Nhường bữa sáng, tiếp sức em đến trường

Thứ năm, 02/03/2017 - 20:51

TNV - Cho dù điều kiện ăn ở, học hành của các bé ở điểm trường Buốc Pát còn rất nhiều cách biệt, thiệt thòi so với các bé ở khu vực thành thị, nhưng có lẽ bài học về lòng nhân ái, đùm bọc yêu thương, đặc biệt là bài học về tinh thần làm việc dân chủ, công bằng (thông qua việc chia cơm hàng ngày) mà các bé ở điểm trường này được học sẽ là sớm hơn và khắc sâu hơn trong tâm hồn trẻ thơ trong trẻo của mỗi bé.




Học sinh Mùa Thị Mọ, Mùa A Chính (lớp 5)  làm nhiệm vụ chia cơm và thức ăn sao cho thật đều, thật khéo. Chỉ đến khi nào không còn bạn nào thắc mắc thì bữa sáng mới thực sự được bắt đầu một cách thật ngon lành. (Ảnh: Phạm Quỳnh)

Nhường bữa sáng cho học sinh điểm trường Buốc Pát Bản Buốc Pát thuộc xã xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nằm cách biên giới Việt – Lào chừng 500m. Cả bản chỉ có vỏn vẹn 11 nóc nhà nhưng lại là nơi sinh sống của 14 hộ đồng bào dân tộc Mông với tổng số 82 nhân khẩu. Là bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, hầu như gia đình nào cũng có người dính líu đến ma túy, nên việc vận động các em trong độ tuổi đến trường là cực kỳ khó khăn, bởi bố mẹ các em đâu còn nhiều tâm trí để lo toan đến việc học của con cái.., vả lại còn phải lo lên nương kiếm cái ăn nên các em cũng phải giúp bố mẹ lao động ngay từ khi còn rất nhỏ. Là bộ đội Cụ Hồ đứng chân trên địa bàn của xã, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập rất trăn trở với câu hỏi: Phải làm gì đây để các em được đến trường? để bản Buốc Pát được ấm no? Nghĩ là làm, bắt đầu từ tháng 9 năm 2012, được sự đồng thuận của cán bộ chiến sĩ trong Đồn bộ, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập đã nấu cơm sáng và thức ăn đem lên cho các cháu tại điểm trường Buốc Pát.


4h 45 phút sáng, khi màn đêm còn nặng trình trịch và giá lạnh các chiến sĩ anh nuôi Lò Văn Tiến, Lò Văn Cầm, Cà Văn Lúng của Đồn đã thức dậy để nhóm bếp nấu cơm cho đơn vị và không quên nấu thêm 02 kg gạo cùng gần 1 kg thịt là khẩu phần ăn bữa sáng của cả thảy 19 em nhỏ trên điểm trường Buốc Pát. (Ảnh: Phạm Quỳnh)

Thiếu tá Đào Mạnh Tưởng – Chính trị viên của Đồn cho biết, khẩu phần ăn hàng ngày của các cháu được lấy từ khẩu phần ăn bữa sáng hai ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần của cán bộ chiến sĩ Đồn bộ tự nguyện nhường cho các cháu. Vào một ngày cuối năm, khi chỉ còn mấy ngày nữa là bước sang năm mới 2017, tôi có dịp đến với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập; phải cố gắng lắm tôi mới có thể chiến thắng được cơn buồn ngủ và vùng ra khỏi chăn đệm ấm áp giữa đêm đông lạnh giá để thức dậy cùng các chiến sĩ anh nuôi nấu cơm khi màn đêm còn nặng trình trịch. Vậy mà cứ mỗi tuần 5 buổi, từ thứ hai đến thứ sáu, chẳng kể ngày đông lạnh giá hay ngày hè oi nóng, sáng nào các chiến sĩ anh nuôi Lò Văn Tiến, Lò Văn Cầm, Cà Văn Lúng của Đồn cùng dậy từ 4h 45 phút sáng để nhóm bếp nấu cơm cho đơn vị và không quên nấu thêm 02 kg gạo cùng gần 1 kg thịt là khẩu phần ăn bữa sáng của cả thảy 19 em nhỏ trên điểm trường Buốc Pát. Hàng ngày cứ 6h 20 phút sáng, cơm và thức ăn mang lên cho các em đã được gói ghém cẩn thận để ở buồng gác cổng Đồn nhờ các thầy cô giáo cắm bản đi qua cầm lên điểm trường. Cô giáo Đinh Thị Ngân đã có 3 năm cắm bản Buốc Pát cho biết, vào những hôm đường khô ráo, thầy cô nào đi trước thì qua Đồn mang cơm lên trước, vào những hôm trời mưa đường lầy lội thì công việc mang cơm được giao cho thầy Thành, bởi chỉ có thầy mới đủ can đảm đi xe máy mà cả hai bánh đều phải quấn dây xích để vượt con đường dốc trơn trượt tới điểm trường.


Hôm nay, Đồn trưởng Nguyễn Danh Tuệ cắt cử Đại úy Trá A Của (Đội trưởng Đội vận động quần chúng) và Đại úy Trá A Dia (Đội phó Đội trinh sát) trực tiếp mang cơm và đưa chúng tôi cùng lên điểm trường. (Ảnh: Phạm Quỳnh)

Còn hôm nay, Đồn trưởng Nguyễn Danh Tuệ cắt cử Đại úy Trá A Của (Đội trưởng Đội vận động quần chúng) và Đại úy Trá A Dia (Đội phó Đội trinh sát) trực tiếp mang cơm và đưa chúng tôi cùng lên điểm trường.

