Cột mốc 2021
Ngoài năm 1948 (năm Myanmar giành được độc lập khỏi thực dân ngoại bang) thì năm 2021 là một bước ngoặt quan trọng thứ 2 trong lịch sử hiện đại của Myanmar – vào năm này đã nổ ra cuộc nổi dậy trên quy mô lớn chống lại chính quyền quân sự.
Lực lượng vũ trang dân tộc Arakan ở Myanmar. Ảnh: Quân đội Arakan.
Có thời điểm có tới ít nhất 150-200 nhóm PDF riêng rẽ tuyên bố hoạt động ở hầu hết các thị trấn chính ở miền Trung Myanmar cũng như ở một số khu vực dân tộc thiểu số. Hoạt động tái tổ chức và sự thương vong kể từ giữa năm 2021 đã giảm số lượng PDF trên xuống còn khoảng 50 nhóm tương đối vững chắc.
Chiến dịch kháng chiến của các nhóm PDF này đã gây thương vong cho các quan chức quân đội Myanmar cũng như những đối tượng bị nghi ngờ hợp tác với Tatmadaw. PDF thực hiện các vụ tấn công chớp nhoáng vào các căn cứ quân sự và đồn cảnh sát, từ đó làm tê liệt các chính quyền địa phương tại nhiều nơi thuộc lãnh thổ Myanmar.
PDF mở rộng việc sử dụng bom mìn tự chế - ban đầu chỉ để tấn công các trụ sở chính quyền và đoàn xe quân sự, sang tấn công các mục tiêu cơ sở hạ tầng như đường sắt, cầu, và các trạm phát sóng điện thoại di động thuộc sở hữu của Tatmadaw.
Khu vực Sagaing ở miền tây bắc của Myanmar đã trở thành tâm chấn của xung đột vũ trang hiện nay. Bạo lực đã leo thang thành một cuộc nổi dậy có tổ chức của PDF.
Kể từ đầu tháng 11/2021, quân đội Myanmar đã tổ chức tiến công vào khu vực trên, tiến hành càn quét, không kích bằng máy bay cánh cứng và sử dụng lực lượng đổ bộ bằng trực thăng nhưng vẫn chưa thể trấn áp được lực lượng kháng chiến.
Những vấn đề của phe kháng chiến
Tuy nhiên, sau 9 tháng xung đột, PDF đã bộc lộ 2 vấn đề lớn, bất chấp việc họ giành được sự hậu thuẫn khá lớn từ người dân.
Thứ nhất, đó là thách thức về việc tiếp cận được các loại vũ khí hiện đại. Từ tháng 4/2021, nhiều nhóm PDF đã bổ sung kho súng của mình bằng các vũ khí tự động mua từ các tổ chức vũ trang dân tộc thiểu số (EAO) có cảm tình với họ và hoạt động ở vùng biên giới của Myanmar.
Ngoài ra, tổ chức Quân đội Độc lập Kachin (KIA) đông tới 10.000 tay súng đã tự sản xuất vũ khí các loại rồi cung cấp cho một số đơn vị PDF ở Sagaing. Ở miền Đông, các tổ chức EAO của tộc người Karen và Karenni đã tuồn vào đất nước các hàng cung ứng lấy từ Thái Lan.
Tuy nhiên, PDF chủ yếu tấn công quân đội Myanmar bằng phương pháp du kích, còn các chiến dịch quy mô lớn hơn thì bị giới hạn bởi tình trạng thiếu các vũ khí yểm trợ như súng máy, súng B-41, và súng cối, vốn cần thiết để đánh chiếm các chốt quân sự và thu thêm vũ khí đạn dược.
Việc sử dụng các súng phóng lựu tự chế và các súng cối do một số nhóm doanh nghiệp sản xuất kể từ tháng 10/2021 dường như chỉ làm nổi bật các khó khăn của quân nổi dậy hơn là giải quyết được vấn đề của họ. Ngay cả việc sử dụng vũ khí nổ tự chế cũng có lẽ chỉ là biện pháp tình thế mà thôi.
Thứ hai, PDF gặp thách thức lớn về điều phối và chiến lược định hướng cho việc điều phối.
Đưa kháng chiến lên một tầm cao mới chắc chắn sẽ phụ thuộc vào năng lực của “chính phủ ngầm” của phong trào chống chính quyền quân sự, đó là “Chính phủ Đoàn kết Quốc gia” (NUG), vừa để tăng cường quan hệ với các lực lượng PDF địa phương, vừa để cung cấp cho họ các định hướng chiến lược, ngân quỹ, và có thể cả đạn dược. Nếu không đạt được điều này, các PDF có nguy cơ bị cô lập và xé thành nhiều mảnh trong các chiến dịch trấn áp có hệ thống và muc tiêu rõ ràng của Tatmadaw.
Kể từ tháng 9/2021 (khi NUG tuyên bố phát động “chiến tranh phòng vệ nhân dân” nhằm vào chế độ quân sự), NUG đã giành được sự trung thành của nhiều PDF. Riêng ở Yangon, các cuộc tấn công phối hợp với nhau đã đoàn kết các đơn vị PDF chủ chốt dưới ngọn cờ của NUG. Hiện chưa rõ các kết nối này có đuổi kịp hay không các làn sóng tấn công và bắt giữ do giới chức Myanmar thực hiện ở Yangon dựa trên thông tin tình báo.
