hoạch chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý dưới 40 tuổi luân chuyển về cơ sở" (nhóm nhiệm vụ, giải pháp về luân chuyển để đào tạo cán bộ, Đề án số 12-ĐA/TU, ngày 27/01/2022).

Từ chủ trương trở thành hành động cụ thể, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, có 45.692 lượt cán bộ, công chức, viên chức được Tỉnh cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước [8], trong đó có 4.896 lượt được cử đi đào tạo về chuyên môn và lý luận chính trị[2]; 40.796 lượt được cử đi bồi dưỡng về nghiệp vụ xây dựng Đảng, nghiệp vụ đoàn thể, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học, cập nhật kiến thức, kỹ năng và bồi dưỡng về công tác quốc phòng – an ninh[3]. Nhờ sự quan tâm và thực hiện tốt khâu đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Tỉnh đã ngày càng được nâng cao, cụ thể: 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, 99,38% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, 82,67% đội ngũ cán bộ, công chức viên chức có trình độ đại học trở lên; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp cơ bản đạt chuẩn và trên chuẩn; đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã được chuẩn hóa, số lượng cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học và trên đại học tăng nhanh, đạt tiêu chuẩn chức danh theo quy định ngày càng cao; 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp đã được đào tạo trung cấp lý luận chính trị trở lên; 100% cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được đào tạo cao cấp, cử nhân chính trị. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng kiến thức kỹ năng quản lý, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề, bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo quản lý, bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ chiếm tỷ lệ cao, với 40.796 lượt/27.790 người, tỷ lệ 146,80% [9]. Những kết quả trên góp phần đưa Tỉnh đến gần với các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại các Nghị quyết, Đề án về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức[4]. Sau đào tạo, bồi dưỡng, nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã vận dụng linh hoạt kiến thức học được vào thực tiễn công tác tại cơ quan, đơn vị gắn với chức trách, nhiệm vụ, vị trí công tác.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn tồn tại một vài hạn chế, cụ thể như:

Một số chủ trương về đào tạo, bồi dưỡng chưa được thực hiện đầy đủ do chậm cụ thể hóa; có đơn vị, địa phương chưa thật sự coi trọng và tạo điều kiện cho cán bộ học tập nâng cao trình độ; nhiều cán bộ có thái độ học tập hời hợt, coi thường việc học lý luận chính trị, thiếu tích cực khi tham gia các chương trình bồi dưỡng; có trường hợp ngược lại rất tích cực, nhưng do tuổi tác, năng lực quá hạn chế nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tri thức mới, nhất là kiến thức về chuyển đổi số, hội nhập quốc tế; không ít người học có suy nghĩ đi học để hoàn chỉnh bằng cấp, để đẹp hồ sơ, đủ điều kiện bổ nhiệm chứ không chú trọng đến kết quả học tập; chất lượng, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng có mặt còn chưa đáp ứng yêu cầu người học; kết quả đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng tốt với yêu cầu, mục tiêu, định hướng của Tỉnh về xây dựng đội ngũ cán bộ, rất ít cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; phương pháp, kỹ năng giải quyết công việc, xử lý tình huống phát sinh trong thực tiễn còn lúng túng, thiếu quyết đoán [10]...

3. Một số yêu cầu đặt ra và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030

Thứ nhất, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức

Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các Đề án, Quy chế và Nghị quyết mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trong đó, yêu cầu thủ trưởng từng cơ quan, đơn vị xác định rõ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc hệ trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh nhà trong nhiều nhiệm kỳ đến, từ đó có sự quan tâm và hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ được học tập nâng cao trình độ; khắc phục tình trạng cán bộ bị chi phối khi vừa xử lý công việc chuyên môn và tham gia các hoạt động của cơ quan, vừa tham gia học các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

Sớm thể chế các chủ trương tại Đề án 12 về hỗ trợ kinh phí nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học trong và ngoài nước thành quy định cụ thể của chính quyền để triển khai thực hiện thống nhất và đồng bộ.

Có kế hoạch sơ kết, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách mà tỉnh đã ban hành liên quan đến công tác cán bộ nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng nói riêng để kịp thời rút kinh nghiệm, cần thiết thì điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp và áp dụng tốt hơn cho giai đoạn đến.