Khắc sâu bài học về dân chủ, công bằng ngay từ bậc tiểu học

Đường từ Đồn tới điểm trường dài chừng 4 km, nhưng hai chiếc xe máy phải ì ạch leo dốc vượt qua hai quả núi mất gần 20 phút mới tới nơi. May mà thời tiết đẹp, đường khô ráo chứ gặp phải ngày đường trơn thì chỉ có nước đi bộ cũng phải mất hơn tiếng đồng hồ - Trá A Dia kể giọng đứt quãng bởi phải liên tục đảo xe qua lại vượt con đường dốc, khúc khủy, gồ ghề.


Cô Giang đến tận nhà trưởng bản Mùa A Sủ gọi cháu Mùa A Nụ (5 tuổi) đi học. (Ảnh: Phạm Quỳnh)

Điểm trường Buốc Pát nằm trên khu đất khá bằng phẳng gần đỉnh đồi, gồm hai căn nhà cấp 4 tường xây, mái lợp tôn đỏ; căn nhà nằm bên phải cổng vào là lớp học mầm non với 01 cô và 07 trò, được biết phòng học mầm non này mới được một doanh nghiệp ở thị trấn Mộc Châu xây tặng năm 2015; còn căn nhà nằm chính giữa là nhà văn hóa của bản được mượn ngăn ra làm hai phòng dùng cho bốn lớp bậc tiểu học, thầy Thành dạy ở một phòng gồm hai lớp nghép 4 và 5 với 8 cháu, cô Ngân dạy phòng còn lại gồm hai lớp nghép 2 và 3 với cả thảy chỉ có 4 cháu học sinh. Khi tôi đến điểm trường cũng là lúc cô giáo dạy mầm non Nguyễn Hương Giang đang tất tả đến từng nhà gọi các bé ra học; thầy Thành đến thăm em Mùa Thị Xa bị ốm phải nằm nhà, còn cô Ngân đang quản học sinh trên lớp.


Đại úy Trá A Dia cùng cháu Nụ đến trường. (Ảnh: Phạm Quỳnh)

Khi các bé tiểu học đã ngồi ngay ngắn, quây quần bên bốn chiếc bàn học vừa mới được ghép sát lại thành một chiếc bàn ăn lớn, thầy Thành trao bọc cơm còn nóng hổi cho cô trò nhỏ có gương mặt sáng sủa Mùa Thị Mọ (lớp 5) làm nhiệm vụ chia cơm. Cô trò nhỏ cẩn thận xúc từng muôi cơm ra từng bát sao cho thật đều và tuyệt đối không để rơi vãi ra ngoài dù chỉ một hạt. Tiếp đó là nhiệm vụ chia thức ăn của cậu trò nhỏ Mùa A Chính (lớp 5) cũng phải chia cho thật đều, thật khéo. Chỉ đến khi nào không còn bạn nào thắc mắc thì bữa sáng mới thực sự được bắt đầu thật ngon lành – thầy Thành nói.

Bữa cơm sáng làm ấm dạ các cháu mầm non nơi vùng biên lạnh giá mùa đông. (Ảnh: Phạm Quỳnh)

Đối với các bé mầm non, thì cô giáo Giang phải chia cơm và thức ăn cho từng cháu, những cũng phải tuân thủ nguyên tắc sao cho thật đều và không còn cháu nào thắc mắc nữa thì bữa sáng mới được tiến hành.

Các trò tiểu học tự giác mang thìa, bát đi rửa sạch sẽ và úp ngay ngắn trên chiếc bàn nhỏ kê ở góc lớp học.
(Ảnh: Phạm Quỳnh)

Thầy Lê Bá Thành – người đã có thâm niên 10 năm liền dạy ở điểm trường Buốc Pát này cho biết, trước kia con em ở bản trong độ tuổi đến trường chỉ đạt chừng 50 – 60%, nhưng từ khi được bộ đội biên phòng nhường bữa sáng cho các em thì tỷ lệ đến trường đã tăng lên rõ rệt (đạt 80 – 100%), giờ giấc được đảm bảo, chất lượng học tập cũng tiến bộ hơn; từ đây, các bậc phụ huynh, bà con trong bản luôn dành những ánh mắt trìu mến, cử chỉ ấm áp cho các chú bộ đội biên phòng.


Và bài học ngày mới bắt đầu. Tiếng thầy cô giảng bài, tiếng các trò ê a vang lên làm cả bản thêm vui, làm vùng biên trở nên ấm áp. (Ảnh: Phạm Quỳnh)

Cho dù điều kiện ăn ở, học hành của các bé ở điểm trường Buốc Pát còn rất nhiều cách biệt, thiệt thòi so với các bé ở khu vực thành thị, nhưng có lẽ bài học về lòng nhân ái, đùm bọc yêu thương, đặc biệt là bài học về tinh thần làm việc dân chủ, công bằng (thông qua việc chia cơm hàng ngày) mà các bé ở điểm trường này được học sẽ sớm hơn và khắc sâu hơn trong tâm hồn trẻ thơ trong trẻo của mỗi bé.



Phạm Quỳnh