Thực trạng của quân đội Myanmar
Có luồng dư luận từ các nhà hoạch định xã hội cho rằng quân đội Myanmar quá lớn nên không thể thất bại được. Theo quan điểm này, cơ cấu, sự gắn kết, các nguồn lực, và vai trò trung tâm của quân đội Myanmar đối với nhà nước Myanmar hiện đại hậu thực dân quyết định việc quân đội này sẽ tiếp tục mặc định là lực lượng giữ vai trò thống trị quốc gia này trong giai đoạn bị chia rẽ về dân tộc và chính trị.
Nói một cách ngắn gọn, một Myanmar thiếu vắng Tatmadaw là chuyện không thể xảy ra. Có những cơ sở vững chắc cho góc nhìn đó. Trên thực tế, các nước lớn như Ấn Độ và Trung Quốc phần lớn đều dựa trên cơ sở này để xây dựng chính sách của mình đối với khủng hoảng Myanmar.
Nhưng khi cố gắng đẩy mạnh nỗ lực chiến tranh, quân đội Myanmar cũng đối diện với các điểm yếu lớn có thể đẩy họ tới chỗ phân mảnh hoặc thậm chí sụp đổ.
Vấn đề đầu tiên là khủng hoảng nhân lực. Tatmadaw chủ yếu gồm lính tình nguyện hơn là lực lượng nghĩa vụ và được nhận định có khoảng 350.000-400.000 quân nhân.
Kể từ thập niên 1990, tình trạng thiếu nhân lực đã phổ biến trong quân đội Myanmar. Khi ấy, một tiểu đoàn bộ binh điển hình của Myanmar có chưa đến 200 lính, và thường chỉ có 100 lính so với mức 600-700 lính trong mô hình quân đội hiện đại điển hình. Người ta cũng ghi nhận có tình trạng tuyển các tân binh còn là trẻ em.
Là một “nhà nước trong nhà nước”, Tatmadaw đã phát triển kèm theo các đơn vị hành chính, kỹ thuật, y tế, giáo dục, tư pháp, thương mại, công nghiệp, và nông nghiệp. Tuy nhiên, các đơn vị này có ít dụng trong việc trấn áp nổi dậy.
Phân tích sâu cấu trúc quân đội Myanmar cho thấy với tư cách là lực lượng chiến đấu trên thực địa, quân đội Myanmar hiện chỉ huy động chưa tới 100.000 quân, được chia ra thành lực lượng địa phương và lực lượng trung ương gồm 10 sư đoàn bộ binh hạng nhẹ. Ngoài ra Tatmadaw còn được hỗ trợ bằng một lực lượng cảnh sát bán quân sự gồm 80.000 người.
Ngay trước cuộc đảo chính của quân đội Myanmar vào tháng 2/2021, các lực lượng quân sự Myanmar đã bị căng mỏng ở nhiều bang. Sau đó, tình trạng hỗn loạn này leo thang thành nổi dậy ở khắp vùng miền trung Myanmar từ đó làm phức tạp thêm đáng kể áp lực lên Tatmadaw.
Do vậy, Bộ chỉ huy quân đội Myanmar đã phải tổ chức các đơn vị công binh và không quân thành các lực lượng bảo an đô thị, gọi tái ngũ các quân nhân đã phục viên, và xây dựng một lực lượng dân quân mặc thường phục mới, với các thành viên hầu hết chưa được huấn luyện. Vào đầu tháng 12/2021, quân đội Myanmar quyết định huấn luyện vũ khí nhỏ cho trẻ vị thành niên và vợ của các quân nhân tại ngũ.
Vấn đề thứ 2 là phải vực dậy tinh thần chiến đấu. Vào cuối năm 2021, tinh thần quân đội Myanmar rơi vào trạng thái được xác định là “bất định”. Trên chiến trường, quân đội Myanmar phải huy động lượng quân lớn và hỏa lực mạnh để đối đấu với các du kích sử dụng chiến thuật đánh bất ngờ và rút nhanh.
Tinh thần thấp đó thể hiện ở xu hướng quân nhân Myanmar thích gọi yểm trợ đường không (mà thường thì điều này không được đáp ứng).
Đã vậy, gần đây có các báo cáo về tình trạng các sĩ quan ở tuyến sau hối lộ bằng đồng đô la Mỹ để khỏi bị thuyên chuyển ra mặt trận.
Vấn đề thứ 3 liên quan đến tính chính danh của chính quyền quân sự sau khi Tatmadaw dùng vũ lực để giành chính quyền.
Về ngắn hạn, Tatmadaw có thể khống chế được các thách thức này. Nhưng về dài hạn, vào nửa sau của năm 2022 và sau đó, các thách thức này có thể trở nên nghiêm trọng hơn và khó lường đối với họ./.
Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch Nguồn: Asia Times