Thứ hai, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh vị trí việc làm và gắn liền với công tác bố trí, sử dụng cán bộ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Để việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mang lại hiệu quả thiết thực, tránh tình trạng học để đủ bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận, học các vấn đề không cần thiết, mức độ ứng dụng trong công tác không cao thì các cơ quan, đơn vị cần sớm hoàn thiện Đề án vị trí việc làm; cụ thể hóa các quy định của cấp trên về tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức, viên chức của từng đơn vị, địa phương. Trên cơ sở đó, hàng năm có kế hoạch cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng các chuyên ngành, chương trình liên quan mật thiết với yêu cầu công tác và gắn kế hoạch, kết quả đào tạo, bồi dưỡng với công tác bố trí, sử dụng cán bộ của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương phải phối hợp và triển khai thật tốt chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Quy chế số 19-QC/TU về quản lý đào tạo lý luận chính trị trong hệ thống chính trị của tỉnh; Quy chế số 31-QC/TU về phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Căn cứ quy định của Trung ương về phân cấp đào tạo lý luận chính trị, Trường Chính trị có trách nhiệm hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện, phân bổ chỉ tiêu đào tạo trung cấp lý luận chính trị công bằng, khách quan; cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo; cơ quan có thẩm quyền quản lý, tham mưu, giúp việc về công tác tổ chức cán bộ tham gia hội đồng tuyển sinh và tăng cường hậu kiểm.

Để khắc phục triệt để tình trạng lười học, ngại học, xem nhẹ việc học tập lý luận chính trị và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, các cơ sở đào tạo cán bộ, trong đó có Trường Chính trị tỉnh bên cạnh việc nâng cao chất lượng giảng dạy cần siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong quản lý học tập như: tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, giám sát việc học tập và thi cử thông qua hệ thống camera, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "học dùm, thi hộ"; chấn chỉnh nghiêm tình trạng giải quyết việc riêng, việc cơ quan trong giờ học hoặc không có mặt tại lớp để học tập lý vì xử lý công việc cơ quan hay vì việc riêng, ảnh hưởng đến hiệu quả học tập; thực hiện nghiêm túc việc thông báo tình hình, kết quả học tập của học viên cho cơ quan quản lý và sử dụng cán bộ biết, theo dõi.

Thứ ba, Quan tâm đầu tư, hỗ trợ các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Tỉnh trong việc đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác quản lý, giảng dạy và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên

Tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ để Trường Chính trị tỉnh sớm đạt chuẩn mức 1 vào năm 2026 theo Đề án số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tạo điều kiện để Nhà trường tiếp tục cử giảng viên đi đào tạo sau đại học trong và ngoài nước; đi nghiên cứu thực tế, trao đổi kinh nghiệm bồi dưỡng cán bộ với Trường Công vụ và Trường Đảng các nước để nâng tầm tư duy[5]… để Nhà trường thực sự là lá cờ đầu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị tỉnh nhà.

Tăng cường giảng viên thỉnh giảng là các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành, địa phương có chuyên môn sâu và kinh nghiệm thực tiễn phong phú; góp phần giúp nhà trường tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; đủ khả năng trang bị cho học viên những kiến thức về tầm nhìn và tư duy chiến lược, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng xử lý tình huống, quản trị rủi ro.

Quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên và cơ sở vật chất của Trung tâm Chính trị các huyện, thị xã, thành phố.

Thứ tư, nâng cao trách nhiệm, ý thức tự học tập, rèn luyện của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Hoạt động công vụ là một nghề rất đặc thù, đòi hỏi người cán bộ không chỉ có chuyên môn sâu mà còn phải có kiến thức tổng hợp, có tư duy bao quát, kinh nghiệm, kỹ năng xử lý công việc và tác phong hành chính chuẩn mực; đối với các vị trí lãnh đạo càng cao thì các yêu cầu này càng lớn. Từ thực tiễn cho thấy không có cơ sở đào tạo nào có thể trang bị ngay tất cả các kiến thức để người cán bộ có được đầy đủ năng lực tri thức và khả năng thực tế để sẳn sàng hoàn thành tốt chức trách được giao, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước tăng cường đào tạo cán bộ thông qua việc điều động, luân chuyển cán bộ kinh qua nhiều vị trí khác nhau. Do vậy, người cán bộ cần phải có tinh thần học tập suốt đời, có thái độ thật nghiêm túc khi được cấp có thẩm quyền cử tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong học tập và tự học, tự rèn luyện, khắc phục tình trạng học tập hình thức, tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, học để hoàn thiện bằng cấp, chứng chỉ bảo đảm tiêu chuẩn chức danh.

