Tính đến ngày 8/7, các địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 4 cao gồm Lạng Sơn (93%); Cần Thơ (87%); Cà Mau (95,6%). Ảnh: VGP/Hiền Minh
Theo số liệu sơ bộ về tiêm chủng từ Bộ Y tế tính đến hết ngày 8/7, nhóm từ 18 tuổi trở lên trên cả nước đã tiêm nhắc lại mũi 1 (mũi 3) đạt hơn 46,237 triệu mũi tiêm ( đạt tỉ lệ 69%). Trong đó, các địa phương hiện đang có tỉ lệ tiêm mũi 3 thấp như Hải Phòng (43,2%); Quảng Nam (45,4%); Đồng Nai (43,9%); Cà Mau (45,5%); Hậu Giang (35,5%).
Các địa phương có tỉ lệ tiêm nhắc mũi 1 (mũi 3) cao gồm Thanh Hóa (93,8%); Bắc Giang (95,8%); Nghệ An (95%); hơn 10 tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm mũi 3 trên 80%; 26 tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm mũi 3 từ 60-80%.
Đối với mũi tiêm nhắc lần 2 (mũi 4), cả nước ghi nhận tổng số 5.054.611 mũi tiêm (35,2%). Trong đó, các địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 4 cao gồm Lạng Sơn (93%); Cần Thơ (87%); Cà Mau (95,6%)...
Riêng nhóm từ 12 đến 17 tuổi, cả nước ghi nhận 8.657.759 trẻ tiêm đủ 2 mũi đạt 98,8%; mũi tiêm nhắc ghi nhận 1.051.853 trẻ (đạt 12,0%).
Các địa phương có tỷ lệ tiêm mũi nhắc thấp dưới 5% ở nhóm từ 12 đến 17 tuổi gồm: Hà Nội; Nam Định; Hà Nam; Bắc Giang; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Quảng Ninh; Nghệ An; Lạng Sơn; Hà Giang;Cao Bằng; Yên Bái; Điện Biên; Quảng Nam; Bình Thuận; Tiền Giang, Long An; Sóc Trăng; Trà Vinh; Đồng Tháp; Bình Phước; Kiên Giang; Hậu Giang.
Các địa phương có kết quả tiêm nhắc tốt ở nhóm từ 12 đến 17 tuổi gồm Ninh Bình (47,9%); Thanh Hóa (47,3%); Tây Ninh (47%).
Đa dạng các điểm tiêm chủng để phục vụ người dân
GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay vaccine COVID-19 được Bộ Y tế cung cấp đầy đủ theo nhu cầu, theo chỉ định và được vận chuyển tới các địa phương. Nơi nào chưa tiêm chủng đầy đủ, nơi đó có nguy cơ virus xâm nhập.
Các điểm tiêm chủng cũng rất đa dạng, đặc biệt người dân có thể tiếp cận gần nhất các điểm tiêm tại các trạm y tế xã, phường, sau đó đến các cơ sở tiêm chủng khác, thậm chí ở những nơi đi lại khó khăn, ngành y tế và các địa phương cũng đã có hình thức tiêm chủng lưu động, tiêm tại nhà.
Với những nơi có sự di biến động dân cư nhiều như TPHCM, hình thức thông báo tiêm chủng tới người dân cũng rất đa dạng, như thông tin có trên các trang web của Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM… luôn cập nhật điểm tiêm chủng và thời gian tiêm chủng.
Tại các xã, phường, thông qua hệ thống loa phường cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương, với tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, người dân hoàn toàn có thể đến các cơ sở y tế gần nhất hoặc đến các xã, phường để được tư vấn và tiêm ngay nếu sức khỏe bảo đảm.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, trong thời điểm hiện nay, nếu có vướng mắc về vấn đề tiêm chủng, người dân có thể gọi về đường dây nóng của các Sở Y tế, của Bộ Y tế.
"Chúng ta đã và đang đa dạng hoá các hình thức để một người dân mong muốn được tiêm chủng sẽ được phục vụ một cách đầy đủ, chu đáo, an toàn và hiệu quả nhất", GS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.
Ông Phan Trọng Lân cũng khuyến cáo người dân, với nỗ lực chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương, đến tháng 2/2022, các mũi tiêm cơ bản vaccine COVID-19 ở nước ta gần như được bao phủ hết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, sau 4 đến 6 tháng, miễn dịch đối với những người này đã giảm, đặc biệt với những người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi, tỷ lệ miễn dịch còn giảm hơn nữa. Do đó, những đối tượng này cần phải tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều, để duy trì miễn dịch, không để virus xâm nhập.
Những đối tượng có nguy cơ cao cần tiêm càng sớm càng tốt để duy trì miễn dịch, tránh nhiễm những biến thể mới nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, nâng cao dự phòng cho bản thân và cộng đồng.
Hiền Minh/Chinhphu