Tóm lại, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là một trong những giải pháp quan trọng để Tỉnh Quảng Ngãi hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã được đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025. Thực tiễn cho thấy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo về số lượng, cơ cấu, chất lượng có những tác động nhất định vào kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong thời gian qua[6]. Để hoàn thành xuất sắc mục tiêu đưa Tỉnh nhà trở thành Tỉnh phát triển khá, hướng đến xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian đến vẫn là nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu. Để công tác này thật sự đem lại hiệu quả, bên cạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải xác định đúng đắn động cơ học tập để từ đó tham gia vào công tác này với trách nhiệm cao và tinh thần nghiêm túc nhất.

TS Nguyễn Viết Vy

TUV, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi

ThS Ngô Thị Ngọc Ánh

Phó Trưởng Khoa Nhà nước và pháp luật, Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi

Tài liệu tham thảo

[1] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1974, t.44, tr.499.

[2] Trần Trọng Kim, Nho giáo (quyển thượng), Nxb. Bộ Giáo dục, Sài Gòn, 1971, tr.40-60.

[3], [4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5. H. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 280, 309.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.II; tr.196, 226.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 111.

[7] Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi: Nghị quyết ĐHĐB Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

[8], [9] [10] Tỉnh ủy Quảng Ngãi: Báo cáo số 525-BC/TU ngày 5/7/2024 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến nay.

    Đề án số 09-ĐA/TU ngày 27/01/2022 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 06/6/2022 về nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án số 12-ĐA/TU ngày 07/9/2022 về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cho hệ thống chính trị của tỉnh trong 05 năm, 10 năm, 20 năm đến, Quy chế số 19-QC/TU ngày 16/8/2022 về quản lý đào tạo lý luận chính trị trong hệ thống chính trị của tỉnh; Quy chế số 31-QC/TU ngày 07/8/2023 về phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc thẩm quyền xem xét, cho chủ trương, quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy…

    Trong đó: có 490 lượt cán bộ được đào tạo chuyên môn (đào tạo đại học trong nước là 405 lượt, đào tạo thạc sỹ trong nước là 77 lượt, đào tạo Tiến sỹ trong nước là 8 lượt) và 4.406 lượt cán bộ được đào tạo lý luận chính trị (đào tạo sơ cấp là 1.176 lượt, trung cấp là 2.792 lượt, cao cấp là 438 lượt).

    Trong đó, có 240 lượt được bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng Đảng, 1.998 lượt được bồi dưỡng Nghiệp vụ đoàn thể, 6.325 lượt được bồi dưỡng về Quản lý nhà nước, 142 lượt được bồi dưỡng về Ngoại ngữ, 604 lượt được bồi dưỡng về Tin học, 15.848 lượt được Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng và 15.639 lượt được bồi dưỡng về quốc phòng – an ninh.

    Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học trở lên đạt 90,77%, tăng 10,93% so với thời điểm chưa có Nghị quyết số 09, trong đó số cán bộ, công chức có trình độ thạc sĩ tăng 0,87%; có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên đạt 88,77%, tăng 6,77% so với thời điểm chưa có Nghị quyết số 09.

    Năm 2023, Trường Chính trị tỉnh đi nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Trường Công vụ Singapore; năm 2024, đi nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với Trường Đảng tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

    Giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn bình quân đạt 5,49%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 85.300 tỷ đồng, đạt 145,29% so với dự toán Trung ương giao. Quy mô nền kinh tế tỉnh Quảng Ngãi không ngừng tăng lên qua các năm. Công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh đạt kết quả quan trọng. Năm 2023, Quảng Ngãi giữ vị trí thứ 27/63 tỉnh, thành phố, với kết quả đạt được 87,33%, đây là năm thứ 2 liên tiếp Quảng Ngãi giữ vị trí thứ 27 trên bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính.